Chúng ta

CTO FPT IS: 'Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 – Cưỡi lên hay bị vùi dập?'

Chủ nhật, 4/6/2017 | 10:21 GMT+7

"Ở Việt Nam nhiều người đang hiểu lẫn lộn giữa “Công nghiệp 4.0” và “Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”, có nhiều tranh cãi, bàn luận nhưng còn thiếu các chiến lược, chương trình hành động quyết liệt, mạch lạc", ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ FPT Information System cho biết.

bb0r1036-slci-7488-1496494853.jpg

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ FPT Information System.

Tốt nghiệp ngành IT tại đại học Bách khoa TP HCM năm 1994, Phan Thanh Sơn gia nhập Cisco năm 2000, có cơ hội hoàn thành chương trình phát triển lãnh đạo do Harvard Business Publishing đào tạo, và trở thành CEO của Cisso Việt Nam năm 2014, góp phần đưa rất nhiều công nghệ mới của Cisco đến với thị trường Việt Nam.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, năm 2017 ông Phan Thanh Sơn đầu quân cho Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT Information System) trong vai trò Giám đốc công nghệ - CTO, với mong muốn làm “Người giữ lửa”/Intrapreneur, xây dựng FPT IS thành một “cỗ máy cách tân”, đón nhận ý tưởng từ bên trong, từ khách hàng, từ bên ngoài để phát triển thành những công nghệ tiềm năng trị giá hàng triệu USD.

- Đánh giá tổng thể về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông đâu là cơ hội và thách thức với Việt Nam?

- Trong thời gian vừa rồi, tôi dừng lại 2 năm, nghiên cứu về lịch sử, triết học, tâm lý học, cuộc sống, về chính mình, về xu hướng công nghệ ở bức tranh toàn cảnh và đa chiều hơn cũng như tìm hiểu tương lai từ những người mà giới công nghệ gọi là các nhà tương lai học, nhìn thế giới theo những gì xảy ra trong quá khứ, quy luật hiện tại để nghĩ về tương lai, suy đoán các góc cạnh của thế giới sẽ diễn tiến thế nào trong 10-100 năm nữa.

Đọc cuốn sách "Cú sốc tương lai, Làn sóng thứ ba, Tạo dựng một nền văn minh mới" của Alvin Toffler, tôi thấy hơn 50% những gì trong những cuốn sách của ông xảy ra đúng như vậy sau hàng chục năm.

Cứ khoảng 10 năm ông viết 1 cuốn, hơn 10 cuốn sách của ông cho thấy những thay đổi văn hóa trong thế kỷ 20 khi các nền kinh tế dựa trên sản xuất chuyển sang những nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ.

Trong Làn sóng thứ Hai và Làn sóng thứ Ba theo Alvin Toffler (Làn sóng thứ nhất là thời kỳ Nông nghiệp, thứ Hai là Công nghiệp, thứ Ba là Thông tin) thế giới đã diễn ra ba Cuộc cách mạng công nghiệp lớn.

Những gì Alvin tiên đoán ở làn sóng thứ ba chính là Cách mạng công nghiệp lần thứ Ba, nền kinh tế số, internet, tự động hóa, điện tử… ông hưởng lớn đến thay đổi kinh tế, chính trị, xã hội, doanh nghiệp, cá nhân…

Uber là một kết quả ra đời trong Làn sóng thứ Ba hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba. Đặng Tiểu Bình từng định hướng Trung Quốc sẽ phát triển để đón đầu làn sóng thứ ba hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba này.

Từ 2005 trở đi có thể gọi là làn sóng thứ 4 theo cách phân tích của Alvin Toffler.

Khái niệm Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) là do nước Đức đưa ra từ 2010 sau đó trở thành một thành phần trong Chiến lược công nghệ cao 2020 của nước Đức để làm sao cứu nền sản xuất của nước Đức không bị mất vị thế trong tương lai.

Chiến lược này tập trung vào nhiều lĩnh vực như Nguyên/vật liệu thông minh, Chuỗi cung ứng thông minh, Nhà máy thông minh, Hệ sinh thái thông minh

Các nước đang phát triển như Ấn Độ cũng có chiến lược quốc gia tương tự “Industry 4.0” phù hợp với đặc thù quốc gia mình gọi là “Made in India”.

Trung Quốc năm 2013 đã đưa ra chiến lược “Made in China 2025”, để làm sao “Made in China” tương đương với “chất lượng cao và đáng tin cậy”, mục tiêu đưa Trung Quốc từ chỗ sản xuất 25% tổng sản lượng hàng hóa thế giới lên đến trên 70% vào 2025.

