Ví điện tử là một phương tiện thanh toán trung gian, nó như một ví tiền trên môi trường mạng Internet mà người tiêu dùng có thể sử dụng để mua bán hàng hóa tại các trang web hoặc thanh toán các loại cước… Trong sự phát triển của ngành thương mại điện tử hiện nay, người sử dụng có thể chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình vào ví điện tử hoặc ngược lại một cách dễ dàng.
Doanh thu của ví điện tử đến từ các khoản chiết khấu của các giao dịch, thông thường là 1-2% giá trị mỗi khoản giao dịch hoặc một khoản tiền cố định được cam kết giữa các bên sử dụng dịch vụ. Giới chuyên gia thương mại điện tử nhận định rằng thị trường ví điện tử ở Việt nam vẫn ở giai đoạn đầu tư cho tương lai bởi kinh doanh chưa thực sự có hiệu quả.
Chủ tịch Sendo.vn Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Ví FPT, nhận giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Sống bằng tiền của nhà đầu tư
Tại cuộc diễn đàn được tổ chức gần đây ở Hà Nội, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết hiện có 16 tổ chức không phải là ngân hàng đã được nhận giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử. Tính đến cuối tháng 9/2016, số lượng ví điện tử được phát hành ra thị trường là hơn 3 triệu.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị NextTech Group (trước đây là PeaceSoft Group) - một trong 16 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kể trên, nói rằng chỉ một số ít doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và có lợi nhuận với một ngách thị trường riêng. Phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, như lời nhận định của các chuyên gia là “sống bằng tiền của nhà đầu tư”. Thị trường tuy chưa sôi động nhưng hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai. “Đây chính là lý do của việc ngoài 16 doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường còn hàng chục doanh nghiệp khác đang chờ nhận giấy phép ”, ông Bình nói.
Chính vì đánh giá thị trường ví điện tử Việt Nam có nhiều cơ hội trong thời gian sắp tới nên các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục “đổ” tiền vào lĩnh vực này. Có thể kể đến chuyện UTC Investment (Hàn Quốc) đã mua lại toàn bộ 62% cổ phần trong ví điện tử VNPT Epay của Công ty Truyền thông VMG. Việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay.
Trong khi đó, Standard Chartered và Goldman Sachs rót thêm 28 triệu USD vào ví điện tử MoMo của M_Service. Tháng 6 năm ngoái, NTT Data Corporation, thông qua Công ty NTT Data Asia Pacific (Singapore), đã chiếm quyền kiểm soát Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) - chủ sở hữu ví điện tử Payoo, sau khi mua 40% cổ phần vào năm 2011. Trong khi đó, Softpay Mobile (Singapore) cũng đã mua lại phần lớn cổ phần của Vietnam MPOS Technology (thuộc PeaceSoft Group) đồng thời sở hữu ví điện tử Ngân Lượng của doanh nghiệp này.
Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty công nghệ trong nước cũng đã tăng cường hoạt động trong lĩnh vực này. Tập đoàn FPT đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho dịch vụ ví điện tử vào tháng 4/2016, mạng di động MobiFone đang nỗ lực phát triển ví điện tử Vimo...
Kỳ vọng vào tương lai
Ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho rằng Việt Nam là “miền đất vàng” cho các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (fintech) khi sở hữu lực lượng dân số trẻ, tỷ lệ dân số kết nối Internet và sử dụng điện thoại thông minh đều trên 40%. Trong khi đó, mức độ “phủ sóng” của các dịch vụ tài chính còn thấp, chỉ có 30% dân số nơi đô thị có tài khoản ngân hàng, trong khi mức trung bình của thế giới là 60%, và tỷ lệ này ở nông thôn chỉ 16%.
Theo ông Sơn, mặc dù thị trường có tiềm năng song các công ty fintech vẫn còn trong “trứng nước” với các sản phẩm còn sơ khai và phần lớn tập trung vào mảng thanh toán (trong đó có ví điện tử) với tỷ lệ gần 60%. Cụ thể, theo bản báo cáo về hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam, trong 39 công ty fintech thì có tới 23 công ty hoạt động trong mảng thanh toán.
Sở dĩ thị trường ví điện tử nói riêng hay dịch vụ trung gian thanh toán nói chung chưa phát triển, theo ông Phan Thanh Sơn, là do hệ thống pháp lý chưa theo kịp đà phát triển của các công ty này và đây là một rào cản lớn. Năm 2009, loại hình ví điện tử đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động thí điểm nhưng phải sáu năm sau đó mới có bốn công ty nhận được giấy phép hoạt động chính thức, cung cấp dịch vụ thanh toán và ví điện tử.
