Chúng ta

Liên kết để xây dựng hệ sinh thái IoT

Thứ tư, 4/7/2018 | 16:56 GMT+7

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo xu thế "thông minh hóa" trên mọi lĩnh vực. Sự ra đời của các thiết bị thông minh đã, đang làm thay đổi cách con người giao tiếp, kinh doanh, cách sống, làm việc, giải trí và kết nối. Tại Việt Nam, với số dân trên 90 triệu người thì có tới 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và kết nối internet được cho là thị trường tiềm năng...

IoT (internet of things) - là một hệ thống mạng lưới các thiết bị được kết nối internet, có thể thu thập và trao đổi dữ liệu. Các dữ liệu sau khi được thu thập qua hệ thống thuật toán, phân tích xử lý đưa ra các quyết định hoặc khuyến cáo hoạt động cho thiết bị. Nói cách khác, IoT là các thiết bị thông dụng được thông minh hóa nhờ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các kết nối qua mạng internet.

Theo dự báo của Hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng thế giới Gartner, thị trường IoT đến năm 2020 sẽ có hơn 20 tỷ thiết bị và đạt doanh số gần 3.000 tỷ USD. Trong đó, thị trường các thiết bị gia dụng thông minh sẽ chiếm gần 50%, vì vậy, IoT trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ. Cũng theo Gartner, hiện IoT tập trung vào các dịch vụ sản phẩm trong nhà, tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ vận hành có sẵn để nâng cao chất lượng quản lý, năng suất lao động. Trong tương lai, IoT sẽ ứng dụng ở tất cả ngành nghề.

2a-5876-1519289697-2210-1530670352.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng dành lời khen ngợi khi tập đoàn đã ứng dụng IoT trong giao thông thông minh, phát triển xe tự lái, chatbot tự động cho ngành thuế...


Như đã nêu, Việt Nam được coi là thị trường IoT tiềm năng khi có tới 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và kết nối internet. Trong một công bố được Tập đoàn FPT cho biết, có hơn 70% các tổ chức tại Việt Nam đang nghiên cứu phương thức áp dụng IoT hiệu quả và đa số tổ chức đều cho rằng áp dụng IoT có thể giúp họ cải thiện năng suất, giảm chi phí hoạt động về dài hạn và xây dựng mối quan hệ với khách hàng tốt hơn.

Mới đây nhất, FPT và Điện Quang - nhà sản xuất bóng đèn nổi tiếng đã cùng bắt tay sản xuất thiết bị điện, chiếu sáng thông minh. Theo đó, Điện Quang với thế mạnh của mình sẽ sản xuất sản phẩm, nghiên cứu phát triển thiết bị và bản mạch điện tử. FPT chịu trách nhiệm phát triển phần mềm điều khiển ứng dụng trên thiết bị di động... Cả hai cùng bảo đảm để các thiết bị được ứng dụng công nghệ mới nhất, có thể điều khiển từ điện thoại thông minh, kết hợp với các ứng dụng tiện ích khác. Theo ông Lê Hồng Việt - Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT, các thiết bị IoT tại các gia đình có khả năng phát triển mạnh. Với các sản phẩm đèn điện, việc hợp tác với Điện Quang, FPT muốn thay đổi đèn không chỉ để chiếu sáng, mà là để giải trí. Cũng theo FPT, hiện các sản phẩm IoT Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu lớn, sản phẩm còn đắt, chưa phổ cập tới người dân. Thêm nữa, các sản phẩm IoT tại thị trường trong nước tương đối rời rạc do chưa có một hệ sinh thái để tạo ra những liên kết về sản phẩm.

Vậy hiểu thế nào về hệ sinh thái IoT? Đó là sự kết hợp nhiều thành phần (doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp, người dùng, doanh nghiệp sử dụng, doanh nghiệp cung cấp linh kiện…) để sản xuất, cung cấp các giải pháp, dịch vụ IoT. Hệ sinh thái IoT giúp các đơn vị có thể giảm thời gian đưa một sản phẩm và tăng chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Thực tế các tập đoàn công nghệ nổi tiếng trên thế giới đều có các hệ sinh thái IoT điển hình, trong đó phải kể đến Xiaomi với Mi Ecosystem; Philips đã xây dựng hệ sinh thái IoT bằng cách cung cấp cho các đối tác lập trình thêm ứng dụng cho thiết bị của mình.

Vì vậy, từ kinh nghiệm của các tập đoàn công nghệ, để cùng phát triển các sản phẩm IoT đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau. Việc phát triển mạnh hệ sinh thái IoT bằng sự kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị gia dụng để đưa ra những sản phẩm thông minh mang tiện ích mới đến với người dùng tại Việt Nam.

>> Bộ Giao thông 'bật đèn xanh' cho FPT phát triển công nghệ ô tô tự lái

Hà Nội Mới

Ý kiến

()