Sau đó đã có một hợp tác chiến lược tầm quốc gia giữa Trung quốc và Đức để cùng phát triển thành các cường quốc đứng đầu của thế giới trong tương lai.

Các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa đã nhìn thấy cuộc cách mạng công nghiệp mới tiềm ẩn đang và sẽ thay đổi toàn thế giới, xã hội, con người, doanh nghiệp trong tương lai không xa, nếu không chuẩn bị ngay sẽ lỡ mất cơ hội để tồn tại, vươn lên.

Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEB từ cuối 2015 đặt tên cho Cuộc cách mạng này là “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”.

Có ý kiến cho rằng đây chỉ là sự kéo dài cuộc cách mạng số hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba, nhưng theo ông Klaus Schwab thì chính tốc độ, phạm vi và tác động mang tính hệ thống của một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang làm thay đổi cá nhân, xã hội, chính trị, kinh tế, doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai, làm mờ ranh giới giữa thế giới vật lý, thế giới số và thế giới sinh học.

Một sự thay đổi lớn ông hưởng đến nhiều mặt của thế giới trong tương lai là thay đổi của doanh nghiệp qua thời kỳ có thể gọi là “Business 4.0”.

“Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư” là câu chuyện thật, mang tính chuyển đổi mô hình toàn diện, làm thay đổi lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, quyền lực chính trị, cách con người sống, giáo dục,...

Ở Việt Nam nhiều người đang hiểu lẫn lộn giữa “Công nghiệp 4.0” và “Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”, chúng ta còn gọi tắt là “CMCN 4.0”, có nhiều tranh cãi, bàn luận nhưng còn thiếu các chiến lược, chương trình hành động quyết liệt, mạch lạc.

Khi được hỏi, ông Alvin Toffler đã tiên đoán về làn sóng tiếp theo, Làn sóng thứ tư, sẽ liên quan đến công nghệ sinh học, gen, năng lượng mới...

Trong cách nhìn “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư” (4IR) các công nghệ mới như AI, AR, VR, robotic, … làm cho thế giới sinh học, thế giới số, thế giới vật lý hòa quyện với nhau là một, đó là thời điểm 4IR xảy ra, tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng, tính hệ thống hơn bao giờ hết.

Thật sự người ta có thể nhìn ra tương lai để đón trước được cơ hội. Những công nghệ tạo ra sự phá vỡ mô hình cũ như phương tiện tự lái, trợ lý thông minh, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chữa trị ung thư (IBM Watson Oncology), nanobot có thể tấn công tế bào ung thư…

Viễn cảnh nhà vệ sinh trở thành nơi chẩn đoán bệnh cho con người nhờ hàng loạt cảm biến được kết nối với hỗ trợ của AI, báo lại cho ta tình hình sức khỏe, nên bổ sung thêm gì, bớt gì, ...

Nước Nhật có rất nhiều nghiên cứu về robot và triển khai ứng dụng robot vì dân số Nhật đang bị lão hóa, thiếu nhân lực chăm sóc người già và cung cấp dịch vụ.

- Quay lại Việt Nam, theo ông doanh nghiệp cần phải làm gì?

- Nếu nghĩ nó có thật, mọi người cần phải nghĩ thấu đáo và tưởng tượng tốt.

Cưỡi trên làn sóng “Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư” hay bị vùi dập dưới làn sóng này? Để cưỡi trên làn sóng, cần phải trang bị cho mình nền tảng công nghệ số mới, xây dựng cấu trúc doanh nghiệp số,... thậm chí có

Giám đốc chuyển đổi số (Chief Digital Officer/ CDO) để lãnh đạo quá trình này. Hiện tượng những cuộc cách mạng này xảy ra 50-100 năm một lần, lần này sớm hơn một chút.

Có thế hệ với thời gian làm việc khoảng 40-50 năm, được giao phó tạo tham gia cuộc cách mạng công nghiệp mới, có thế hệ được giao phó duy trì sự phát triển trong giữa cuộc cách mạng.

Thế hệ chúng ta theo sứ mệnh được giao là thực hiện cuộc cách mạng này, trước hết phải chuyển đổi chính mình qua hai mặt: Xây dựng nền tảng công nghệ mới và dựa trên đó Chuyển đổi số tổ chức/doanh nghiệp (digital transformation).

