Chúng ta

'Phải thay đổi chính mình để đón chờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0'

Thứ hai, 5/12/2016 | 16:00 GMT+7

“Tôi học tất cả, đọc sách như điên. Những chia sẻ hôm nay toàn là từ những cuốn sách vừa đọc. Học liên tục để thực hiện ước mơ sẽ ngẩng mặt với thế giới”, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ.

Tại buổi giao lưu với hơn 500 start-up ở TP HCM diễn ra ngày 4/12 do Câu lạc bộ Quản trị và khởi nghiệp phối hợp với BizLIVE tổ chức, ông Trương Gia Bình đã có những chia sẻ về cuộc cách mạng 4.0 (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) cũng như cách quản trị doanh nghiệp và dẫn dắt startup.

- Ở FPT và một số doanh nghiệp dẫn đầu của Việt Nam, nhiều người đang đặt ra vấn đề “lão hóa” của các doanh nghiệp, ông nghĩ sao về vấn đề này? Đường đi của FPT trong cuộc cách mạng 4.0 là gì?

- Hóa ra doanh nghiệp cũng lão hóa như quá trình sinh lão bệnh tử của con người. Những doanh nghiệp lão hóa đã đi vào giai đoạn bệnh rồi rất khó phát triển trở lại. Làm thế nào để doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng? Theo tôi, có ba phẩm chất quan trọng.

Trước tiên, là một sứ mạng cháy bỏng. Starbucks với khát vọng cháy bỏng là cho con người một trải nghiệm tuyệt vời về cà phê. Nhưng khi Starbucks mở rộng quá nhiều sản phẩm đồ uống đã bị đi xuống. Khi công ty lên đến 1.000, 10.000 người, bạn dễ quên mất sứ mạng của mình, đó là biểu hiện đi xuống.

binh1-ydbi-1788-1480914408.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Thứ hai, là hướng đến khách hàng. Rất nhiều doanh nghiệp quên mất mình đang phục vụ ai. Một doanh nghiệp thành công phải có sự ám ảnh khách hàng. Khách hàng không bao giờ rời khỏi đầu anh ta cả. Một ông chủ khách sạn yêu cầu nhân viên phải giao tiếp với khách hàng 42 lần/ngày, để lần thứ hai khách đến thì mọi thói quen của khách phải được chuẩn bị hết để đáp ứng trước khi khách yêu cầu. Các bạn phải là người lật đổ các quy tắc trò chơi.

Cuối cùng là tư duy người chủ. Công ty thành công là mỗi một cá nhân đều coi việc công ty như việc của nhà mình, tự hào với công ty. Nếu mỗi nhân viên đều có phẩm chất này thì doanh nghiệp sẽ sống.

Cách đi của FPT, một tập đoàn 30.000 người toàn trí thức là vô cùng khó. Đường đi tiếp theo của FPT là mong muốn tiên phong trong cuộc cách mạng số, đo bằng số lượng các kỹ sư được chứng chỉ của toàn cầu. Học để tạo sự khác biệt. Phải tạo ra sự vượt trội trong cuộc đua này để đi vào thế giới mới.

- Ông đánh giá thế nào về sự chuyển động của các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng này?

- Ở đây toàn là bạn bè, tôi muốn các bạn tiếp tục có tinh thần kinh doanh, khát vọng cháy bỏng như thời còn trẻ. Các bạn chiếm được thị trường Việt Nam rồi hãy ra ngoài thế giới mà chiếm. Thế giới lớn vô cùng tận, về ăn uống, vui chơi, cái gì cũng vượt trội, hãy ra ngoài thế giới mà làm.

Thứ hai, phải cẩn trọng với lão hóa, phải máu lửa, phải vì khách hàng và phải xây dựng niềm tự hào đó với từng nhân viên, khiến họ hành động như ông chủ. Quyết định vẫn là con người, hãy dành hầu hết thời gian đi tìm tướng lĩnh của mình. Hãy đốt đuốc đi tìm họ, rèn luyện để họ trưởng thành, có thể làm tiếp công việc của mình một cách ưu tú hơn. Thứ ba, hãy hỏi liệu có bao nhiêu tướng lĩnh mà anh tin cậy?

- Ở FPT, ông tìm lãnh đạo như thế nào?

- Thực sự nhà FPT anh em tứ xứ về, cùng "máu" để làm, hình thành nên các hướng kinh doanh, có kết quả. Bây giờ hỏi ai là người có thể tiếp tục? Chủ yếu là đo qua kết quả. Ai cũng có chỉ số, phải qua thử thách, và những người vượt trội nhất sẽ hiện ra. Trong khoảng 60 lãnh đạo của FPT có thể chọn ra 10 người đi ra toàn cầu, 10 người này sẽ phải cho vào lò bát quái để rèn giũa rất nhiều.

