Chúng ta

Tranh luận

Thứ sáu, 10/7/2015 | 10:43 GMT+7

Tranh luận không nên dựa trên quan điểm (khẩu vị): ông thích canh cua cãi nhau với ông mê thịt rán, xem món nào ngon, có mà cãi cả đời.

Internet và mạng xã hội mang đến cơ hội tuyệt vời cho mỗi người, dù thấp cổ bé họng đến đâu có cơ hội nói lên ý kiến của mình về những vấn đề họ quan tâm. Đây là thứ hàng ngàn năm nay người Việt Nam chưa có: Trong nhà trẻ con ít khi có cơ hội nói lên ý kiến của mình; Trong trường, học sinh không bao giờ được phản bác thầy cô. Trong cơ quan, họp hành sếp nói hết phần nhân viên; Báo đài, ngay đến bây giờ người thường cũng không dễ nói; Và các diễn đàn khác về cơ bản cũng vậy.

Bí bách đã lâu, nên có chuyện gì thì đua nhau nói. Không kịp suy nghĩ, không kịp để tâm xem người khác nói gì. Cũng không nhiều người có cơ hội tích luỹ những kỹ năng cần thiết để tham gia tranh luận cho hiệu quả.

Hồi bé, sống ở quê, mình hầu như chưa bao giờ biết đến khái niệm "bàn bạc", "thoả thuận", "tranh luận"... các khái niệm đã biết chỉ là "phổ biến", "nghe giảng", "cãi nhau", "chửi nhau".

Thực tế cuộc sống, xã hội và văn hoá phản ánh rõ ràng trên mạng: tranh luận, thảo luận thì ít; cãi nhau thì nhiều. Chúng ta cãi nhau cả ngàn năm nay rồi, trình độ đạt đến thượng thừa. Vấn đề là nó không giúp gì tiến bộ hay hoà nhập.

Cần học cách tranh luận để những người tham gia có thêm thông tin, thêm nhận thức, truyền đạt được ý kiến của mình và hiểu được ý kiến của người khác. Tranh luận không nên dựa trên quan điểm (khẩu vị): ông thích canh cua cãi nhau với ông mê thịt rán, xem món nào ngon, có mà cãi cả đời.

Tranh luận nên dựa trên lợi ích và nhận thức. Vậy làm thế nào để tham gia tranh luận có ích? Cũng không có gì mới, môn này đã được nghiên cứu, tổng kết từ lâu. Sau đây là vài điểm chính: Chỉ tham gia nếu mình quan tâm đến vấn đề đó; Tôn trọng mọi cách nghĩ, cách hiểu và ý kiến; Có thể phản bác ý kiến, không chỉ trích con người; Trước khi phản bác ý kiến, cần hiểu đúng; Tập trung vào chủ đề, tránh dây cà ra dây muống.

Khổ nhất là nghe chửi. Hồi trước, nhà ai mất con gà là buổi chiều cả xóm được nghe chửi. Như hát hay nhưng không hề dễ chịu. Cách tốt nhất để gây khó chịu cho người khác là lên mạng chửi cái gì đó, nhưng lại không phải là vấn đề họ quan tâm.

Nếu muốn cứ chửi trên trang của mình, người ta đang nói câu chuyện khác lại chen vào chửi thứ mình bức xúc mà chả liên quan gì thì cũng lố.

Khúc Trung Kiên

Ý kiến

()