Covid-19 đã tước đi của các con lồng ngực mẹ ấm áp, tước đi sự chở che của vòng tay cha khỏe mạnh. Những ánh mắt trẻ thơ ngày đầu đến với Hy vọng chất chứa vô biên nỗi buồn… Hai năm ở Hy vọng không dài, nhưng đối với những đứa trẻ, những đứa con của chúng tôi, đó là một hành trình đầy khó khăn để tìm lại niềm vui, tìm lại nét cười lấp lánh nơi đáy mắt sau những mất mát quá đỗi lớn lao. Ngày qua ngày, những người gieo hy vọng vẫn đang cần mẫn vỗ về, bảo ban, dưỡng dục, và rồi, nụ cười hạnh phúc của các con ngày một nhiều hơn…
Những cậu bé Trường Hy vọng rạng rỡ nụ cười. Ảnh: Lê Ny |
Lê Văn Q. là học sinh lứa F2, nhập học vào tháng 8/2022. Con đến từ Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Bữa cơm nội trú đầu tiên con còn vụng về với bát đũa, không xúc được cơm vào thìa, các anh lớn phải bón từng muỗng. Con nhai cơm với vẻ mặt buồn hiu. Chiều hôm đó, cha Q. xin phép dẫn con ra quán nước gần trường, mua cho con một ly nước ngọt, dặn dò, dỗ dành con, rồi anh về lại quê. Nơi đó còn có em của Q. chưa tròn tuổi và ông bà nội già yếu...
Q. chính thức gia nhập vào nội trú. Cậu bé khóc vang trường. Thầy cô nhìn con mà xót. Các cô thay nhau dỗ dành; tối tối, còn chia nhau để ngủ cùng con. Những năm tháng chịu “cách ly”, Q. ở nhà với bà, chưa được đến trường mẫu giáo. Có nhiều từ, Q. phát âm chưa rõ. Ngại nói, ai hỏi gì Q. chỉ trả lời thật ngắn. Dù đã ăn thành thạo hơn, ngủ ngon hơn, nhưng Q. lại khó khăn với con chữ. Mỗi từ, mỗi phép toán cứ hay trốn khỏi Q. nên thầy cô ở trường FSchool và Hope phải cùng Q. tìm kiếm rất lâu. Thỉnh thoảng, đi học về, mặtc cậu buồn xo, Q. lại đi tìm tôi, nói như… người lớn: “Cô ơi, con chán lắm, con buồn lắm….”. Tôi ôm Q. vào lòng, xoa xoa cái lưng nhỏ, rồi lấy cho Q. vài cái kẹo, Q. cười vui, chào cô rồi chạy chơi cùng anh chị. Khoảng một tuần, Q. đã quen hơn với trường, nhưng cứ vẫn bám cô Phương (phụ trách y tế). Q. cũng tập dần với nếp sống kỷ luật, theo anh đá banh, ra vườn tưới rau.
Ai cũng thương, tôi đã nhiều lần thấy cô giáo của trường bế Q. lên để có thể xem rõ hơn các tiết mục văn nghệ, được các anh cõng trên lưng, được thầy cô mở rộng vòng tay để con sà vào. Sau Tết, hè, mỗi lần quay lại trường, Q. khóc vang trời vài hôm vì nhớ ba, nhớ bà, rồi… lại tiếp tục vui chơi. Tết con Rồng 2024 mới đây, sau khi quay lại trường, Q. đã giữ đúng lời hứa với thầy cô “con ăn Tết vào lại, con không khóc”. Được ba sắm cho một cặp vợt cầu lông màu tím Huế, Q. rủ “đánh cầu lông với con đi cô!”.
Sân trường rộn tiếng cười trong đêm hội trăng rằm. Ảnh: Lê Ny |
Cậu bé Lưu Đức H.- lớp 2 đến Hope cùng em gái Lưu Gia L. lớp 1. Em nhanh nhẹn, lém lỉnh, anh thì lầm lì, ít nói. Những ngày đầu đến Hope, H. đứng ngồi gì cũng tách ra một mình, không nói chuyện với ai. Thầy cô quản nhiệm hỏi thì H. trả lời chiếu lệ. Ai cũng lo lắm. Gọi điện cho người thân của con, người thân xác nhận H. ở nhà cũng vậy. Một hôm, đi sang FSchools đón các con về, Gia L. thấy tôi chạy tới ôm chầm mừng rỡ, tíu tít kể chuyện trường lớp. Bỗng nhiên, Gia L. chỉ vào cậu bé đang đứng một mình, nói: “Cô ơi! Anh con đứng đằng kia, anh con buồn lắm”. Tôi bảo Gia L: Con đến với anh đi, từ giờ trở đi, con thường xuyên nói chuyện cùng anh để anh bớt buồn nha.
Ít hôm sau, hai anh em, chiều chiều lại đi tìm tôi. H. cũng bắt đầu chịu nói chuyện. Đầu tiên, con muốn nhờ điện thoại để điện cho ba vì con nhớ ba lắm. Tôi hỏi: Con nhớ số điện thoại của ba không, con nói là con nhớ. Tôi biết cho con gọi điện thoại về nhà ngoài thời gian quy định của trường là không tốt, nhưng nhìn hai đứa trẻ khát khao được nghe tiếng ba, tôi đành phá lệ. Khi nghe tiếng con gọi từ số máy lạ, ba H. rất ngạc nhiên. H. khoe, con mượn điện thoại của cô gọi cho ba đó. Hai anh em nói với ba đủ chuyện. Tôi quan sát, lắng nghe và nhận ra, không phải cậu bé ít nói mà chỉ là ngại nói với người ngoài. Được thầy Hoàng Quốc Quyền, các thầy cô quan tâm, sống trong môi trường bạn bè, anh em H. đã lanh lợi hơn, nói năng lưu loát hơn. Cậu xin thầy Quyền cho ba con ra làm…Hiệu trưởng trường Hope. Thầy nói trường Hope có cô Hiệu trưởng rồi, H. nói có cô rồi, giờ thầy cho ba con làm thầy Hiệu trường trường Hope. Để an lòng con trẻ, cô thầy cũng phải tìm kế hoãn binh, để thầy xin lãnh đạo của FPT, nếu có được quyết định thì ba con sẽ ra làm thầy Hiệu trưởng nhé.