Đó là phương cách để sống sót, phát triển, đi đầu trong “Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”. Để chuyển đổi số, một doanh nghiệp phải có tầm nhìn về kinh doanh số, chiến lược kinh doanh số, sản phẩm số, dịch vụ số, nền tảng số, cơ sở hạ tầng số, văn hóa số,....

Theo IDC khảo sát đến 2020, 40% doanh thu của doanh nghiệp là từ sản phẩm số. Chọn theo cách đi nhanh hay chậm, toàn diện hay từng phần, tồn tại hay đi đầu là do lãnh đạo từng doanh nghiệp.

4IR với kết quả của chuyển đổi số trong 3IR tạo ra những cơ hội liên ngành như giữa hai ngành chăm sóc sức khỏe và sản xuất dụng cụ thể thao, áo quần thể thao, số hóa sinh ra cơ hội chung.

Nike truyền đi từ bước chạy từ các cảm biến trong các đôi giày đến đồng hồ thông minh, qua cloud/ big data/ analytics đưa đến ứng dụng chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa cho mỗi cá thể… tạo ra cơ hội win-win giao thoa giữa hai ngành

Và nên nhớ “đừng bao giờ đi ăn một mình”, chúng ta đang bước vào thế giới của “Hệ sinh thái số” cùng win-win mà sức tượng tưởng về mô hình kinh doanh là thế mạnh.

- Vai trò của những doanh nghiệp CNTT trong cuộc cách mạng này là như thế nào theo đánh giá của ông, với tư cách của một người có kinh nghiệm trong vai trò Giám đốc công nghệ của nhiều tập đoàn lớn như Cisco, FPT IS?

- Tại Việt Nam, những công ty CNTT lớn như FPT, theo tôi và nhiều người đánh giá, giữ một sứ mệnh quan trọng trong 4IR.

Trong hai năm qua, lãnh đạo Việt Nam, và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT lớn, trong đó có FPT, đã nhìn thấy cơ hội và thách thức của “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”.

Khái niệm rất lớn, rất mới mẻ nên cũng tạo ra nhiều dư luận…

- Vai trò của các doanh nghiệp, cụ thể như FPT IS , là làm sao có thể hiện thực hóa ở mức cụ thể hơn và áp dụng thực tế Việt Nam như thế nào.

- FPT IS là công ty chuyên về các giải pháp cho các hệ thống CNTT của doanh nghiệp, tổ chức, cũng sẽ chính là đơn vị có cơ hội được trải nghiệm rất mạnh mẽ làn sóng của cuộc cách mạng này.

Nhiều những bài toán của xã hội cũng đang hứa hẹn được cải thiện tốt hơn với sức mạnh của CNTT, đấy cũng chính là động lực và cảm hứng của những công ty như FPT IS, là chung tay cùng hướng đến một tầm nhìn tốt đẹp hơn cho xã hội.

FPT IS đang tập trung mạnh mẽ vào các giải pháp thông minh, với những sản phẩm ngày một định hình hơn như giao thông thông minh, bệnh viện thông minh, giáo dục thông minh…

FPT IS dựa trên nền tảng nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi để nắm bắt các cơ hội từ cuộc cách mạng theo 2 hướng. Gồm: thực hiện chuyển đổi số trong nội bộ công ty và đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và trên toàn cầu.

- Trong quá khứ, Việt Nam đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội vì lý do khách quan và chủ quan, lần này, đòi hỏi quyết tâm thế nào từ Chính phủ đến doanh nghiệp, người dân?

- Khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Hai xảy ra, Việt Nam có cơ hội, nhưng người Pháp không mang trọn vẹn thành quả cuộc cách mạng này vào Việt Nam.

Lần thứ Ba Việt Nam bước đầu còn lo cơm áo gạo tiền, nên không tiếp thu được cuộc cuộc cách mạng này một cách hệ thống, rồi biết bao thiên tai, địch họa xảy ra làm Việt Nam không tận dụng được hoàn toàn cơ hội.

Khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba lên đến đỉnh điểm, theo tôi chúng ta đã không gắn được với Công cuộc đổi mới lần thứ nhất một cách tốt nhất.

Năm 1997, cách đây đúng 20 năm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định cho mở Internet công cộng ở Việt Nam làm cho Việt Nam sau một chút choáng váng đã hòa nhập được bằng những nỗ lực tuyệt vời tham gia vào Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba.

