Chúng ta

Thịt chó, mắm tôm và câu chuyện về lòng trắc ẩn

Thứ ba, 21/4/2015 | 11:07 GMT+7

Hình ảnh em bé khóc nức nở chạm tay vào một chú chó bị thui vàng mới được đăng tải trên mạng xã hội làm dấy lên cuộc tranh luận về quan điểm “Có nên ăn thịt chó hay không”.

Những ngày gần đây, báo chí và mạng xã hội đăng tải một loạt các video trong chiến dịch do Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) với rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong xã hội phát động và kêu gọi mọi người tham gia để trình lên chính phủ.

Nhiều bình luận cho rằng, việc giết chó cũng như các vật nuôi khác để làm thịt là không chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến bênh vực việc ăn thịt chó với lý lẽ: “Không ăn thịt chó, nhưng lại ăn lợn, gà, ngan, ngỗng thì cũng như nhau cả”.

Một thông tin thêm nữa, lần đầu tiên Quốc hội sẽ thảo luận các quy định về phúc lợi động vật trong dự thảo Luật Thú y vào tháng 5 tới. Dư luận quốc tế cho rằng đây là một bước tiến trong tiến trình luật hóa các hành vi đối xử với động vật tại Việt Nam.

Đó là điểm qua những thông tin liên quan đến một trong những vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi trên các diễn đàn xã hội hiện nay.

Trở lại với câu chuyện thịt chó mắm tôm, là một người rất yêu ẩm thực Việt Nam, lại là người Hà Nội, tôi hiểu cái cảm giác vào một ngày se lạnh, được ngồi nhâm chi chén rượu bên cạnh mâm thịt chó, đó là một cái thú không của riêng ai. Chẳng thế mà nhà văn Vũ Bằng, người nổi tiếng với những bài viết tinh tế về ẩm thực lại rất ưu ái cho món thịt chó mắm tôm trong “Miếng ngon Hà Nội”. Còn ở góc độ văn hóa, thịt chó là món ăn được ca tụng trên cửa miệng của đa số người Việt Nam bao đời nay; và hơn nữa, món ăn ấy còn đi cả vào trong văn chương bình dân:

“Đàn ông biết đánh tổ tôm

Biết ăn thịt chó, xem Nôm Thúy Kiều”.

Tuy nhiên, tôi cũng là người hiểu cảm giác nuôi một con chó, mình coi nó như người thân trong gia đình, và đến một ngày, người bạn thân biến mất, rất có thể đã nằm trên bàn nhậu vào “một chiều lất phất mưa xanh”, trong tiếng cười sảng khoái của một ai đó…

Tìm hiểu tất cả những thông tin mà người bạn rất mực trung thành của mình có thể bị dẫn tới, cộng với những hình ảnh mà phóng viên nước ngoài đã quay lại được một cách chân thực trong các lò mổ chó tại các tỉnh thành Việt Nam; tôi đã bị ám ảnh trong một thời gian dài sau đó. Có một con số khiến nhiều người phải bàng hoàng, đó là hằng năm có khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết ở Việt Nam mà nguồn cung chủ yếu đến từ chó bị bắt trộm. Sẽ có bao nhiêu giọt nước mắt và nỗi sợ ám ảnh như của em bé trong bức hình, của chú chó nhỏ đáng thương bị giết, của tôi và của bạn?

Sống trong dòng chảy xã hội hiện đại, có cơ hội được tiếp xúc với mọi nguồn thông tin, từ tiêu cực đến tích cực, người trẻ chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về một vấn đề. Dẫu biết, cái gì là hủ tục, dù biết là rất khó để thay đổi bởi từ bỏ một thói quen là không dễ. Tuy nhiên, trong một xã hội văn minh nhân ái, những gì bị coi là hủ tục cần phải được xóa bỏ bởi đơn giản, nó đã không còn phù hợp.

Thay cho lời kết, tôi xin được trích dẫn câu nói đăng trên website chính thức cho chiến dịch bảo vệ động vật: Bạn có thể quay mặt đi, hoặc bạn có thể HÀNH ĐỘNG, để THAY ĐỔI.

Lê Trang Ngân

Ý kiến

()