Chúng ta

Lưu ý ai mua vé tàu chợ đen: '99,9% không lên được tàu'

Thứ năm, 3/12/2015 | 11:24 GMT+7

Đó là khuyến cáo của ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Sài Gòn, về việc mua vé tàu chợ đen.

f1-5743-1449110568.jpg

“Cò” Đệ (trái) dụ khách mua vé tàu chợ đen ngay trong khuôn viên ga Sài Gòn. Ảnh: Đức Phú.

Những ngày cuối tháng 11, gần khu vực bán vé tàu của ga Sài Gòn hay phía bên ngoài ga đều nhộn nhịp cảnh “cò” vé tàu chợ đen mời chào những hành khách không mua được vé tàu về quê dịp Tết.

Ga hết vé nhưng “cò”
có vé

Tại khu vực ga Sài Gòn, nhóm bán vé "chợ đen" của Đệ “bóng’’ (khoảng 30 tuổi) quy tụ khoảng 8 người. Ngoài nhóm của Đệ còn có một vài nhóm khác khoảng 10 người luôn túc trực tại ga để chèo kéo khách.

Chiều 28/11, chúng tôi đến ga Sài Gòn hỏi mua vé tàu về Phú Yên (đi ngày 3/2) thì nhân viên ở đây cho biết đã bán hết vé. Vừa bước ra khỏi khu vực bán vé, chúng tôi được một phụ nữ mời chào: “Mua vé không em, bên trong ga không còn vé nữa đâu.

"Em muốn mua vé nằm hay ghế ngồi’’. Chúng tôi hỏi có vé về Phú Yên không, người phụ nữ bảo "vào đây" rồi dắt chúng tôi đến gặp Đệ “bóng” đang ngồi tại trụ ATM sát quán nước bên trong khuôn viên ga Sài Gòn cùng nhiều “cò” khác.

Lúc này, trên tay "cò" Đệ đang cầm xấp thẻ lên tàu, miệng liến thoắng giới thiệu vé tàu cho một người đàn ông đi tàu ngày thường cùng với đứa con trai 10 tuổi. Theo nhu cầu của người này, "cò" Đệ giới thiệu vé tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn với giá gốc 945.000 đồng/vé cộng thêm phí “dịch vụ” 300.000 đồng.

Người đàn ông chê mắc, Đệ giới thiệu khách mua ghế cứng với giá vé 923.000 đồng, bao gồm cả phí "dịch vụ". Cuối cùng, người đàn ông đồng ý mua vé của "cò" Đệ, còn bé trai 10 tuổi, Đệ bảo: "Khỏi mua vé, khi lên tàu khai 8 tuổi, trả thêm tiền là đi được".

Đến lượt chúng tôi, "cò" Đệ đưa thẻ lên tàu đi ngày 3-2 đúng như nhu cầu. Tuy nhiên, thẻ lên tàu này mang tên và số chứng minh nhân dân (CMND, kèm theo bản CMND photocopy) của người khác.

Chúng tôi hỏi: “Vé mang tên, CMND của người khác sao đi được?”, "cò" Đệ hướng dẫn: “Gần tới ngày đi, anh cứ cầm cái này (thẻ lên tàu) lên ga đổi vé chuyển qua tên, số CMND của anh, chỉ mất 5% tiền phí".

Đệ còn dặn hiện thời chưa đổi vé được mà phải đợi đến ngày 1-12 mới đổi, trường hợp khách muốn đổi ngay thì tiền phí là 150.000 đồng”. Thấy chúng tôi vẫn chưa an tâm, Đệ bảo muốn có vé chính chủ, cứ gửi số CMND, 200.000 đồng tiền cọc, trong vòng mấy ngày anh ta sẽ giao vé...

Trước đó trưa 24-10, có mặt ở khu vực này, chúng tôi còn chứng kiến Đệ đã đánh nhau với một nhóm "cò" khác trong ga vì mâu thuẫn trong việc làm ăn, giành giật khách. Đệ vừa la hét, chửi bới vừa vác ghế đánh túi bụi một phụ nữ...

