Chúng ta

Nhật Bản đang cần rất nhiều kỹ sư CNTT Việt Nam

Thứ năm, 15/10/2015 | 09:27 GMT+7

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực là mối quan ngại lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đó là thông tin được Hiệp hội công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản (JISA) chia sẻ tại sự kiện Ngày CNTT Nhật Bản 2015 (Japan ICT Day) khai mạc sáng 14/10.

Cụ thể, tính đến tháng 6/2015, các doanh nghiệp Nhật tham gia khảo sát của JISA cho biết đang thiếu đến 50% số lượng kỹ sư CNTT. Sự thiếu hụt sẽ đặc biệt lớn trong thời gian tới khi Nhật đăng cai thế vận hội Olympic 2020 và nhiều dự án CNTT sẽ được triển khai trong tương lai và sự thay đổi nền tảng công nghệ của các tập đoàn lớn của Nhật.  

Trong khi đó, kết quả khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) cho thấy, số lượng người làm việc cho các dự án của Nhật trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng 46,5% so với năm 2014.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam là rào cản ngôn ngữ tiếng Nhật (82%), thiếu các kỹ sư cầu nối - BSE (40%), và thiếu hiểu biết về văn hoá, nhân sự nhảy việc, thiếu nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật (23%).

Chia sẻ từ kinh nghiệm của mình, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, cho biết: “Muốn thành công phải biết tiếng Nhật. Cụ thể đối tác Nhật bản thường mong muốn trao đổi trực tiếp với các kỹ sư CNTT các vấn đề chuyên môn, quản trị dự án nhằm đảm bảo dự án được thực hiện đúng, không bị chậm so với kết hoạch, trao đổi giải quyết các phát sinh. Do đó Việt Nam cần có kế hoạch đào tạo cho kỹ sư và đối tác Nhật”.

Để giải quyết bài toán nhân lực này, đại diện FPT Software cho biết đã thực hiện chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối BSE từ tháng 11/2014. Chương trình này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thành công của chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối, được FPT Software triển khai trong nhiều năm qua.

Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 5.000 kỹ sư được đào tạo theo hình thức du học tại Nhật Bản, số còn lại sẽ được đào tạo tại Việt Nam theo chương trình đào tạo cử nhân CNTT của Trường ĐH FPT và chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối của FPT Software.

Để khắc phục các rào cản về văn hoá, nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng hai bên nên thường xuyên có các chương trình giao lưu văn hoá, tạo điều kiện để nhân viên hoà nhập với văn hoá bản địa, yêu nước Nhật, thích người Nhật...

Ngày CNTT Nhật Bản 2015 được tổ chức với chủ đề: “Hợp tác trong phát triển ứng dụng IoT cho hạ tầng xã hội và gia công phần mềm và dịch vụ”. Ngoài hội nghị với hai phiên tọa đàm chuyên đề về “Cách thức hợp tác trong IoT” và “Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản: làm thế nào để kết nối nhu cầu của cả hai bên” còn có các hoạt động giao lưu, thăm quan thực tế và gặp gỡ giao thương, xúc tiến hợp tác cho các doanh nghiệp hai nước. Japan ICT day 2015 sẽ kết thúc vào ngày mai 15-10.

IoT (Internet of things hay Internet of Everything) hiện đang là xu hướng CNTT toàn cầu, được dự đoán là sẽ tạo ra sự bùng nổ kinh tế mới. Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức lớn và uy tín, Internet of Things sẽ là thị trường thiết bị lớn nhất trên thế giới.

Ước tính đến năm 2019, thị trường này sẽ gấp đôi quy mô thị trường smartphone, PC, tablet, xe hơi kết nối và thị trường các thiết bị đeo bên người cộng lại. IoT sẽ mang lại 1,7 nghìn tỷ USD giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2019, bao gồm phần cứng, phần mềm, chi phí lắp đặt, dịch vụ quản lý, và giá trị kinh tế tạo ra từ hiệu quả của IoT.

Doanh số thiết bị sẽ đạt 6,7 tỷ USD vào năm 2019 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong 5 năm đạt 61%. Doanh thu từ phần cứng sẽ chỉ đạt 50 tỷ USD, chiếm 8% tổng doanh thu từ các lĩnh vực liên quan đến IoT, song các nhà sản xuất phần mềm và các công ty hạ tầng sẽ là những hãng thắng lớn.

>> FPT Software gấp gần 5 lần doanh nghiệp phần mềm thứ hai

Tuổi Trẻ

Ý kiến

()