Hiện nay Lãnh đạo chính phủ đang giương cao ngọn cờ xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ của hành động cho “Cuộc đổi mới lần thứ Hai”, chúng ta trân quý những bài học quá khứ và nhìn nhận thấu đáo cơ hội thế giới để phát triển Việt Nam lên tầm xứng đáng có được.

Một trong những công việc đó là giúp cho doanh nghiệp, Chính phủ chinh phục cuộc cách mạng này một cách thành công.

Theo tôi, để đón nhận thành công được làn sóng mới thực sự cần nhận thức, sự đào tạo bài bản, sâu sắc. Từ nhận thức đưa ra chương trình hành động theo ngành dọc và ngang, rồi giáo dục phải thay đổi thế nào?

Ví dụ như để Giáo dục STEM (giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học thông qua thực hành, dự án) thực sự giúp chuẩn bị cho học sinh cho 4IR, cần phải đưa vào trong trường cho học sinh từ cấp 1, và phải làm ngay lập tức.

Cá nhân tôi từ trước khi gia nhập vào FPT IS cũng đã là một thành viên tích cực của Liên minh STEM với các hoạt động như ngày hội STEM ở Hà Nội, Huế,…

Tôi được may mắn mời với tư cách chuyên gia công nghệ tham gia nghe, tranh luận và huấn luyện cho hai em học sinh lớp 11 trường chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM đoạt giải Quốc gia VISEF với Giải pháp tăng cường giao tiếp cho người câm điếc để hai em đi thi ISEF toàn cầu ở Mỹ vào giữa tháng 5 vừa rồi.

Những băn khoăn về “thực hay không Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Việt Nam có làm được gì hay chỉ là nói khoác” của tôi tan biến.

Tôi thấy được niềm tin, hy vọng tương lai từ những học sinh tuy còn nhỏ tuổi nhưng biết nghĩ lớn và hành động cụ thể này. Sáng ngày 20/5 tôi nhận được tin hai em được giải Tư, xúc động dâng trào.

- Cảm ơn hai em đã làm rạng danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Các em học sinh lớp cấp III còn sáng tạo được vậy, các nhân tài trong các công ty công nghệ thì sao?

- Phải có chiến lược quốc gia cho “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”, ít nhất bắt đầu bằng cái tên.

Sau đó phải có nhóm tinh hoa nhất, không phải là chỉ là những người đương nhiệm, những người đủ giỏi, đủ tầm nhìn, đủ tâm, đủ kiến thức để nghiên cứu, xây dựng lên “Chiến lược Việt nam 4.0” đáp ứng với cơ hội, thách thức của “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”...

Bài học từ Trung Quốc là một ví dụ, để lập ra “Made in China 2025”, một ủy ban gồm hơn 100 cái đầu tinh túy nhất của Trung Quốc đã được tập hợp trong hơn một năm.

Tôi đánh giá cao nhận thức đi đầu của Chính phủ, nhưng làm sao tiếp tới phải cụ thể hóa thành chiến lược cụ thể và nhanh chóng đi vào hành động, tuy nhiên ở mức cơ sở tránh theo phong trào một cách mù quáng.

Cuối cùng chính là sự năng động, tinh thần startup của doanh nghiệp Việt Nam nhất là các công ty công nghệ.

Cần các công ty công nghệ năng động, đột phá, để doanh nghiệp có thể dựa vào, trở thành nhà tư vấn, cung cấp giải pháp. Doanh nghiệp công nghệ phải nỗ lực hơn nữa, trong đó có cả FPT.

- Nhìn vào cuộc “đại chiến taxi” đang rất nóng hiện nay, ông đánh giá thế nào về cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ?

- Quy luật cung cầu, trước đây nhu cầu người đi taxi rất nhiều nhưng cũng chưa đáp ứng nhu cầu của cầu. Nhu cầu ở đây là một tổng thể trải nghiệm chứ không chỉ đơn giản là có xe mà đi.

Nền kinh tế chia sẻ, nhiều nguồn lực xã hội chưa sử dụng hết, công nghệ số đã giúp Grab, Uber mở ra hướng kinh doanh vận tải mới mà không cần sở hữu đội xe.

Nhưng nếu không điều tiết, quy hoạch, sẽ dẫn đến xung đột trong xã hội, ông hưởng đến taxi truyền thống.

Ngay trong chính các hãng taxi số dù tăng doanh thu rất nhanh, nhưng tài xế không có cảm giác họ là nhân viên, không nhận được chăm sóc của công ty về bảo hiểm y tế, xã hội… Họ cảm thấy đơn độc và lạc lõng… nhiều vấn đề mới nảy sinh.