Ngày ngày tháng tháng H. lớn dần và hiểu được. Nay con đã bình tâm, tập trung vào việc học. Vui nhất là ở những sự kiện có đối thoại của các cô chú với học sinh Hope, H. mạnh dạn giơ tay nêu câu hỏi và trả lời các câu hỏi rất bài bản. Nhìn nụ cười mãn nguyện của H. khi nhận lời khen từ các cô chú, tôi cảm thấy lòng bình yên, hạnh phúc.
Cô Lê Thị Châu (bên trái) hướng dẫn các bạn nhỏ gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: Nguyễn Huy |
Nguyễn Khánh V. vào trường cùng một chị gái và một em trai. Lúc đó, V. học lớp 7, chị học lớp 9, em trai học lớp 3. Nhìn V. chững chạc hơn rất nhiều so với tuổi. Con biết chăm em, lo lắng học tập và rất hiểu chuyện. Những ngày đầu vào trường bỡ ngỡ nhưng với bản tính của con gái sớm biết lo toan, V. liền quan tâm với việc thực hiện nề nếp ở trường, phụ giúp thầy cô trong công việc.
Được phân công cùng ở và chăm các em nhỏ, V. được các em yêu thương bởi biết hướng dẫn các em học tập, dạy các em cách vệ sinh, đôn đốc các em trong việc thực hiện nền nếp của trường. Các em nhỏ đi đâu cũng yêu, cũng nhớ chị V. Với cậu em trai, tuy không cùng trung đội (một cách sắp xếp tổ chức của trường Hope), không cùng phòng, nhưng V. lúc nào cũng để ý tới em. Em còn nhỏ, hay nhớ mẹ. Với em trai, V. là chị, là bạn, và cũng là mẹ chăm sóc em tận tình. Cả trường rất xúc động khi trong ngày 8/3, tham gia vào hoạt động vẽ tranh về chủ đề người phụ nữ mà em yêu thương, cậu em đã vẽ hình ảnh chị Ba (tức V.). Khi hai chị em lên cạnh bức tranh, chị Ba (V.) hỏi sao em lại vẽ bức tranh này, cậu em trả lời: Em biết ơn chị Ba suốt năm qua đã chăm sóc em, chị Ba nhìn em trìu mến, nở nụ cười thật tươi rồi nói: “Vậy đó hả”. Cách nói của chị Ba V. nghe sao mà thân thương, ấm áp và bao dung quá. Tôi có cảm giác như thấy trái tim của thầy cô và các bạn như muốn tan chảy theo.
Trường Hy vọng hiện có hơn 200 em nhỏ đến từ mọi miền tổ quốc. Ảnh: Lê Ny |
Trong nhiều cặp anh chị em ở trường, có một cặp chị em mà thầy cô luôn cảm thấy an tâm, bởi sau hai năm ở Hy Vọng, các con đã yêu thương, đùm bọc nhau và trưởng thành rất nhiều. Đó là chị em Nguyễn Thị Lan A. và Nguyễn Thanh S., thuộc lứa học sinh đầu tiên của trường. Tháng 2 năm 2022, hai chị em từ thành phố Hồ Chí Minh ra trường. Nỗi ám ảnh của những ngày dịch, nỗi đau vì mất mẹ, hai chị em không giấu nổi nét u buồn trên gương mặt. Đặc biệt là Lan A. Con có cá tính và nhạy cảm.
Thời gian đầu, Lan A. thực hiện nền nếp tốt, đi học đúng giờ nhưng con chưa thực sự mở lòng. Nhưng nhờ may mắn được sống trong một môi trường tràn đầy yêu thương, luôn khích lệ các con tự tin thể hiện bản thân, dần dần, Lan A. đã bước ra khỏi vỏ bọc của mình. Con đã tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể thao, làm vườn, huấn luyện… Con cũng không ngừng nỗ lực trong học tập. Tổng kết học kì I của lớp 12, con có điểm trung bình trên 9. Con được cô thầy chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn ngữ văn cấp thành phố, và con đã đoạt giải. Con cười rạng rỡ khi nhận lời chúc mừng của các thầy cô và bạn bè…
Tôi thích nhìn những nụ cười hồn nhiên của những hope. Nụ cười của các con mang đến cho tôi sự bình yên trong lòng. Nhiều người nghĩ và nói rằng, chúng tôi, những người làm việc nuôi, dạy ở Hy Vọng là những người nâng đỡ các con, nhưng tôi lại nghĩ, chính các con lại là người đem lại niềm hạnh phúc cho chúng tôi. Đặt tên trường là Hy vọng, chúng tôi chỉ mong một điều thật giản dị: Hy vọng yêu thương sẽ luôn đong đầy nơi đây, Hy vọng nụ cười còn mãi trên môi các con mỗi sớm mai, Hy vọng những trái tim xanh luôn hòa chung một nhịp…Và chúng tôi, vẫn đang viết tiếp - Hy vọng…
Lê Thị Châu
Ý kiến
()