Mạnh tay trả cổ tức
HĐQT của CTCP FPT (FPT) vừa họp và ban hành Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án sử dụng lợi nhuận năm 2014. Theo đó, FPT trình phương án chia cổ tức bằng CP và chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2015 (chờ ĐHCĐ phê duyệt). Cụ thể, HĐQT đề xuất chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2014 tỷ lệ 20%, trong đó cổ tức tạm ứng 10% đã chi trong quý III/2014 và 10% còn lại sẽ chi sau khi ĐHCĐ phê duyệt.
Bên cạnh đó, HĐQT FPT cũng đề xuất trả cổ tức bằng CP năm 2015 từ nguồn lợi nhuận để lại cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%. Đặc biệt, HĐQT FPT cũng đưa ra đề xuất chi trả cổ tức bằng tiền mặt (tỷ lệ 20%) căn cứ theo số lượng CP mới sau khi đã thực hiện chi trả cổ tức bằng CP 15%. Được biết, năm 2015, FPT đã đặt ra kế hoạch kinh doanh khá ấn tượng với doanh thu đạt 39.600 tỷ đồng (tăng 13%), lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.850 tỷ đồng (tăng 16%).
Theo phân tích của FPT Securities, chính sách chi trả cổ tức hiện có 3 cách: Chính sách cổ tức thặng dư, chính sách cổ tức ổn định và chính sách cổ tức dung hòa. Với chính sách cổ tức thặng dư doanh nghiệp ưu tiên giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào các dự án hứa hẹn mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn mức tỷ suất sinh lời mà các cổ đông mong đợi. |
Tương tự, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa thông báo Nghị quyết HĐQT về việc trình ĐHCĐ thường niên năm 2015 phê duyệt mức cổ tức và CP thưởng năm 2014. Theo đó, PNJ thống nhất chi cổ tức bằng tiền mặt năm 2014 với tỷ lệ 15% và cổ tức bằng CP với tỷ lệ 30%. Lý do để PNJ mạnh tay chi trả cổ tức là do kết quả kinh doanh năm 2014 cực kỳ ấn tượng với mức lãi ròng đạt 242 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lãi 163 tỷ đồng năm 2013.
Nếu các doanh nghiệp này chi trả cổ tức cao nhờ tăng trưởng về kết quả sản xuất kinh doanh, cũng có không ít doanh nghiệp tăng mức chi trả cổ tức trong khi kết quả kinh doanh ngược lại. Điển hình là CTCP Gạch ngói cao cấp (MCC). Doanh nghiệp này vừa công bố Nghị quyết ĐHCĐ năm 2015. Theo đó, ĐHCĐ đã thống nhất thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 với các chỉ tiêu giảm nhẹ so với năm 2014.
Trong đó, doanh thu trong năm 2015 chỉ đạt hơn 43 tỷ đồng (giảm 14%), lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng (giảm 24%). Tuy nhiên, HĐQT của MCC lại trình phương án chi trả cổ tức năm 2015 có thể lên đến 30%, trong khi cổ tức năm 2014 vừa qua chỉ có 17%. Lẽ dĩ nhiên, mức chi trả cổ tức dự kiến này vẫn được cổ đông thông qua bất chấp tình hình sản xuất kinh doanh có dấu hiệu chững lại.
Chưa hẳn cổ tức cao là hấp dẫn
Thông thường, vấn đề được cổ đông quan tâm nhất tại các cuộc họp ĐHCĐ là kế hoạch kinh doanh và phương án phân phối lợi nhuận của các doanh nghiệp, mà cụ thể là mức chi trả cổ tức. Bên cạnh những doanh nghiệp công bố mức chi trả cổ tức khủng từ 100-200%, vẫn có không ít doanh nghiệp tiếp tục khuất nợ cổ tức của những năm trước. Tuy vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp chi trả cổ tức cao vẫn không tạo được sự chú ý từ các NĐT, vấn đề chính là doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng chính sách trả cổ tức hợp lý và lựa chọn phương thức chi trả phù hợp.
Theo phân tích của FPT Securities, chính sách chi trả cổ tức hiện có 3 cách: Chính sách cổ tức thặng dư, chính sách cổ tức ổn định và chính sách cổ tức dung hòa. Với chính sách cổ tức thặng dư, doanh nghiệp ưu tiên giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào các dự án hứa hẹn mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn mức tỷ suất sinh lời mà các cổ đông mong đợi.
Cổ tức chi trả được xác định là lợi nhuận dư thừa từ lợi nhuận sau thuế, sau khi phân phối cho các quỹ và tài trợ cho ngân sách đầu tư tối ưu của công ty. Với chính sách cổ tức ổn định, doanh nghiệp chỉ tăng cổ tức lên mức cao hơn khi có thể đạt được sự gia tăng lợi nhuận một cách vững chắc, đủ khả năng chi trả cổ tức cao hơn và tiếp tục duy trì cho đến khi doanh nghiệp thấy rõ sự giảm sút lợi nhuận trong tương lai là không thể tránh được. Trong khi đó, chính sách cổ tức dung hòa là sự kết hợp tối ưu các mục tiêu: tránh cắt giảm những dự án có hiện giá thuần (NPV) dương để chi trả cổ tức; tránh cắt giảm cổ tức; tránh nhu cầu phải bán vốn sở hữu; duy trì một tỷ nợ/vốn sở hữu mục tiêu; duy trì một tỷ lệ chi trả cổ tức mục tiêu.
Cũng theo FPT Securities, ở các nước phát triển trên thế giới, các công ty lớn thường hướng đến chính sách chi trả cổ tức ổn định và đều đặn, tăng theo lợi nhuận hàng năm của công ty. Các công ty đều có chính sách cổ tức lâu dài, chú trọng đến việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư vào những dự án có khả năng sinh lợi cao, tạo ra sự tăng trưởng trong dài hạn.
Các chính sách trên đều được các doanh nghiệp áp dụng cho từng giai đoạn phát triển. Thông thường ở những giai đoạn đầu khởi nghiệp và phát triển chính sách thặng dư được áp dụng, 2 giai đoạn đầu công ty thường không trả cổ tức do cần nhiều vốn mà tài trợ nội bộ không đủ đáp ứng các nhu cầu đầu tư sinh lợi. Trong giai đoạn trưởng thành, khi nguồn vốn nội bộ nhiều hơn nguồn vốn cần cho các cơ hội đầu tư, để tránh lãng phí dòng chảy tự do của tiền mặt, công ty bắt đầu trả cổ tức ở mức thấp. Chính sách cổ tức ổn định được các công ty áp dụng giai đoạn trưởng thành.
Sài Gòn Đầu tư
Ý kiến
()