Khó có chuyện đổi vé cho nhau

Qua giao dịch với "cò" Đệ và một số "cò" khác trong khu vực ga Sài Gòn, chúng tôi được biết các nhóm "cò" đã đầu cơ một lượng lớn vé tàu Tết.

Theo đó, các "cò" sẽ gom số lượng lớn CMND để mua vé ngay từ những ngày đầu bán vé tàu tết. Khi hết vé trên mạng, hành khách ra ga Sài Gòn mua vé không có, các nhóm "cò" này sẽ tiếp cận để bán lại vé kèm theo cam kết sẽ “dẫn làm thủ tục đổi vé, mất phí 5%/giá vé”, đồng thời lấy phí tới 300.000 đồng/vé.

Sau khi mua vé của "cò" Đệ, để xác thực thông tin, chúng tôi đi hỏi nhân viên ga Sài Gòn cách thức đổi vé. Một nhân viên cho biết vé đổi, trả phải kèm theo CMND bản gốc để đối chiếu. Trường hợp đổi hay trả vé đều mất 5% phí.

"Do việc bán vé tàu trên mạng Internet nên vé được đổi, trả sau đó đều được đưa lên mạng cho người khác chọn mua. Chính vì vậy, một hành khách muốn đổi vé của người này qua người khác chưa chắc được vì một khi vé được đưa lên mạng thì ai nhanh tay hơn có thể mua được" - nhân viên này cho biết.

Tuy nhiên, nhân viên này cũng gợi ý để khả năng đổi vé thành công cao thì đến cận ngày đi hãy đến đổi vé, khi đó những hành khách có nhu cầu đi hầu như chẳng còn “lên mạng Internet để tìm nữa” nên việc hai người đổi vé cho nhau thành công cao hơn.

Chúng tôi trở lại tìm nhóm bán vé chợ đen thắc mắc quy trình đổi trả vé phải có CMND gốc thì "cò" Đệ hứa: “Đến ngày đó anh cứ lên đây tôi dẫn đi đổi vé”.

Tìm hiểu, chúng tôi thấy do chi phí đổi, trả vé chỉ mất 
5%/giá vé nên lực lượng "cò" vé tranh thủ “ôm hàng” để bán lại dần cho khách. Trường hợp bán không hết thì trước bốn giờ tàu chạy vẫn có thể trả vé lại.

Trong khi đó, "cò" lấy phí "dịch vụ" đến 300.000 đồng/vé. Với vé chúng tôi mua chặng Sài Gòn - Quảng Ngãi (đi Phú Yên nhưng phải mua chặng này) giá in trên thẻ lên tàu là 623.000 đồng, nhưng phí "dịch vụ" cho "cò" đến 300.000 đồng, gần nửa giá vé. Vậy mà không ít hành khách đến ga Sài Gòn không mua được vé đã mua vé qua "cò".

Đó là chưa kể thẻ lên tàu (kèm bản photocopy CMND) mà "cò" bán lại cho khách có thể in hàng chục bản khác nhau, không loại trừ cùng một thẻ lên tàu đó "cò" bán cho rất nhiều người...

Coi chừng 'tiền mất tật mang'

Theo ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, khi khách hàng lên tàu sẽ có đội ngũ kiểm tra: tên, số chứng minh nhân dân hành khách phải trùng với tên và số CMND của người đi tàu nên không có chuyện thẻ lên tàu của người này nhưng người khác cầm đi tàu.

Cũng theo ông Văn, hiện nay vé tàu Tết Bính Thân hầu như đã được bán hết. Còn ông Đinh Văn Sang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho rằng quy trình bán vé hiện nay đã công khai, minh bạch, khi hành khách đổi trả vé thì vé này được đưa lên mạng Internet (do đối tác của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là FPT phụ trách), không có chuyện can thiệp để người này đổi vé cho người kia như lời "cò" vé chợ đen.

Ông Sang khuyến cáo việc mua vé chợ đen có khả năng 99,9% không đi được, hành khách không nên mua vé qua "cò" để tránh tình trạng "tiền mất tật mang”.

Tuổi Trẻ

Ý kiến

()