Chúng ta

Cơ hội đột phá trong 'cách mạng số'

Chủ nhật, 27/11/2016 | 07:14 GMT+7

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng số) đang như cơn bão định vị lại bản đồ nền kinh tế toàn cầu.

Nếu không thoát khỏi tư duy lối mòn, thiếu năng động sáng tạo và thiếu chính sách đột phá để ứng phó, Việt Nam (VN) sẽ tụt hậu càng xa so với các nước phát triển.

Đó là nội dung chính tại hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng lần thứ 4 và những vấn đề đặt ra đối với phát triển KT-XH của VN”, do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 24.11. Hội thảo quy tụ 2.500 đại biểu, chuyên gia kinh tế hàng đầu của 100 quốc gia và VN, đưa ra một loạt kiến nghị sát sườn, cấp bách cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN).

mang-JZBN.jpg

Cuộc cách mạng số lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Tốc độ thích ứng là then chốt

Theo các chuyên gia, sau 3 cuộc cách mạng từ động cơ chạy bằng hơi nước và thủy lực đến động cơ điện, dây chuyền sản xuất và điện toán hóa... cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối internet (IoT) và các hệ thống kết nối internet (IoS). Nói một cách ngắn gọn là viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc, robot được kết nối internet và liên kết với nhau qua một hệ thống sẽ thay đổi cơ bản lao động chân tay...

Chủ trì hội thảo, TS Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho rằng nhiều ý kiến nhận định cuộc cách mạng 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động... Thậm chí, nó đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Qua hơn 30 năm đổi mới, theo ông, VN đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp; tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP còn cách khá xa so với các nước trong ASEAN, năng suất lao động thấp. Sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trình độ khoa học - công nghệ của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo chưa cao. Nhìn chung việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

“Nếu nhận diện được cơ hội, khó khăn và đưa ra được đề xuất chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực vượt qua được thách thức của cuộc cách mạng này sẽ giúp VN thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Đánh giá tác động đối với VN, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho rằng cuộc cách mạng 4.0 hay còn gọi là “cách mạng số” đang diễn ra rất nhanh và làm thay đổi toàn diện diện mạo, tư duy người chủ - người làm thuê, cũng như cách thức làm việc của con người trước đây. Trong cuộc cách mạng này, tốc độ thích ứng mang yếu tố then chốt. Theo khảo sát mới đây về sự phát triển kinh tế số của Mỹ, VN được xếp vào nhóm “đột phá” có cơ hội lớn để trở nên nổi bật về kinh tế số trong tương lai. Đó là cơ hội thay đổi vị thế đất nước cũng như vị thế của ngành công nghiệp thông tin.

Theo ông Trương Gia Bình, để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức của cuộc cách mạng, cần thúc đẩy chính sách tạo những “vườn ươm công nghệ”, khuyến khích khởi nghiệp; thay đổi toàn diện giáo dục - đào tạo để VN có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và có dũng khí chấp nhận mạo hiểm khi tham gia vào cuộc cách mạng. Đồng thời ứng dụng nhanh nhất thành tựu mà cách mạng số tạo ra để nâng cao năng suất, đột biến cho nền kinh tế.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ (DNVVN), cho biết hiện nay đa số DNVVN đang sử dụng công nghệ của những năm 1980. Trong đó, 52% sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ 10% là thiết bị hiện đại. Cả nước chỉ có khoảng trên 250 DN khoa học - công nghệ (bằng 0,06% tổng số DN). Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học - công nghệ của DN bình quân chiếm khoảng 0,3% doanh thu (Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%). Ngoài ra, còn tồn tại nhiều vấn đề khác như các DN hiện vẫn đang trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm nông nghiệp chưa bảo đảm an toàn và chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu...

Chậm chân là tụt hậu

Giáo sư My Gregory, nguyên Trưởng bộ môn chế tạo và quản lý của Đại học Cambridge - nguyên Giám đốc điều hành Viện Cambridge - MIT, khuyến nghị cái thiếu hiện nay của các DN và nền kinh tế nói chung là nguồn nhân lực chất lượng cao. “Dường như VN đã nhận biết được điều này nhưng cái ít biết hơn là làm thế nào để đào tạo được hệ thống nhân lực, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, có khả năng điều khiển được hệ thống phức tạp”, GS My Gregory nói.

Vẫn theo vị chuyên gia đến từ Cambridge, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi Chính phủ phải có một tầm nhìn xa hơn, chấp nhận bỏ vốn đầu tư lớn với thời gian lâu dài, sau đó mới gặt hái được thành quả. Như tại Anh đầu tư ngành vũ trụ hàng không từ khi xây dựng công nghệ nền tảng đến lúc thương mại hóa công nghệ đó mất 20 năm. Hay đầu tư ngành sản xuất ô tô phải đầu tư mạnh vào hoạt động nghiên cứu kết hợp với các trường đào tạo, các DN và các viện chuyên ngành. “Nhiều quốc gia đang thức tỉnh khi xem lại chính sách phát triển công nghiệp của mình. Sản xuất công nghiệp không còn là thuần túy nữa, mà phải nắm bắt cơ hội, giá trị trong cả một chuỗi. Như Hãng xe Rolls Royce thì 50% thu nhập của họ dựa vào cung cấp dịch vụ trên toàn cầu sau khi bán xe. Ta phải nhìn lại sản xuất công nghiệp bằng con mắt khác, không chỉ là làm ra mỗi cái sản phẩm vật chất đó”, chuyên gia này chia sẻ.

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng 4.0 đang “phả hơi nóng” vào VN, sự chậm chân sẽ phải nhận lấy sự tụt hậu. Do đó, Chính phủ cần rà soát và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng đón đầu, lựa chọn và đi thẳng vào khai thác sử dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp thứ tư.

Ông Tô Hoài Nam cho rằng: Ngay từ bây giờ, Chính phủ phải khẩn trương xây dựng một số chính sách trọng tâm như: hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho DNVVN để phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ, phát triển; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, quản trị DN hiện đại.

Thanh Niên

Ý kiến

()