Chúng ta

Những tiếng khóc ở hồ bơi

Thứ ba, 19/4/2016 | 08:26 GMT+7

Tôi thừ người khi báo Tuổi trẻ chọn ảnh Top là những cậu bé tuổi lên 10 cầm cờ tang dẫn đầu đoàn tiễn đưa bạn xấu số ở Quảng Ngãi.

Tuần qua, 9 đứa bé ở Quảng Ngãi qua đời vì đuối nước. Trên đường đến trường dưới cái nắng chang chang của miền Trung, bọn trẻ đã xuống sông tắm và không thể tự lên bờ được nữa. Quá thê thảm. 

Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới công bố vào cuối năm 2014, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ từ 5-14 tuổi tại Việt Nam. Việt Nam cũng là nước có số trẻ chết đuối nhiều gấp 10 lần so với các quốc gia phát triển, trung bình 9 trẻ tử vong mỗi ngày. 

Khá nhiều người dẫn link các bài liên quan đến vụ việc và chửi đổng rằng nhà trường không dạy các cháu bơi. Có thể đúng một phần nhưng chưa đủ. Dù bơi lội chưa bao giờ được đưa vào dạy học như một môn học chính thức nhưng cho con học bơi và dành sự quan tâm đến con phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của phụ huynh.

Câu chuyện và những tranh luận khiến tôi nhớ lại chặng đường gian nan cho con học bơi lúc bé lớn nhà tôi gần hai tuổi. Dù trước đó cháu đã được tập làm quen với hồ bơi ở nhà nhưng khi học với thầy ở hồ lớn, ngày nào bé cũng khóc: từ chuẩn bị đồ, ra khỏi nhà cho đến lúc gặp thầy, và tất nhiên cả trong khi bơi. Cháu ‘nổi tiếng’ theo cách không mong muốn: khóc nhè mỗi lần đến hồ bơi. 

Hồi ấy thỉnh thoảng tôi cũng đăng ảnh cháu học bơi lên mạng xã hội, tất nhiên là những khoảnh-khắc-không-xấu. Trong số nhiều người tương tác, tôi nhớ nhất chuyện một chị đồng nghiệp. Chị ấy comment hỏi rằng cho bé đi học bơi ở đâu để tham khảo cho con. Tôi vừa gửi link, sau chưa đầy 10 phút, quay qua đã thấy chị chia sẻ một link khác trên trang cá nhân về hồ bơi này theo hướng tiêu cực (cách nay mấy năm, Facebook đã rất thông minh khi hiện lên tường nhà tôi bài đăng của chị ấy). Chả là có một báo nọ đăng bài về những tiếng khóc của trẻ khi học bơi ở trung tâm kia. Chị đồng nghiệp cho rằng ép trẻ học bơi để chúng khóc là 'dã man' và chị không chọn cách cho con tập bơi sớm.

Đó cũng là lý do mà trung tâm dạy bơi cho trẻ kia đa phần là người nước ngoài mang con đến học. Vợ tôi kể, thời đi học ở Đức, cô ấy sống trong một gia đình người bản xứ. Trong một lần gia đình người Đức đón em bé, họ đã 'quăng' đứa trẻ xuống hồ bơi khi mới hai tháng tuổi. Chìm một chút rồi chúng cũng nổi lên và phản xạ với các động tác bơi rất tự nhiên.

Là người trong cuộc, đã và đang trải nghiệm, tôi thấy chuyện đó bình thường. Việc tôi tôi cứ làm. Sau một năm khổ sở, bé lớn cũng dần thích bơi và đến giờ xuống hồ bơi là không muốn về. Rút kinh nghiệm, bé thứ hai nhà tôi còn làm quen với hồ bơi sớm hơn.

Thời bé của tôi không được học bơi bài bản. Cách học bơi của tôi rất rừng rú: các anh lớn khênh chúng tôi lên giữa cầu và thả tùm xuống con sông nhỏ gần nhà. Cứ thế vùng vẫy bơi vào. Tất nhiên là có vài anh nữa ở dưới sông chờ ra tay nếu bọn trẻ không xoay xở được. Sau hai lần bị ném thì tôi cũng biết tự bơi vào bờ với đầy bụng nước.

Ngày nay, nhiều nơi có hồ bơi. Một lần đi công tác ở huyện biên giới Tri Tôn (An Giang), cả đoàn FPT Software đã vào tắm tại một khu hồ bơi khá hoành tráng. Bên cạnh hồ cho người lớn là hồ dành cho trẻ em. Nhiều trường ở trung tâm đã dạy bơi. Ngay tại tỉnh Quảng Ngãi, trường THCS xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ, cũng đã chủ động mở lớp dạy bơi cho học sinh. Dù chỉ mới học 1 buổi/tuần, nhưng theo thầy Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng giáo dục huyện Đức Phổ, từ khi đưa môn học bơi vào nhà trường, không có thêm học sinh nào bị tử vong vì đuối nước.

Với thời tiết nóng như những ngày gần đây, thấy nước là bọn trẻ muốn tắm, nhất là khi đi cùng nhóm bạn. Ngày xưa, tôi cũng hay bị đòn vì tắm sông. Trẻ con thời nào cũng thế. 

Các vụ đuối nước xảy ra liên tục một lần nữa đặt ra vấn đề bức thiết dạy kỹ năng và kiến thức về bơi lội cho trẻ em. Trong khi đợi nhà trường, mỗi phụ huynh cần tự chủ động trang bị kỹ năng sống, kỹ năng bơi lội cho các con. Những nơi có hồ bơi công cộng hay bể bơi tư nhân, hãy dành thời gian đưa bọn trẻ học bơi. Vùng khó khăn có thể tận dụng ao, hồ, sông, suối… Việt Nam có đến 3.260 km bờ biển, mật độ sông ngòi dày đặc với 2.360 con sông lớn nhỏ.

Trở lại vụ việc ở Quảng Ngãi, ngoài trang bị kỹ năng bơi lội, gia đình và các bậc phụ huynh cũng cần dành nhiều thời gian hơn cho bọn trẻ: quan tâm đến con cái, đưa rước các cháu khi ra khỏi nhà, chúng đi đâu, với ai phải biết rõ… Những bao biện rằng tôi bận quá, phải lo làm ăn chứ thời gian đâu để quan tâm, đưa rước… đều trở nên quá muộn. 

Khi tôi viết những dòng này, mở các trang báo và mạng xã hội là hình ảnh nghẹn ngào ngày tiễn đưa 9 học sinh Quảng Ngãi chết đuối. Những bạn bè cùng lứa của các bé cầm cờ tang đi hàng đầu tiễn đưa bạn, những cỗ quan tài phủ vải trắng và hình ảnh những phụ huynh ngất lịm.

Cầu mong gia đình các cháu vượt qua nỗi đau vô bờ bến. Mong rằng, thay vì cầm cờ đi trên đường làng đưa tiễn bạn, bọn trẻ sẽ là những Yết Kiêu thời hiện đại; hay chí ít, chúng cũng cứu được chính mình khi gặp nguy hiểm.

Nguyên Văn

Ý kiến

()