Thông điệp viết rằng: "Các học sinh thân yêu! 1. Thầy tin ở các con. 2. Thầy kỳ vọng ở các con. 3. Các con được lắng nghe. 4. Các con được quan tâm. 5. Các con rất quan trọng. 6. Các con sẽ thành công. Yêu thương, thầy Chalfant". Đây là ngày đầu tiên con gái tôi cùng các bạn đến lớp để làm quen với thầy giáo chủ nhiệm lúc năm học mới bắt đầu.
Ở Washington DC., độ tuổi giáo dục bắt buộc là Kindergarten (vỡ lòng). Các bạn sinh ngày 1/9/2009 đến 31/8/2010 được xếp cùng một lớp, bắt đầu giai đoạn học tập của trường tiểu học. Con gái tôi được học lớp thầy Chalfant, và đó chính là tên gọi của lớp. Tên của thầy cô giáo được dùng để phân biệt giữa các lớp trong cùng một khối, thay vì đặt theo bảng chữ cái như ở Việt Nam.
Trong cuộc gặp làm quen với thầy giáo, phụ huynh được tham quan lớp học. Thông thường, phụ huynh không được vào lớp, chỉ được đưa con đến khu vực xếp hàng ở lớp nên đây cũng là một trong những dịp hiếm hoi để hiểu thêm về một ngày của con ở trường. Trong góc lớp có một tấm poster khá lớn về lý lịch trích ngang của thầy, cùng với những tấm ảnh dễ thương của thầy từ bé đến lớn. Điều mà con gái tôi thích thú nhất (và về sau thường hay khoe với các bạn một cách rất tự hào) trong những chi tiết về lý lịch ấy là thầy có thể "trồng cây chuối" mà không cần lấy đà, thầy cũng đã từng là cảnh sát trước khi trở thành một thầy giáo.
Cũng trong buổi gặp này, các phụ huynh mang đến lớp đồ dùng học tập đóng góp cho lớp học với một danh sách rất cụ thể theo đúng kích cỡ, màu sắc, số lượng gồm có: bút chì màu, bút màu, sáp màu, quần áo dự phòng, tẩy, keo dán, vở, kẹp file, túi bóng, giấy ướt, nước rửa tay, xà phòng, khăn giấy. Tất cả sẽ được các con dùng trong cả năm học.
Không có lễ khai giảng như thường thấy ở Việt Nam, sau buổi gặp vào chiều thứ Sáu, các con chính thức bắt đầu năm học mới vào sáng thứ Hai. Không ít bạn chưa quen trường lớp mới, nước mắt vẫn còn giàn giụa khi nối nhau xếp hàng đi vào trong toà nhà.
Hôm ấy, đi học về, con gái đưa cho tôi một lá thư dài kín trang A4, con và các bạn đã được thầy đọc cho nghe ở lớp. Trong thư con viết tên bố mẹ và ký tên mình, còn nội dung đã được thầy soạn sẵn. Hoá ra, đó là lá thư động viên bố mẹ. Đại ý nói rằng con bắt đầu đi học cũng giống như khi bố mẹ bắt đầu một công việc mới hay chuyển một chỗ ở mới, ban đầu cũng lo lắng và buồn nữa, nhưng bố mẹ cứ tin ở con, con sẽ sớm quen với thầy và các bạn thôi!
Sau 5 ngày đầu tiên đi học, con gái phấn khởi mang về một chứng chỉ rất to và đẹp có nội dung chúc mừng con đã "sống sót" qua tuần đầu tiên. Lớp con đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ để chúc mừng sự kiện này. Con cũng mang về bức ảnh tất cả chân dung và tên của cả 20 bạn trong lớp. Tôi treo nó ở cánh cửa tủ lạnh, nơi rất dễ nhìn thấy và thường bắt đầu câu chuyện với con gái mình bằng đề nghị: "Kể cho mẹ nghe về bạn Samantha/Aden/Rosemary... nào!".
Buổi họp phụ huynh được tổ chức sau 2 tuần các con đến trường, gọi là Back to School Night. Tại buổi họp này, thầy giáo đã chia sẻ về mục tiêu của năm học, chương trình học cũng như phương pháp dạy và học. Thầy đặt mục tiêu giúp các con phát triển toàn diện, bồi đắp niềm say mê học tập và đọc sách ở các con.
Nhìn vào thời khoá biểu, thấy con không chỉ được học đọc, viết, toán mà còn được học khoa học, thể chất, giao tiếp xã hội, âm nhạc, mỹ thuật, thể chất, địa lý và ngoại ngữ (tiếng Tây Ban Nha). Trong đó, môn đọc và môn toán là hai môn các con được sử dụng iPad, làm bài tập trên ứng dụng. Mỗi bạn sẽ có một tài khoản riêng, có tên truy cập và mật khẩu riêng, lần lượt vượt qua từng level tùy theo trình độ của mỗi bạn. Đây chính là một trong những đặc điểm của phương pháp chỉ dẫn theo mức độ khác biệt (differentiation instruction). Giải thích của thầy giáo rất đơn giản: "Khi thầy nói một điều cho cả lớp mà có 1/3 các bạn đã biết, 1/3 các bạn sẽ biết và 1/3 còn lại vẫn không biết; Như thế là 2/3 số học sinh đã lãng phí thời gian của mình".
Trước khi buổi họp kết thúc, thầy giáo đã chia sẻ về hy vọng và ước mơ của tất cả các con trong những ngày đầu năm học. Bạn thì mong muốn có thể vẽ đẹp hơn, bạn thì hy vọng làm toán giỏi, có bạn lại mong được học về những loại vật đang gặp nguy hiểm, có bạn chỉ mong được chơi nhiều trò chơi. Con gái tôi thì hy vọng có thể đọc được truyện Harry Potter. Những ước mơ hy vọng ấy đều được trưng bày trong lớp học như lời nhắc nhở mỗi đứa trẻ hãy làm việc chăm chỉ để đạt được ước mơ.
Thầy cũng phát cho mỗi phụ huynh một mảnh giấy nhỏ màu vàng có biểu tượng của trường, trên đó phụ huynh ghi lại hy vọng và ước mơ của mình trong năm học mới. Tất cả sẽ được trưng bày dọc hành lang của toà nhà, để những đứa trẻ đi qua đều nhìn thấy hy vọng và ước mơ của bố mẹ luôn ấm áp bên mình.
Và hy vọng của tôi là mỗi ngày con gái đều thật vui vẻ ở trường, trong tình yêu thương của thầy cô và bè bạn.
Mai Phương
Ý kiến
()