Khi chọn đề tài cho đồ án tốt nghiệp, nhóm sinh viên FPT gồm 4 chàng trai Lương Công Thuận, Nguyễn Thành Văn, Hoàng Trọng Thanh Tùng và Nguyễn Văn Thế Mỹ đều nhanh chóng thống nhất phương án triển khai một thứ đủ “mơ mộng” nhưng cũng rất thực tế, là làm một Javis (nhân vật trợ lý trong phim Iron man) phiên bản ĐH FPT mang tên VHome.
Sau 4 tháng miệt mài, VHome đã định hình thành công trong vai trò người giúp việc ảo cho gia đình, giúp người dùng điều khiển từ xa các thiết bị trong gia đình, biết giao tiếp bằng tiếng Việt, và có thiết kế thân thiện với người dùng.
Nhóm sinh viên FPT tại buổi bảo vệ đề tài tốt nghiệp tại trường. |
Để VHome có thể điều khiển từ xa các vật dụng trong gia đình - chức năng quan trọng của một giúp việc ảo, các sinh viên FPT đã lắp ráp gateway - một thiết bị có chức năng điều khiển từ xa các vật dụng, hệ thống trong gia đình. Với các vật dụng không có tính năng điều khiển từ xa như đèn, quạt, máy đun nước… một thiết bị âm tường sẽ được gắn vào phía sau mỗi công tắc để thực hiện chức năng điều khiển.
Mỗi gateway này sẽ được gắn ở mỗi phòng trong căn nhà mà người dùng có nhu cầu lắp đặt hệ thống điều khiển. Các gateway của từng phòng sẽ có các cảm biến để đo đạc môi trường như nhiệt độ, khói, khí gas, độ sáng… và gửi các thông tin từ cảm biến đó về cho “người giúp việc” VHome.
Nhóm áp dụng phương pháp tương tự các hệ thống tự động hóa tự động xử lý trong từng tình huống cụ thể để phân tích tình trạng ngôi nhà và điều khiển các thiết bị cho phù hợp. Ví dụ, lúc người dùng đang ngủ trong phòng, nếu nhiệt độ phòng quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài môi trường thực tế, thì VHome sẽ tự động điều chỉnh nhiệt độ điều hoà để tránh các ảnh hưởng xấu do sốc nhiệt tới người dùng. Hoặc khi người dùng ra khỏi nhà, VHome sẽ tự động ngắt điện các vật dụng được quy định bởi người dùng.
Ngoài ra, với hệ thống camera được lắp đặt ở cửa nhà, mỗi vị khách đến trước cửa nhà người dùng đều được Vhome nhận diện bằng “mắt” được thiết lập từ thuật toán phân tích hình ảnh sử dụng neural network (mô hình xử lý thông tin được mô phỏng dựa trên hoạt động của hệ thống thần kinh của sinh vật) kết hợp các ứng dụng có sẵn. Với các dữ liệu được người dùng cung cấp trước đó, VHome có thể phân biệt người lạ hay người thân và thông báo cho người dùng. Nhờ đó, người dùng không cần ra mở cửa mà chỉ cần dùng khẩu lệnh đóng hay mở để VHome thực hiện công việc đón tiếp khách.
Thông qua ứng dụng VHome, người dùng có thể thực hiện việc nhà một cách nhanh chóng với sự trợ giúp của trợ lý ảo. |
Quá trình xử lý ngôn ngữ cho người giúp việc ảo VHome đã được 4 chàng trai FPT sử dụng nhiều thuật toán và ứng dụng khác nhau để hỗ trợ. Vốn dĩ, tiếng Việt là một ngôn ngữ phức tạp, và việc lập trình theo giọng nói cũng là phạm vi khá lớn, nên để người giúp việc ảo VHome có thể nắm bắt được ngôn ngữ này, nhóm sinh viên đã không ít lần phải đau đầu.
Sau 4 tháng tập trung thực hiện dự án, VHome tới nay đã có thể hiểu được các yêu cầu với những câu từ mệnh lệnh khác nhau, như: “Bật đèn bên trái trong phòng ngủ giùm tôi”, hoặc “Bật đèn bên trái trong phòng ngủ đi”. Ngoài ra, đã tính đến trường hợp người dùng có những thói quen ngôn ngữ khác nhau do dặc tính vùng miền đa dạng, VHome cũng được trang bị chức năng “học” ngôn ngữ mới. Bất kể hệ thống phương ngữ mới lạ đến đâu, người dùng hoàn toàn có thể “dạy” VHome theo hướng dẫn sử dụng được đi kèm khi mua hệ thống.
Nhờ việc đáp ứng được nhu cầu của thị trường, hiểu tâm lý và hành vi người dùng, cũng như triển khai tốt về mặt kỹ thuật, VHome đã lọt vào top 10 nhóm chung kết cuộc thi IoT Start Up 2017. Đây là cuộc thi thường niên do Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) tổ chức nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp, xã hội với nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trên nền tảng IoT, cũng như ươm tạo và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. VHome được đánh giá là dự án có tính khả thi, có thể triển khai rộng rãi và có tính thương mại cao.
Sau buổi bảo vệ tốt nghiệp thành công, 4 sinh viên FPT vẫn miệt mài cải tiến để phát triến thêm về phần cứng và tiến hành triển khai thực tế, nhằm chuẩn bị cho vòng chung kết IoT Start Up 2017 vào tháng 10 tới. “Chúng mình hướng đến một giúp việc gia đình ảo có thể giúp cuộc sống của người Việt trong tương lai được tiên tiến hơn, hiệu quả hơn. Khi đã được robot phục vụ, con người sẽ có thêm thời gian để thực hiện thêm nhiều công việc mình muốn làm mà trước đây chưa làm được”, nhóm trưởng Lương Công Thuận chia sẻ về điều nhóm gửi gắm trong cho sản phẩm của mình.
>>Sinh viên công nghệ 'đua' bàn phím giành 30 triệu đồng
Theo Sinh viên Việt Nam
Ý kiến
()