Thế giới đang ở ngưỡng cửa của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trên quy mô toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 khởi đầu kỷ nguyên cơ khí hoá với sự ra đời của động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng thứ 2 có đặc trưng là các dây chuyền lắp ráp và sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 ứng dụng công nghệ tự động và công nghệ thông tin vào sản xuất. Và Cuộc cách mạng thứ 4 này hứa hẹn đem đến khả năng tích hợp toàn bộ công nghệ mới nhất như A.I. (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), và Internet of Things (Internet vạn vật).
Trung tâm của cách mạng công nghiệp thứ 4 là số hoá toàn bộ quy trình, từ thiết kế cho đến sản xuất. Minh chứng là Adidas dự định thay thế toàn bộ thiết bị gia công, vốn có thể mất vài tuần để cân chỉnh, bằng những máy in 3D hoặc công nghệ sản xuất đột phá khác.
Adidas đã xây dựng một nhà máy tự động hoá hoàn toàn tại Ansback, Đức, nơi mà mọi công đoạn sản xuất giày thể thao sẽ do robot đảm trách. Trong giai đoạn chạy thử, sẽ vẫn có một số công nhân đóng vai trò giám sát, nhưng mục tiêu cuối cùng sẽ là một nhà máy tự hành 100%.
Hiện hầu hết giày thể thao vẫn được làm ra với rất nhiều sức người ở các nhà máy khổng lồ, tập trung tại châu Á - thông qua các công đoạn tạo hình, cắt, và khâu. Những nhà máy của tương lai sẽ ngày càng vắng bóng con người. Ảnh: industriall-union.org |
Gần đây, đa số máy in 3D được dùng trong sản xuất cho vai trò tạo ra các mô hình, nguyên mẫu thử nghiệm… Một khảo sát được thực hiện năm 2014 cho thấy, chỉ 1% số nhà sản xuất sử dụng máy in 3D cho khâu sản xuất cuối cùng, và chỉ thêm 3% nữa dùng công nghệ này để tạo các chi tiết mà không thể được sản xuất bằng những phương pháp truyền thống.
Tuy vậy, công nghệ in 3D lại có viễn cảnh rất tươi sáng. Tốc độ tăng trưởng gộp (CAGR) hàng năm của máy in 3D cho đến 2019 được dự kiến là 73%, đạt 5,6 triệu đơn vị. Nói cách khác, công nghệ in 3D sẽ không chỉ ngày càng phổ biến hơn, mà cũng sẽ trở nên rẻ hơn, đặc biệt là cho các công ty vừa và nhỏ.
Và điều khác biệt của nhà máy này là nó không sản xuất xe hơi, máy bay hay thiết bị điện tử, mà là giày thể thao, một ngành công nghiệp trị giá 80 tỷ USD cho tới nay được các nước giàu đẩy hết sang những nước lao động giá rẻ, đầu tiên là Trung Quốc, rồi sau đó là Indonesia, Việt Nam, Campuchia hay Bangladesh.
Cùng lúc, Adidas đang thi công một nhà máy Speedfactory thứ hai ở gần Atlanta cho thị trường Mỹ. Nửa triệu đôi giày chỉ là số lẻ so với sản lượng 300 triệu đôi mỗi năm của Adidas, nhưng hãng này tin rằng mô hình Speedfactory sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành của ngành sản xuất giày.
Khi tự động hóa bắt đầu diễn ra hàng loạt trong lĩnh vực sản xuất, như Adidas, sớm muộn cũng khiến đội quân lao động chân tay ở các nước nghèo trở nên dôi dư. Đây là viễn cảnh không tránh khỏi. “Những điều này sẽ dẫn tới một ngành sản xuất hoàn toàn khác”, ông Gerd Manz, Giám đốc sáng tạo của Adidas, nói.
Adidas chỉ là một ví dụ cho thấy các hãng sản xuất tại Mỹ và châu Âu đang rất quan tâm đến làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Một nghiên cứu gần đây của hãng tư vấn hàng đầu thế giới Boston Consulting Group (BCG) chỉ ra, tuy có đến 90% số doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ nhận thức được tiềm năng của ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng suất, chỉ 28% nhìn thấy cơ hội tạo thêm nguồn doanh thu mới từ những công nghệ mới này.
Nhận thức giới hạn này khiến các doanh nghiệp khó có được cách tiếp cận toàn diện cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Họ chỉ áp dụng một số công nghệ riêng lẻ mà không có chiến lược rõ ràng. Quá trình triển khai chủ yếu tập trung vào một số mảng cụ thể thay vì nâng cao hiệu suất cho toàn công ty.
