Các lãnh đạo cơ bản có hai loại tri thức để chia sẻ: một là đúc kết gì đó đủ lớn, trọn vẹn, hai là tư vấn cho tình huống, trả lời câu hỏi cụ thể. Mỗi loại có các hình thức phù hợp, để tạo hiệu quả cao nhất. Nếu là một nội dung trọn vẹn, có thể tổ chức lớp hoặc viết bài, viết tài liệu. Còn nếu là tư vấn cho một tình huống, trả lời câu hỏi, cần liên lạc với người hỏi ngay khi câu hỏi phát sinh. Cho nên, hoặc lãnh đạo chịu khó viết hoặc đứng lớp (và ghi hình để tái sử dụng), hoặc tham gia hỗ trợ tức thì, chứ để đến khi cả nhóm gặp nhau thì chẳng ai quan tâm tình huống cũ nữa.
Cá nhân tôi đã làm mentor và thấy như vậy, các bạn mentee có gì muốn là gọi hoặc chat ngay, chứ gặp nhau lại toàn chuyện ăn chơi nhảy múa, kết nối (networking) thôi.
Mô hình FUNiX đáp ứng cả hai nhu cầu trên rất tốt: Bài giảng đỉnh cao cùng hỏi - đáp (Q&A) tức thì. Bài giảng thì có sẵn nền tảng rồi, nguồn nội dung cũng đa dạng: các lãnh đạo như anh Hoàng Minh Châu, anh Đỗ Cao Bảo, anh Nguyễn Thành Nam rất chăm viết, và anh Bình cũng chăm đứng lớp.
Trong khi đó, với hệ thống Q&A, Trường Đào tạo cán bộ (FCU) có thể triển khai rất dễ dàng, với một tổng đài kết nối, ví như hệ thống trên nền tảng Facebook mà FUNiX đang dùng. Bất cứ khi nào nhân viên (tham gia chương trình) có nhu cầu, FCU sẽ kết nối ngay với mentor phù hợp. Một phiên như vậy rất gọn và hiệu quả, so với một buổi gặp mặt mà, không hiểu sao, phải kéo dài tới 3 giờ mới được coi là hợp lệ. Hơn thế, nhân viên không bị hạn chế bởi một mentor cụ thể, mà có thể chọn nhiều người tùy vào câu hỏi. Tương tác theo đó tăng lên gấp bội!
Các buổi sinh hoạt vẫn nên duy trì và do FCU tổ chức hằng tháng ở nhiều điểm. Tất cả đều có thể đến, nghe một bài kiểu TGB seminar, và networking, tạo quan hệ với nhau như thực trạng hiện nay của nó. Cái này FUNiX gọi là xDay.
Phan Phương Đạt
Ý kiến
()