Đừng xin tiền đầu tư/ tài trợ từ bố mẹ!
- Anh có nhận xét gì về sự khởi sắc của phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh khởi nghiệp nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ?
- Tôi chưa có số liệu chính xác nên không biết có “khởi sắc” thật không, hay chỉ “khởi sắc” kiểu… trên Facebook. Cần thống kê số doanh nghiệp thành lập và số vốn đã đổ vào các doanh nghiệp đó. Cảm nhận của tôi là chưa nhiều, hy vọng là tôi sai. Nhưng dù thế nào, tôi cho rằng, khởi nghiệp là việc của cá nhân, không phải của Nhà nước. Nhà nước chỉ nên tạo hành lang pháp lý, chứ nếu quan tâm nhiều quá, có khi lại thành ra méo mó.
Anh Nguyễn Thành Nam chia sẻ với độc giả báo SVVN về chủ đề khởi nghiệp. |
- Có ý kiến cho rằng, khởi nghiệp thì “phải có yếu tố sáng tạo” hay “phải làm những việc chưa từng có”. Liệu đó có phải là một đòi hỏi quá sức với nhiều bạn trẻ, bởi người khởi nghiệp thì có vô vàn song đâu phải ai cũng là Mark Zuckerberg hay Elon Musk?
- Mỗi con người đã là một sự “chưa từng có” rồi, chẳng cần để tâm nhiều đến những khái niệm đó đâu. Thay vào đó, nên quan tâm hơn đến những vấn đề “bếp núc”, kiểu như: mình có thích việc này không, sản phẩm làm ra có thị trường không, có cách làm nào khác, có thể rủ tên nào làm cùng, cần bao nhiêu tiền…
Nói chung, chọn một cái gì đó mới để làm ra sản phẩm có thể thương mại hóa thì đều là khởi nghiệp. Nó là dấu mốc đánh dấu một sự nghiệp bắt đầu, nó không phải là một việc ngắn hạn mà có tính lâu dài, bền vững. Và đừng quên, nếu cần tiền thì phải đi thuyết phục người ta tài trợ, chứ đừng về nhà xin tiền bố mẹ (cười).
- Theo nhìn nhận của anh, những lĩnh vực nào đang là “cửa sáng” để khởi nghiệp?
- Nếu theo quy luật kinh tế, lĩnh vực nào đang phát triển thì sẽ thu hút nhiều, thí dụ như trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng… Ngoài ra, giáo dục, y tế cũng rất cần những ý tưởng mới.
- Lòng đam mê có quan trọng không, thưa anh?
- Những người có tố chất để khởi nghiệp, họ luôn luôn nung nấu ý định nhưng mỗi người có ngưỡng khác nhau để đưa ra quyết định sau cùng. Quan trọng là đừng để bị người khác xúi mà hãy tự quyết định. Cứ nghe theo bạn bè, rồi chạy một đoạn mới ngoái lại hỏi: “Chạy đi đâu và để làm gì?”, như vậy thà dừng lại còn hơn. Tôi ghét làm gì cũng theo phong trào. Cần xem động cơ bên trong có đủ mạnh hay không, mà điều này chỉ có người trong cuộc mới nắm được.
- Một trong những thách thức phổ biến nhất của các ”startup” luôn là vấn đề “đầu tiên”. Theo anh, người khởi nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn từ những kênh nào?
- Ban đầu, người khởi nghiệp cần có mong muốn, động cơ, dù viển vông cũng được, sau đó thì rủ người làm cùng, “gạ” người ta bỏ tiền ra đầu tư, bản thân mình thì hoặc ”cày cuốc”, hoặc tiết kiệm để có tiền… miễn không “lừa” bố mẹ lấy tiền là được. Cách “uốn lưỡi” xin đầu tư và chứng minh mình đúng, rồi bị sức ép kiếm tiền để hoàn vốn sẽ là động lực rất lớn cho người khởi nghiệp.
- Nói như vậy, có nghĩa tiền không phải là yếu tố quan trọng nhất?
- Khởi nghiệp đôi khi cần rất ít tiền nhưng cần vận dụng nhiều kỹ năng. Cốt lõi là có sản phẩm thật và sau đó, có cách quản trị tốt để duy trì sự nghiệp bền vững. Sản phẩm, dịch vụ phải khác cái đã có, nếu giống hệt thì khó phát triển. Sản phẩm đó cũng phải đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, của khách hàng (có thể họ nói ra hoặc không nói ra) nhưng anh cần dự đoán trúng. Mục tiêu lớn nhất của người khởi nghiệp là bán được hàng.
- Theo anh, nền công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội hay thách thức gì cho các nhà khởi nghiệp hiện nay?
