Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là sự tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số với sự đột phá của công nghệ Internet kết nối vạn vật và Trí tuệ nhân tạo. Sự kết nối đó sẽ làm thay đổi nền sản xuất thế giới, đòi hỏi tất cả các lĩnh vực phải tham gia chuyển dịch số, để không bị tụt hậu.
Chuẩn bị các điều kiện cho chuyển đổi số
Với Việt Nam, để có thể chuyển dịch số hay chính xác hơn là để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, phù hợp với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, trước hết cần phải vượt qua một số thách thức.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó TGĐ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, phân tích, "nếu nhìn nhận thách thức để Việt Nam chuyển đổi số, thì đó chính là vai trò kết nối, chia sẻ dữ liệu, đến quản trị, công cụ quản lý, để đưa đến dịch vụ thông minh nhất cho xã hội. Việc thứ hai là sự kết nối và chia sẻ này đòi hỏi một hành lang pháp lý rất chặt và đặc biệt sự kết nối - chia sẻ này cần quan tâm đến tính bảo mật. Ngoài ra, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam hiện cũng đang rất thiếu".
Ông Bùi Quang Ngọc, TGĐ FPT, chia sẻ, đừng để Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghệ thông minh trên thế giới. |
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay không chỉ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, mà nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin còn đang đứng trước thách thức bị các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh, thu hút nhân lực.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Tập đoàn HG, nhà sáng lập và điều hành Công ty Du lịch trực tuyến Gotadi, chia sẻ, "thách thức vô cùng lớn khi chuyển đổi số là cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, cạnh tranh với những người khổng lồ. Họ hơn ta về kinh nghiệm. Ta cạnh tranh với họ bằng công nghệ."
Quan điểm cạnh tranh bằng công nghệ không xa lạ đối với rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay. Song với giới trẻ - nhất là những sinh viên đang chuẩn bị ra trường - cần phải làm gì để chủ động tham gia hiệu quả vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 có lẽ không phải là điều dễ dàng.
Tận dụng "cơ hội vàng" trong cuộc cách mạng 4.0
Ông Bùi Quang Ngọc, TGĐ FPT nhận định, bản chất hiện nay của công nghệ là máy móc, thiết bị dần dần không cần đến con người, việc tự động hoá sẽ thay thế dần con người. Trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin sẽ được kết nối. Con người phải dạy thiết bị, máy móc xử lý thông tin như mình. Đó chính là cái mà các bạn trẻ Việt Nam có thể tiệm cận được.
"Điều quan trọng nữa đối với nguồn nhân lực trẻ ở nước ta hiện nay, đó là làm thế nào để có thể tận dụng "cơ hội vàng" trong cuộc Cách mạng này, đừng để Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghệ thông minh trên thế giới. Làm thế nào để Việt Nam có thể trở thành nơi sản xuất, cung cấp các dịch vụ thông minh xuyên biên giới", ông Ngọc nhấn mạnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kết nối Internet đến từng công đoạn sản xuất hàng hoá, gắn với từng sản phẩm dịch vụ… nhằm hướng tới việc cải thiện năng suất lao động sẽ là mục tiêu hàng đầu trong cuộc cách mạng này.
Theo thống kê, hiện năng suất lao động của người Việt Nam thấp nhất khu vực, chỉ bằng 7% Singapore, 87% so với người Lào. Như vậy, Việt Nam đang bị tụt hậu.
Theo ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, các doanh nghiệp truyền thống hiện nay vẫn quá bảo thủ, chậm trễ trong việc thay đổi chính bản thân mình để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
"Các doanh nghiệp công nghệ thông tin có hai con đường, một là hợp tác, giúp cho các doanh nghiệp truyền thống thay đổi, hoạt động hiệu quả hơn, đem lại năng suất lao động tốt hơn, mang đến quyền lợi tốt hơn cho người tiêu dùng; hoặc là "lật đổ" doanh nghiệp truyền thống, giống như cách Uber, Grab hay Rada đã làm", ông Bình nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia tiên đoán khả năng Việt Nam bắt kịp chuyến tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ khá thấp. Tuy nhiên, để điều này không thành hiện thực, điều quan trọng phụ thuộc vào thế hệ trẻ, đội ngũ doanh nhân, nhất là lực lượng doanh nghiệp tư nhân cần phải có khát vọng, để đưa Việt Nam theo kịp và tiến tới là đi vượt thời đại.
>> FPT là đối tác tin cậy trong Cách mạng 4.0
VOV
Ý kiến
()