Liên tiếp chưa đầy một tháng, giải thưởng APICTA - “giải Oscar” của ngành Công nghệ thông tin & Viễn thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giải thưởng ASOCIO 2018 đều vinh danh các sản phẩm, giải pháp công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức hành chính Việt Nam.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực phát triển kỹ thuật số trong nước và nâng cao đánh giá từ các đối tác công nghệ thế giới dành cho Việt Nam. Nhìn xa hơn, sinh viên đã và đang theo đuổi ngành CNTT có thêm nhiều hy vọng để nhìn vào cơ hội nghề nghiệp của mình.
CNTT phát triển nhanh chóng
Năm 2016, HackerRank (Mỹ) - trang đánh giá và xếp hạng lập trình viên từ các nước khác nhau công bố Việt Nam là đất nước có tiềm năng về phát triển phần mềm xếp thứ 1 ở Đông Nam Á, hạng 3 trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và xếp thứ 23 trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách ưu đãi cho các hoạt động sản xuất thuộc lĩnh vực CNTT và các lợi thế cạnh tranh về chi phí cũng đã thu hút các “ông lớn” như IBM, Microsoft, Intel hay Samsung… lần lượt đặt văn phòng, nhà máy, công xưởng tại Việt Nam.
Chính các tập đoàn công nghệ vốn 100% trong nước như FPT hay Viettel vẫn hoàn toàn bắt kịp làn sóng công nghệ 4.0 với Big Data, IoT, AI… Mức độ tăng trưởng của ngành công nghệ vẫn thuộc nhóm tăng trưởng cao, 20-30%/năm.
Ông Nguyễn Xuân Phong (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT) nhận giải thưởng Đơn vị Đào tạo Công nghệ Thông tin xuất sắc năm 2018 do ASOCIO trao tặng. Năm 2017, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đào tạo đầu tiên được nhận danh hiệu này. |
Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Vinasa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - cả thế giới đang dịch chuyển từ mô hình máy chủ - máy trạm (Client - Server) sang công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn.
Điều này có nghĩa Việt Nam có cơ hội để cùng đứng chung với cả thế giới ở điểm xuất phát trong cuộc đua dịch chuyển công nghệ này.
CNTT là ngành của thời đại
Cuộc sống hiện đại, các khái niệm như vạn vật kết nối, điện toán đám mây, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… ngày càng phổ biến.
Sức sáng tạo của con người không có giới hạn, nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ trở thành những giải pháp hữu hiệu cho đời sống hằng ngày như nhà thông minh, xe không người lái, ứng dụng thực tế ảo trong nghiên cứu y học… đòi hỏi việc giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bắt kịp được tốc độ phát triển toàn cầu càng được xem trọng.
Việt Nam có gần 300 trường đại học, cao đẳng có đào tạo các ngành thuộc Công nghệ thông tin và khoảng 55.000 sinh viên theo học hằng năm. Nếu chương trình đào tạo các trường được định hướng tốt, sinh viên sẽ được tiếp cận các công nghệ mới và tốt nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp công nghệ.
Bên cạnh tốc độ phát triển và khả năng đáp ứng từ giáo dục đào tạo, lượng thí sinh quan tâm ngành công nghệ thông tin cũng tăng qua các năm, nhất là những trường có tiếng trong lĩnh vực này.
Ông Lê Bình Trung - Trưởng ban Tuyển sinh và Truyền thông Đại học FPT (thuộc Tổ chức giáo dục FPT) thông tin: “So với năm 2017, lượng thí sinh nhập học ngành Công nghệ thông tin của Đại học FPT tăng 46,1%. Điểm khác biệt của Đại học FPT không chỉ vì lợi thế sinh ra từ trong lòng tập đoàn công nghệ, mà còn từ yếu tố gắn liền kiến thức - kỹ năng - nhu cầu thực tiễn để cập nhật chương trình đào tạo liên tục”.
Đại học FPT cũng là một trong những đơn vị được vinh danh tại Giải thưởng ASOCIO 2018 cho hạng mục “Tổ chức đào tạo CNTT xuất sắc” (ICT Education). |
Cơ hội việc làm không biên giới
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, đang thật sự là mối đe dọa, làm tăng nguy cơ thất nghiệp, người lao động bị thay thế bởi robot.
Tuy nhiên, phần mất đi này sẽ được bù đắp một phần nhờ 2,1 triệu việc làm khác được tạo ra chủ yếu ở ngành máy tính, toán học và kỹ thuật trong hai thập kỷ tới.
Trong sự kiện ngày CNTT Nhật Bản 2018, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho rằng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực cùng nhu cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ mở ra nhu cầu hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện Nhật Bản đã đầu tư 54 dự án thuộc lĩnh vực CNTT, chiếm 19,6% tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam và làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.
Việc Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho các tập đoàn công nghệ, cùng với đó là những khởi sắc trong giáo dục và đào tạo, mở ra cho người đang theo học ngành Công nghệ thông tin cơ hội lớn phát triển sự nghiệp cả trong và ngoài nước.
Như vậy, để có thể duy trì và phát triển hơn nữa tiềm năng hợp tác cùng các công ty công nghệ nước ngoài, trách nhiệm cũng đặt một phần trên vai các trường cao đẳng, đại học trong ngước. Các đơn vị đào tạo cần có định hướng quốc tế và dựa trên các công nghệ giáo dục tiên tiến trong chương trình đào tạo. Công nghệ thay đổi từng phút, mỗi người học và làm trong lĩnh vực này cũng cần có kỹ năng tự học để cập nhật nhanh những bước tiến mới.
Cựu sinh viên Đại học FPT Nguyễn Việt Tú, kỹ sư phần mềm tại Tập đoàn đường sắt JEIS (Nhật Bản) chia sẻ: “Quan trọng nhất là những kiến thức căn bản, nền tảng phải chắc để có thể tự mình học những kiến thức mới phù hợp với con đường mình chọn”.
>> Chủ tịch FPT: ‘Công nghệ chỉ là công cụ’
VTC News
Ý kiến
()