- Nhờ công nghiệp 4.0, doanh nghiệp có nhiều cơ hội làm khác với một chi phí thấp hơn rất nhiều. Thách thức là khách hàng không tin vào điều đó. FUNiX là trường đại học quyết tâm đạt chất lượng Mỹ với giá cả Việt Nam là một ví dụ về những cơ hội và thách thức này.
Lấy vợ trước, khởi nghiệp sau
- Khởi nghiệp, sợ nhất là gặp rủi ro, nhất là với những bạn trẻ chưa có nhiều cọ xát. Có cách nào để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro, thưa anh?
- Mất tiền là rủi ro lớn nhất, có thể mất bạn, mất người yêu, còn lại toàn là cái được. Vì vậy, lấy vợ trước khởi nghiệp là cách nhanh nhất và chắc ăn nhất để hạn chế rủi ro. Vợ sẽ là động lực rất lớn và tôi biết nhiều người khởi nghiệp theo… yêu cầu của vợ. Đặc biệt, anh phải học cách ”nhịn thở”, đó là nghệ thuật sống không cần tiền, khởi nghiệp bằng ”vốn tự có”. Một tô mỳ, nếu biết cách, có thể ăn trong 3 ngày. Khi bạn còn trẻ, có thể nhịn đói 3 ngày liền mà… không chết. Nói vui vậy thôi, ý tôi muốn nói rằng, thất bại bình thường trong khởi nghiệp. Thất bại thì làm lại, đây là bài học mà người khởi nghiệp cần nằm lòng.
- "Uống nước lã, hít khí trời" nhưng phải tạo ra sản phẩm khác lạ, có thể bán được, như thế liệu có viển vông?
- Hãy học cách tự lực cánh sinh và không có ai hỗ trợ. Làm ra sản phẩm không cần tiền, như vẽ bức tranh chỉ cần tài năng và công sức. Tiền chỉ cần đủ cơm ăn và nước uống cầm hơi, văn phòng có thể ở gác xép, gara, đừng mơ đến xe xịn, văn phòng đẹp, giống như ở Google. Bạn thấy lạ nhưng có thể quan điểm của tôi khác với nhiều người!
- Theo anh, làm thế nào để khuyến khích các bạn trẻ lựa chọn con đường khởi nghiệp sau khi ra trường, thay vì học chỉ cốt lấy mảnh bằng, rồi tìm mọi cách “chạy” vào làm tại một cơ quan Nhà nước hoặc đi làm thuê cho người khác?
- Khởi nghiệp là bước đi đầu tiên trên con đường để cá nhân đạt được tham vọng của mình, bằng cách xây dựng các giá trị bền vững cho xã hội. Trong một doanh nghiệp, 10 thì chỉ có một người khởi nghiệp, tức là 90% còn lại vẫn làm công ăn lương. Khởi nghiệp vất vả lắm, tỷ lệ thành công dưới 1/1.000. Thành công cũng tùy mức độ, đôi khi sống được và thực hiện tham vọng là ổn, cũng có thể 3 năm chưa ”chết” đã là thành công. Nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp sống dặt dẹo là chính.
Đi làm công ăn lương cũng không có gì là xấu, không lấy tiền của bố mẹ là được rồi. Chứ cứ hô hào khởi nghiệp, rồi mất trắng cũng không để làm gì. Các bạn trẻ đi làm mấy năm tích lũy được độ trăm triệu đồng rồi khởi nghiệp cũng có chết ai đâu! Hành trình thực hiện ý tưởng, tham vọng của mỗi người cần hình thành một cách dần dần.
- Chốt lại, lời khuyên của anh dành cho bạn trẻ đang ấp ủ ý định khởi nghiệp?
- Muốn làm gì thì làm nhưng đừng xin tiền của bố mẹ. Khởi nghiệp là việc rất tự nhiên mà mọi người đều nên thử. Kỹ năng sống trong điều kiện khắc nghiệt cũng cần tự mình trau dồi. Thất bại thì làm lại, tìm được người giỏi cùng chí hướng đồng hành với mình sẽ cho cơ hội chiến thắng cao hơn. Nên khởi nghiệp chung với 3 - 4 người, đừng làm một mình vì nhanh nản, dễ bỏ.
TS. Nguyễn Thành Nam là 1 trong 13 nhà sáng lập FPT, từng đảm nhiệm vị trí CEO FPT và hiện là cha đẻ Đại học trực tuyến FUNiX. Với phong cách thông minh, hài hước và dí dỏm, nhà sáng lập FUNiX luôn là nhân tố truyền cảm hứng cho nhân viên cũng như các bạn trẻ. FUNiX được đánh giá là statup tiêu biểu trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, với mô hình online kết hợp cùng chuyên gia mới lạ, thực tế, đặc biệt phù hợp với các bạn sinh viên muốn học song ngành và đam mê công nghệ phần mềm. |
Sinh viên Việt Nam
Ý kiến
()