Khảo sát của BCG được thực hiện với 380 quản lý cấp cao của các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ, an ninh mạng là mảng công nghệ được triển khai nhiều nhất (65%), tiếp theo là: Dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu (54%); Điện toán đám mây (53%); In 3D (34%); Công nghệ robot (32%); Tăng cường thực tế ảo (Augmented Reality - 28%).
Về mặt thách thức, 40% cho biết thay đổi văn hoá công ty là trở ngại lớn nhất khi áp dụng cách mạng công nghệ 4.0. Các trở ngại chính khác bao gồm: Thiếu kết nối giữa các phòng ban (20%), Thay đổi mô hình kinh doanh (15%).
Để tận dụng được triển vọng của cuộc cách mạng, các nhà sản xuất sẽ phải thay đổi không ít trong tương lai rất gần, với 3 hướng đi quan trọng, theo Cornelius Baur - Giám đốc của Hãng tư vấn McKinsey ở Munich, Đức.
Trước hết, họ sẽ phải thu thập nhiều thông tin hơn và sử dụng thông tin đó tốt hơn. Quay lại dữ liệu trong ngành dầu khí, trong hơn 30.000 mẫu dữ liệu ở mỗi lần khoan thăm dò, thì “99% dữ liệu đó bị mất vì các vấn đề về truyền tải, lưu trữ và cấu trúc dữ liệu”, Baur cho hay. “1% dữ liệu còn lại đã cực kỳ hữu ích cho quản lý những công ty này, những người nói năng suất của họ có thể tăng 25% nếu việc xử lý dữ liệu tốt hơn”.
Ví dụ, một công ty khảo sát dầu khí có thể ghi nhận hơn 30.000 mẫu dữ liệu khác nhau chỉ từ một giếng khoan. Tuy vậy, phần lớn số dữ liệu này không được sử dụng. Ảnh: Fuels. |
Kế tiếp, những nhà chiến lược trong lĩnh vực chế tạo phải sớm nghĩ tới các “nền tảng” mới, trong đó các sản phẩm, dịch vụ và thông tin của cả chuỗi sản xuất có thể được chia sẻ dễ dàng hơn nhiều so với quá khứ.
SLM Solutions, hãng sản xuất máy in 3D, và Atos, một công ty dịch vụ công nghệ thông tin, hiện chạy dự án thí điểm phát triển một thị trường chào mời công nghệ kết nối khép kín cho các nhà sản xuất. Khách hàng sẽ gửi đơn đặt hàng qua nền tảng ảo do Atos vận hành. Các đơn đặt hàng (đã số hóa) sẽ chuyển thẳng tới dây chuyền sản xuất của SLM và từ đó được giao thẳng cho khách hàng.
Cuối cùng, các nhà sản xuất sẽ phải dần từ bỏ tư duy sản xuất hàng loạt mà nhắm hơn tới việc cung cấp sản phẩm của mình như một dịch vụ: cá nhân hóa, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, và trên cơ sở đăng ký dài hạn.
Rolls-Royce tiên phong trong lĩnh vực này ở ngành kinh doanh động cơ phản lực; nhiều nhà sản xuất lớn khác đang theo bước, để các sản phẩm Bespoke (đo ni đóng giày) không còn là đặc quyền của vài người, mà có thể trở thành phổ biến cho số đông.
Trong số hoá sản xuất, dữ liệu chính là mạch máu. Lượng dữ liệu được tạo ra trong toàn bộ quy trình sản xuất, từ phát triển sản phẩm, sản xuất, cho đến dịch vụ hậu mãi, là cực lớn. Nhưng công nghệ của doanh nghiệp vẫn chưa bắt kịp để tận dụng lượng dữ liệu này.
Với dữ liệu quy mô lớn, một mỏ vàng ở châu Phi có thể tìm ra cách thu thập và phân tích dữ liệu từ các thiết bị cảm ứng lắp đặt trong mỏ, sau đó điều chỉnh việc khai thác - qua đánh giá mức tăng giảm oxy trong quá trình lọc, một giai đoạn then chốt với nghề đào vàng - có thể giúp tăng năng suất thêm 3,7%, tương đương 20 triệu USD mỗi năm.
Trong khi đó, công nghệ in 3D có thể giúp Local Motors, một hãng xe hơi - công nghệ ở Mỹ làm ra những chiếc xe hoàn toàn bằng in 3D, với thiết kế không còn là độc quyền của các chuyên gia, mà được đưa lên mạng, tận dụng trí tuệ đám đông qua crowdsourcing - hình thức giao công việc cho một cộng đồng cùng đóng góp thực hiện.
>> Workplace và Facebook đều bị ‘sập’
Chi Vy
Ý kiến
()