Khởi nghiệp từ căn gác xép, ăn gói mỳ tôm
Tại sự kiện gặp gỡ Hiệp hội Internet Việt Nam với chủ đề “Tổ chức kinh doanh bắt kịp xu thế toàn cầu hóa” diễn ra ngày 11/8, Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình cho rằng nếu thực sự khởi nghiệp, các startup trong nước phải tự chủ, sáng tạo và đam mê.
Khởi nghiệp luôn cần sự hy sinh, nỗ lực tối đa của chính cá nhân. Bởi trong nhiều trường hợp, nếu nhận được sự hỗ trợ sớm có thể sẽ không thành công. “Khi bạn đã đầy đủ, an toàn thì thường mất đi sự sắc sảo", Chủ tịch FPT nói.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, tại thời điểm hiện nay Việt Nam đang có khoảng 1.500 doanh nghiệp startup và trong đó số lượng startup thuộc lĩnh vực CNTT chiếm đa số so với doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác.
Chủ tịch Trương Gia Bình trong một sự kiện tại FPT Tân Thuận, quận 7. |
Thực tế cũng cho thấy, sự phát triển của CNTT và câu chuyện khởi nghiệp trong lĩnh vực này tại Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp như VNG, VCCorp, Vatgia.com, Tiki, Vietnamwork... đã phải đi lên từ vô vàn khó khăn, không phải ai cũng biết nhiều doanh nghiệp đã thành danh hiện nay phần lớn đều có quá khứ khởi nghiệp gian nan.
Giám đốc Công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Điệp từng nghẹn ngào khi chia sẻ về những thành viên đầu tiên của Vatgia.com phải ăn những gói mỳ tôm “cứu đói” và ở nhờ trên một căn gác xép, làm trong 3 năm liền không có lương.
CEO của MISA, ông Lữ Thành Long từng kể những ngày đầu khởi nghiệp doanh nghiệp này ông chỉ có 1 giờ để ngủ, tiền không có và đội khởi nghiệp gần như không có lương.
Mới đây, tác giả của ứng dụng Monkey Junior Đào Xuân Hoàng, startup Việt lần đầu tiên lọt vào chung kết cuộc thi Sáng kiến toàn cầu năm 2016 cũng chia sẻ dù có một số nhà đầu tư quan tâm nhưng vẫn quyết định rao bán nhà đề tự đầu tư vào dự án.
“Như câu chuyện của những người sáng lập Vatgia.com, họ ở nhờ trên gác xép, 3 năm trời không lương, ăn mì gói. Đấy chính là tinh thần khởi nghiệp”, Chủ tịch Trương Gia Bình nói, đồng thời nhấn mạnh giới trẻ muốn khởi nghiệp hãy hành động quyết liệt, không được ngại gian khó.
Biết tư duy toàn cầu
Cũng tại sự kiện, ông Trương Gia Bình cho rằng một trong những phẩm chất quan trọng hàng đầu của startup khi khởi nghiệp đó là phải có tư duy toàn cầu, kết nối toàn cầu, phải nghĩ đến việc thế giới sẽ dùng sản phẩm của mình như thế nào và sống chết với ý tưởng đó.
Câu chuyện theo vị Chủ tịch FPT không phải chỉ là nghĩ đến thị trường hơn 90 triệu người dân Việt Nam, cũng không phải là 600 triệu người trong cộng đồng các quốc gia ASEAN mà phải hướng đến 7 tỷ người trên toàn cầu ngay từ khi khởi đầu.
“Các bạn trẻ muốn làm starup phải có tầm nhìn toàn cầu và liên kết toàn cầu. Có hàng ngàn người trên thế giới sẵn sàng giúp các bạn thành công”, ông Trương Gia Bình nói.
Trao đổi thêm về những khó khăn của cộng đồng startup công nghệ, Chủ tịch FPT cho rằng đó còn là câu chuyện không có nền tảng công nghệ tốt để làm bàn đạp.
“Nếu ý tưởng tốt mà không có nền tảng công nghệ tốt cũng khó thành công. Vấn đề các startup còn thiếu chính là nền tảng để phát triển, thiếu kết nối, thiếu người chỉ dẫn. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói.
Cũng theo vị lãnh đạo cấp cao nhất của FPT, trong thời gian qua tập đoàn này đã công bố mở một số API (Application Programming Interface - giao diện lập trình ứng dụng) để cộng động startup cùng sử dụng và phát triển, hoàn thiện sản phẩm công nghệ. Đến nay đã có hàng trăm tài khoản đăng ký sử dụng API của FPT, các startup có thể kết nối để có dữ liệu, được FPT hỗ trợ về quản trị nếu thiếu.
>> FPT là khởi thủy của khởi nghiệp Việt Nam
ICT News
Ý kiến
()