Chúng ta

Từ cậu bé chăn bò trở thành lập trình viên

Thứ hai, 20/2/2017 | 10:19 GMT+7

Trong buổi thăm chúc Tết FPT sáng 7/2, Chủ tịch UBND Đà Nẵng bày tỏ mong muốn: “FPT phải làm sao để các cậu bé chăn bò nghèo cũng có cơ hội vào tòa nhà này làm việc”.

Lời nhắn nhủ của Chủ tịch Đà Nẵng khiến tôi nhớ lại giai đoạn đầu thế kỷ, khi anh em bắt đầu mở công ty phần mềm FPT. Bạn tôi, một tiến sĩ kinh tế nói: “Nam, mày không thể thành công nếu không lôi được nông dân vào cuộc. Công nghiệp tức là phải nói đến số đông, dù có là công nghiệp phần mềm”.

Bạn tôi không phải người nói suông. Bản thân anh mở một công ty phần mềm, chỉ nhận các cháu học lớp 12 ở làng mà không thi được đại học. Anh sống tốt, mở chi nhánh ở Singapore luôn.

Tôi cũng là người tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân (mà ở ta nhân dân tức là nông dân, đại đa số).

Bởi thế những năm đầu, biểu tượng của công ty chúng tôi là chị Nguyễn Thị Lan Hương, cuối tuần nào cũng về nhà cấy, nhổ cỏ cho mấy sào ruộng của gia đình ở Đông Anh. Sau này, họa sĩ lấy cảm hứng để thiết kế nên talisman (phù hiệu) của FPT Software là chàng Cuder, nông dân cuốc đất trên cánh đồng số. Bây giờ Hương đã làm phó giám đốc một đơn vị kinh doanh chiến lược của công ty.

Có lần một nhân viên của FPT Software được khách hàng sang tận nơi khen thưởng vì đã fix được bug mà họ mãi không sửa được. Tôi đã về quê, nói chuyện với bố mẹ em. Hóa ra họ là những người nông dân hết sức bình thường, tần tảo làm ruộng, nấu rượu nuôi con.

Mỗi lần về quê như vậy, các cô các bác đã tiếp cho tôi biết bao sức mạnh để đi tiếp.

Bởi vậy, tôi thấy không thể hiểu được, sau bao nhiêu năm, các trường đại học về CNTT vẫn không thể nào cung cấp đủ số lượng, chứ chưa nói gì đến chất lượng, cho các công ty phần mềm đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Theo số liệu tôi có, thì cả nước mỗi năm có 17.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp, trong khi đó riêng nhu cầu tuyển dụng của chúng tôi đã là 3.000 người. Con số này của Ấn Độ là khoảng 2 triệu. Ngay cả tính trên tỷ lệ so với dân số, thì tỷ lệ số kỹ sư CNTT các bạn đào tạo được, cũng gấp 8,5 lần nước ta. Cứ hơn 600 người Ấn thì có một kỹ sư CNTT.

Sở dĩ tôi so với Ấn Độ, vì tỷ lệ người dân nông thôn ở bạn và ta là ngang nhau, thậm chí bạn nhỉnh hơn một chút, 67% so với 66%. Xuất phát điểm không khác nhau là mấy, thậm chí nếu xét đến tiến trình “xóa đói giảm nghèo” trong nửa thế kỷ qua thì bạn còn phải học ta. Nhưng bây giờ nơi đó đã là một trung tâm CNTT của thế giới.

Trên tạp chí Forbes năm ngoái, có câu chuyện về Varun Chandran, một thanh niên từ nông thôn Ấn Độ, nhà nghèo tới mức không có tiền đi học. Cậu vừa đi làm thuê, vừa học tiếng Anh, tìm hiểu về CNTT trong các quán cà phê Internet. Sau này, Varun lập một công ty phân tích và đào bới dữ liệu. Cậu quay trở về ngôi làng cằn cỗi của mình thuê chính những người nông dân trong làng làm việc, đào tạo họ thực hiện phân tích dữ liệu máy tính. Khách hàng của Varun có các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, và doanh thu mỗi năm cả triệu USD. Ai dám tin rằng “big data” sẽ được xử lý bởi những phụ nữ nông thôn làm quen với máy tính lúc nông nhàn? Varun tin, vì cậu từng làm được điều đó.

Sự khác biệt ở đây là do họ thông minh hơn ta, hay là độ lớn của ước mơ?

Có nhiều người vẫn lầm tưởng rằng chỉ có các bậc trí giả mới có quyền và khả năng tham gia vào cuộc cách mạng đang thay đổi thế giới.

Tôi thì tin rằng một chương trình đào tạo trong vòng 16-20 tháng với một chi phí đầu tư chấp nhận được cho gia đình, hoàn toàn có thể bắc cầu cho các cậu bé “chăn bò” từ miền Trung nghèo khổ và các vùng của đất nước có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này. Và đó cũng là chương trình mà tôi sẽ mời ông Chủ tịch Đà Nẵng đến tham quan.

Tư duy của chúng tôi: Học những kỹ năng căn bản và quan trọng nhất là học cách tự học, rồi “a lê hấp”, nhảy vào cuộc. Công nghệ như một dòng sông chảy xiết. Tập ở trên bờ bao nhiêu cũng không đủ. Chỉ cần không chìm và biết định hướng. Dòng sông sẽ đưa bạn đến đại dương tri thức.

Tôi luôn chào đón bất kỳ cậu bé chăn bò nào đủ tham vọng để bắt đầu.

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()