Các chuyên gia đánh giá, một khi số lượng các ví điện tử được cấp giấy phép hoạt động chính thức, ngày càng nhiều các nhà đầu tư sẽ an tâm đổ tiền vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm, từ đó giúp tăng tính cạnh tranh cho thị trường. Còn khi hành lang pháp lý mới cho phép vận hành ở giai đoạn thử nghiệm thì các nhà đầu tư vẫn còn cảm thấy bất an, không biết “số phận” của loại hình dịch vụ này thế nào để đưa ra những quyết định rót vốn.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, thị trường ví điện tử sẽ phát triển mạnh hơn. Bởi trong năm 2015, thanh toán điện tử mới chiếm 5% trong tổng số 4 tỉ USD của thương mại điện tử, điều đó hứa hẹn sẽ có sự tăng trưởng đột biến về thanh toán điện tử khi mà thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
Thế mạnh và chiến lược riêng
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, mức tăng trưởng bình quân trong năm năm qua ở Ngân Lượng là 100%/năm. Mỗi năm, Ngân Lượng đã xử lý một lưu lượng thanh toán lên đến 5.000-6.000 tỉ đồng. Còn ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Công ty Ví FPT, đơn vị sáng lập ra Sendo.vn, cũng dự kiến cơ hội phát triển của doanh nghiệp này là hơn 100% mỗi năm.
Lợi thế mà Ví FPT có được là thừa hưởng danh mục khách hàng từ Sendo.vn, FPT Telecom, FPT Retail, FPT Online... chuyển sang. Trước mắt, hơn 10.000 cửa hàng kinh doanh trên sàn giao dịch Sendo.vn đã sử dụng Ví FPT để quản lý hoạt động thanh toán. Ước tính, nhờ Ví FPT, giá trị giao dịch trên Sendo.vn có thể tăng trưởng 30-40%. Lâu dài hơn, có khả năng hàng triệu khách hàng sử dụng Internet, dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến Fshare, quảng cáo trực tuyến... của FPT cũng sẽ sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử từ Ví FPT.
Payoo của VietUnion có lợi thế về độ phủ của thị trường. Không cần có tài khoản ngân hàng, chỉ cần mua các thẻ thanh toán do Payoo phát hành, người tiêu dùng có thể trả các hóa đơn trực tuyến, hóa đơn mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi như Circle K, B’s mart, FamilyMart, VinMart+ hay đặt vé máy bay, vé xe khách... Riêng MoMo của M_Service chọn lĩnh vực trung gian thanh toán qua kênh thiết bị di động...
Với thế mạnh và chiến lược riêng, đặt trong bối cảnh dịch vụ thanh toán trực tuyến đang có nhiều cơ hội phát triển, mỗi nhà cung cấp ví điện tử đều chọn hướng đi riêng cho mình. Thậm chí các công ty không ngại phải cạnh tranh với nhau, kể cả với ngân hàng. Bởi ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình, trong khi các công ty trung gian thanh toán ví điện tử có phạm vi hoạt động đa dạng hơn.
Tuy nhiên, việc tham gia vào lĩnh vực này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều yêu cầu như khả năng kết nối cao (với ngân hàng, các công ty viễn thông, công ty điện, nước, kho bạc, thuế, bệnh viện, trường học, các hãng vận tải...), ngoài ra, phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật để bảo mật thông tin và cho phép thanh toán trên nhiều phương tiện (máy tính, điện thoại di động), thông qua nhiều kênh giao dịch (dịch vụ ngân hàng qua mạng Internet, ngân hàng di động, thẻ thanh toán...).
Với xu hướng fintech, các ví điện tử ngày nay được đòi hỏi phải đa dạng hóa dịch vụ. Người sử dụng có thể nạp tiền vào ví với nhiều cách thức: nạp tiền từ thẻ điện thoại; nạp tiền thông qua tài khoản thanh toán; chuyển khoản thông qua ngân hàng; Internet Banking, Mobile Banking… Theo một cuộc nghiên cứu của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cách đây hai năm, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng sử dụng ví tiền di động (ví điện tử) nếu như có ít nhất 75% các nhà bán lẻ, bệnh viện và các đối tác có liên quan chấp nhận việc sử dụng công cụ này. Đồng thời, ví điện tử cũng cần có sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất thiết bị nhằm có thể cung cấp ví điện tử trên nhiều nền tảng công nghệ và thiết bị điện tử khác nhau. Ví dụ, một số ví điện tử có hỗ trợ công nghệ thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động tích hợp tính năng NFC (Near Field Communication, giao tiếp trường gần) nhưng do một số loại điện thoại vẫn chưa tích hợp NFC nên người tiêu dùng vẫn chưa thể sử dụng ví điện tử dạng này. |
Kinh tế Sài Gòn
Ý kiến
()