Chúng ta

Những người không chịu trưởng thành

Thứ sáu, 4/3/2016 | 15:34 GMT+7

Trên khắp Việt Nam, những đô thị như những cơ thể đang lớn phổng phao, sải những bước dài, mạnh mẽ. Nhưng có những con người sống trong lòng nó vẫn tụt lại phía sau, thậm chí là chọn cách đứng im, bất động.

Ở góc vỉa hè gần ngã tư Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn, TP HCM, có bà cụ ngồi bán đồ chơi. Hơn 10 năm qua, bà ngồi đấy gần như mỗi ngày, trước mặt là tấm nhựa trải bày các con sâu bằng giấy.

Tôi thường chọn đoạn đường này đi làm để nhìn bà. Khi dọn hàng ra hay thu hàng về, bà nhặt nhạnh rác xung quanh cẩn thận. Nếu ngày nào không thấy dáng ngồi thong thả, đôi tay đưa đẩy các con sâu giấy mời khách của bà, tôi lại đâm lo, sợ mất một nét dễ thương của thành phố.

Một lần, tôi đến Hàn Quốc công tác, buổi chiều tôi dạo bờ biển Busan, đoạn gần khách sạn Westin Chosun, xem người dân địa phương tập thể dục. Tôi nhớ mãi hình ảnh một người đàn bà chạy chấp chới theo chiếc túi nilon. Cũng như mọi người ở đây, bà mang gói thức ăn để dùng khi ngồi nghỉ. Chẳng may gió biển thổi mạnh, chiếc túi vụt bay. Bà đã đuổi theo để nhặt nó cho vào thùng rác.

15 năm nhập cư Sài Gòn, tôi góp nhặt được nhiều hình ảnh dễ thương về vùng đất phương Nam này. Nhưng một trong những điều mà 15 năm qua tôi thấy chưa có sự dịch chuyển đáng kể, đó là việc rác bị vứt bừa bãi. Dọc những con đường, từ quận xa đến khu trung tâm, dường như nhiều người đã quen sống chung với rác. Rác trên những cây cầu hiện đại mới xây, rác trôi dưới dòng kênh vốn được thành phố đổ vào nhiều tiền, tâm sức để cải tạo và đang đưa vào khai thác du lịch. Rác ngập tràn các tuyến đường sau mùa lễ hội.

Hình ảnh của rác quá quen thuộc, nên việc có người tiện tay vứt thêm ra đường không lạ. Giả sử, nếu có một người cố chạy đuổi theo các túi rác nilon bay trên phố, hoặc cúi xuống nhặt rác cho vào thùng, có lẽ đó mới là chuyện lạ.

15 năm trước, trong mắt những sinh viên tỉnh lẻ lên Sài Gòn trọ học, tòa nhà 33 tầng ở góc đường Lê Duẩn gần Thảo Cầm Viên là biểu tượng lớn về sự sang trọng bậc nhất của khu trung tâm. Bởi đó là tòa nhà cao nhất TP HCM lúc bấy giờ. Hiện tại, nhiều cao ốc đã và đang mọc lên vượt tòa 33 tầng ngày nào. Trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim sang trọng, đường hầm chui, hệ thống cầu vượt… đang ngày càng nhiều.

Nhưng những người đô thị - vốn xuất thân từ nhiều vùng miền, hoàn cảnh sống - đã được chuẩn bị như thế nào để thích ứng đời sống đang phát triển đó?

Cách ứng xử với rác của người dân ở thành phố lớn nhất nước này chỉ là một trong số những điều bộc lộ mảng xấu xí của đô thị. Mỗi ngày, người ta còn chứng kiến hình ảnh về một hệ thống giao thông rối loạn, phần lớn vì ai cũng muốn giành quyền ưu tiên khi điều khiển xe. Thay vì kiên nhẫn đợi vài giây đèn đỏ, người ta chen lấn, xô đẩy, leo vỉa hè chỉ để được lao về phía trước. Nếu đứng ở trước cổng bệnh viện Ung Bướu TP HCM bạn sẽ quan sát thấy, nhiều người đi bộ, thay vì lên cầu vượt để băng sang đường cho an toàn và giảm thiểu ách tắc, họ sẵn sàng băng ngang lòng đường vốn đã rất nhiều xe gắn máy. Chỉ đơn giản vì băng ngang sẽ nhanh hơn leo cầu vượt.

Nhà văn Ấn Độ Aravind Adiga từng đoạt giải Man Booker 2008 với tiểu thuyết Cọp trắng - viết về ­những chuyển biến mạnh mẽ của xã hội Ấn Độ hiện đại. Trong đó, ông đề cập đến thói quen tiểu tiện, đại tiện kém văn minh của một bộ phận người trong đời sống Ấn Độ đang đổi thay muôn màu. Nhưng không cần phải đọc Cọp trắng tôi mới cảm nhận được điều đó. Bởi, chuyện người tiểu tiện, thậm chí đại tiện trên đường Sài Gòn vẫn đang xảy ra, ngay cả ở tuyến đường trung tâm của thành phố.

Ý thức sống và kỹ năng sống không thể chỉ đến một cách ngẫu hứng. Nó phải là kết quả của một quá trình nhận thức và sự giáo dục. Nếu tất cả không được bắt đầu thay đổi từ hôm nay, liệu những thói quen xấu xí góp phần tạo nên diện mạo đô thị xấu xí sẽ trở thành ký ức như thế nào trong lòng cư dân thành phố hàng chục năm về sau?

Đứa trẻ của hôm nay - đứa bé đeo phù hiệu một trường tiểu học tôi vừa thấy ngồi sau xe mẹ chở - thản nhiên vứt hộp sữa đã uống xuống lòng đường. Đứa bé ấy sẽ là một công dân thành phố như thế nào khi sau này chính bé được thụ hưởng những tiện ích công cộng của thành phố như: tàu điện ngầm, cầu vượt hiện đại, siêu thị...?

Không chỉ TP HCM mà những thành phố khác trên khắp Việt Nam, như những cơ thể đang lớn phổng phao, sải những bước dài, mạnh mẽ. Nhưng có những con người sống trong lòng nó vẫn tụt lại phía sau, thậm chí là chọn cách đứng im, bất động. Một thành phố, một đất nước sẽ không tiến bước được tới văn minh nếu những công dân của nó mãi không chịu trưởng thành.

>> Ứng xử khi tuổi teen không nghe lời cha mẹ

Thanh Vân

Ý kiến

()