Cần có sự điều tiết của Chính phủ và Hiệp hội taxi, không nên thiên vị bên nào. Nếu lấy người sử dụng là trung tâm thì hai bên phải làm tốt dịch vụ của mình.

Vai trò Nhà nước là phải quy hoạch, không để vượt quá con số cho phép khiến doanh nghiệp, người người lao động thiệt hại. Phải thống kê được bao nhiêu xe của từng hãng dù truyền thống hay số và quy hoạch chặt chẽ kết hợp với quản lý giao thông vận tải đô thị theo mô hình thông minh.

Tất nhiên sau này, khi có thêm phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, phải quy hoạch ngành vận tải taxi tốt hơn nữa.

Doanh nghiệp taxi truyền thống phải cải thiện công nghệ để gần hơn với taxi số về trải nghiệm khách hàng và người lao động. Ngược lại các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số cho taxi số cũng cần có những thay đổi nhất định với các bên liên quan.

- Bàn về “Giáo dục 4.0”, theo ông, đây là một món thời trang hay lời cảnh báo?

- Không phải là một chuyên gia giáo dục, nhưng trong thời gian làm cho Cisco, tôi có tham gia nghiên cứu và phổ biến các nội dung của Khởi xướng Giáo dục toàn cầu do WEF chủ trì.

Hướng đến xây dựng bộ khung cho Học tập trong thế kỷ 21 để phát triển các kỹ năng thế kỷ 21 cho các thế hệ hiện tại và tương lai của Hoa Kỳ nhằm duy trì vị thế tiên phong của nước Mỹ, tôi mới vỡ lẽ ra ngay cả những nước phát triển nhất hệ thống giáo dục cũng đứng trước thách thức không theo kịp nhu cầu của khối sử dụng lao động và học sinh sinh viên.

“Chúng ta đang chuẩn bị cho các học sinh nhưng công việc và công nghệ chưa tồn tại… để giải quyết các vấn đề mà chúng ta chưa từng biết đó là vấn đề”, đó là nhiệm vụ của hệ thống giáo dục thế kỷ 21. Đây thực sự là sự chuyển đổi toàn diện của hệ thống giáo dục chứ không chỉ là sự làm mới giáo dục 2.0.

Trong kỹ năng thế kỷ 21 có 5 nhóm: Kỹ năng sống và nghề nghiệp; Kỹ năng học và suy nghĩ; Kỹ năng ICT; Nội dung TK 21; Các môn cốt lõi, một từ khóa khá thú vị đó là STEM(Science- Technology- Engineering- Mathematic).

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi tin những khả năng tôi có được khi đi làm chính là do kinh nghiệm khá phong phú thời gian đi học và làm việc.

Tôi từng học và làm gia công mũ cối nhựa theo dây chuyền, sửa xe đạp vỉa hè, sơn mài, in thủ công, vẽ, đánh cá, gò hàn tiện, nguội, đúc, rèn, kỹ thuật quân sự, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa …

Trong suốt quá trình đó tôi còn rèn luyện thêm về kỹ năng mềm như làm việc nhóm, trình bày, suy nghĩ thấu đáo…

Từ đó dẫn đến cái duyên gặp Giáo dục STEM qua khóa học hè của con trai. Quan sát con, tôi thấy sự trưởng thành của cháu qua từng buổi học. Khóa học như phản chiếu cả một quá trình học của tôi trong một chương trình gọn gàng và hiệu quả hơn nhiều.

Giáo dục theo phương pháp mới, cho lực lượng lao động trong Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư hay có thể gọi là “Giáo dục 4.0” chính là đào tạo con người với các kỹ năng có thể sống hạnh phúc và đóng góp giá trị trong thời đại mới này.

Nếu đi sâu một chút vào thực hiện ở các nước sẽ bắt gặp các khái niệm khác như “Công dân 4.0”, “Chính phủ 4.0”…

Cuộc đua này không có chỗ cho sự bảo thủ, chạy theo bề nổi, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu sự đồng bộ trong chiến lược quốc gia.

“Giáo dục 4.0” không còn là trưng diện từ ngữ, mà là cuộc đua thực sự, thách thức thực sự, cơ hội thực sự, phụ thuộc vào việc chúng ta chuẩn bị thế nào cho “Thế hệ Z” từ ngày hôm nay.

>> FPT được Thủ tướng nêu là biểu tượng thành công ở Mỹ

BizLIVE

Ý kiến

()