- Liệu FPT có phần mềm quản trị nào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

- Thực ra điều quan trọng với start-up là ý tưởng mới, chứ không phải phần mềm. Tôi có biết một ngôi trường rất thành công với chỉ vài chục giáo viên, có mặt khắp toàn cầu. Công cụ duy nhất của họ là… Facebook, họ nói chuyện với nhau liên tục giữa thầy và trò, đó là công cụ tốt nhất cho khởi nghiệp. Những tổ chức ấy ngủ rất ít, chỉ 6-7 tiếng một ngày, đó sẽ là tổ chức thành công.

- FPT có cơ hội nào dành cho các start-up?

- Tôi chọn người trước chứ chưa hẳn chọn ý tưởng. Bạn khát vọng gì, đã từng vấp ngã ra sao, và đã đứng lên như thế nào, sau đó mới đến ý tưởng. Ý tưởng chỉ là 0,1% của câu chuyện, vấn đề là ý tưởng ấy các bạn đã biến nó thành sản phẩm đến đâu. Câu hỏi tiếp theo là đã có ai trả tiền cho sản phẩm này chưa, doanh thu có tăng gấp 3 lần năm trước không? Bạn phải vượt qua chừng ấy chướng ngại thì mới thành công.

- Nếu tôi mong muốn là một Trương Gia Bình thứ hai thì ông nghĩ sao?

- Tôi cũng tự hỏi mình cái gì đi với mình lâu dài? Hồi bé tôi rất mê bóng đá, bóng chuyền, nhưng chỉ từng đoạn nhỏ, không quá quan trọng. Đi với mình suốt đời chính là khát vọng thoát ra khỏi nghèo hèn. Việc xuất khẩu phần mềm ra nước ngoài dù rất rắc rối, nhưng tôi nói với anh em “Ấn Độ làm được, ta phải làm được, không bàn”.

Thứ hai, mình chẳng hay ho gì ngoài chuyện học. Tôi học tất cả, đọc sách như điên. Những chia sẻ hôm nay toàn là từ những cuốn sách vừa đọc, đó là cái mà Davos đang nghĩ. Học liên tục để thực hiện ước mơ sẽ ngẩng mặt với thế giới.

- Vì sao ở Việt Nam, nhiều người học quá nhiều mà vẫn không thành công?

- Thực tế tôi có cơ hội làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới, không ai cản trở mình, chỉ mình không đáp ứng được họ thôi, đó là nỗi buồn.

Thế giới đang bước vào chiến tranh mạng, giới hacker từng có tuyên ngôn: “Tôi sinh ra và không muốn nghe lời ba mẹ tôi. Tôi là một đứa trẻ hư. Tất cả chúng tôi đều như vậy. Tôi không muốn nộp bài để trả lời câu mà chúng tôi không muốn trả lời. Máy tính đã cho tôi được làm điều mà tôi thích. Tất cả chúng tôi đều có chung một điểm rất tò mò…”. Đó là thế giới của những người giỏi nhất thế gian này về máy tính.

- Ông là gì ở FPT?

- Tôi là một nhà kiến trúc xây dựng các chiến lược doanh nghiệp như một cơ thể sống. FPT được quản trị trên nền tảng thống nhất về phương pháp lệnh, đó là cách tôi vận hành cùng một ngôn ngữ. Nhưng sau này tôi phát hiện rằng, hóa ra ra bộ lệnh là thống nhất nhưng kỹ năng con người là khác biệt. Giờ phải luân chuyển cán bộ để học thêm các kỹ năng khác.

- Có một vài lĩnh vực trong FPT không ai thay thế cho vai trò của ông, chẳng lẽ ông trẻ mãi tuổi 60?

- Lịch sử FPT là sự kế thừa. Ở Mỹ mình rời ra là đi luôn, ở Nhật còn một chút, nhưng ở Việt Nam là ở mãi, với vai trò tư vấn. Cho nên không cần thay hết 100%, ví dụ hoạt động xã hội là một tiêu chuẩn của FPT, mình thích thì mình cứ đi với anh em.

- Cuộc cách mạng 4.0 sẽ tác động đến ngành nghề nào nhất?

- Chưa ai nhìn thấy tương lai thế nào, chỉ biết là nó sẽ thay đổi. Ví dụ như với hệ thống cửa hàng bán lẻ, chúng tôi dự dịnh khi khách hàng bước vào, sẽ chào khách hàng: “lần trước anh đã mua iPhone 7, lần này có thêm mấy công nghệ mới anh có mua không?”

Chúng ta không biết rồi cuộc cách mạng này sẽ đi về đâu, nhưng chúng ta phải thay đổi chính mình để đón chờ nó.

>> Chủ tịch FPT: "Việt Nam có lợi thế của người đi sau'

BizLive

Ý kiến

()