Những ai yêu thời trang chắc đều biết đến áo khoác kinomo, món đồ được xem là "hàng hot" mùa trước. Kimono là của Nhật, cái này ai cũng biết không cần phải bàn cãi. Nhưng cái đáng nói là sau khi đã bị biến tấu chán chê qua nhiều đời, những chiếc áo khoác này hầu như không còn dáng dấp của những chiếc kimono truyền thống, ngoại trừ tinh thần trông có vẻ rất mềm mại, thanh tao kiểu Nhật. Tôi từng đem thắc mắc này đi hỏi nhà thiết kế Quỳnh Paris và nhận được câu trả lời: "Vì người Nhật sẵn sàng chấp nhận thay đổi, chấp nhận xé nát hình ảnh một chiếc kimono dày cộm, luộm thuộm truyền thống để được phương Tây công nhận".
Áo dài Việt Nam thì không. Chỉ cần có một cô hoa hậu diện áo dài cách tân hơi ngắn, hơi mỏng, "cộng đồng mạng" sẽ vào comment: "Xấu quá, phá nát chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam". Đó là lý do chính mà nhiều người Việt, trong đó có tôi, từng thắc mắc vì sao Tây đến Việt Nam đều khen áo dài đẹp hồn xiêu phách tán, nhưng chẳng có mấy hãng thời trang lớn nào buồn khai thác vẻ đẹp của nó, dù nhìn vào ai cũng khẳng định, áo dài tất nhiên là đẹp và dễ mặc hơn kimono.
Mượn chuyện thời trang để nói đến cái tính cách đã ăn sâu vào máu của nhiều người Việt bây giờ - thói quen chỉ trích và hùa theo chỉ trích. Thật ra, tính tôi rất ngại phê bình, đá xéo hay đá thẳng ai. Nói văn hoa là thích ôn hòa, còn theo như bạn phê bình là hèn. Như em Ngọc Trinh từng nói, chúng ta đâu có biết trong cuộc đúng sai thế nào, cũng không có tư cách gì để bình luận. Tôi làm mảng giải trí, mỗi khi showbiz có những chuyện rần rần như Baggio và anh trai Bảo Thy, tôi thường theo dõi để phân tích về phương diện PR. Tất nhiên là cũng chỉ để mua vui cho bản thân và hiểu hơn về bản chất của công việc mình đang làm.
Nhưng hôm rồi, tình cờ lướt Facebook, tôi thấy hai status của hai người Việt "truyền thống", một không quen, một quen chút chút. Status đầu tiên chỉ trích chính quyền vì thông qua đề xuất gỡ tượng Trần Nguyên Hãn để làm tuyến Metro đầu tiên của Sài Gòn. Status thứ hai, cũng phản bác việc chọn đầu bếp Bobby Chinn là đại sứ du lịch Việt Nam tại châu Âu và đặt ra nghi vấn, anh Bobby đã dùng vật chất để hối lộ quan chức cho "chiếc ghế" này. Bạn này cho rằng đây là nỗi nhục quốc thể! Và sau đó, như thường lệ, các comment hùa bắt đầu công cuộc cổ súy cho "chủ nhà".
Tôi, trong tâm trạng vô cùng ngạc nhiên, đã comment hỏi chủ status thứ 2: "Tại sao lại gọi là làm nhục quốc thể trong khi việc chọn một người châu Âu làm đại sứ tại châu Âu là rất hợp lý hợp tình, như Jennifer Phạm cũng được mời làm đại diện du lịch New Zealand tại Việt Nam". Bạn ấy cười hè hè bảo là: "Dù là tại châu Âu thì cũng phải chọn một người Việt Nam mới đúng, và đây là quan điểm riêng của tớ". Đại loại ai không hài lòng thì kệ thằng ấy.
Chia sẻ status này với siêu mẫu Hà Anh, chị gọi đó là những người Việt thiếu hiểu biết nhưng thừa sự ích kỷ và lòng hận thù. Tôi cảm thấy tiếc, vì những người bạn ấy đã bỏ qua rất nhiều thứ tốt đẹp mà chỉ cần suy nghĩ sâu một tý, nhìn với góc độ tích cực hơn một chút là có thể nhận ra.
Giả sử người New Zealand, nơi Bobby Chinn sinh ra, cũng dùng những lời lẽ tương tự để nói về Jennifer của chúng ta, các bạn sẽ thế nào?
Bạn có biết vì sao Sài Gòn và Hà Nội, giá đất luôn nằm ở top thế giới không? Vì dân nhập cư đổ về quá đông, cung thấp hơn cầu. Ngay cả tôi, người có nhà cách trung tâm 40 phút đi xe máy, cũng phải tìm một ngôi nhà thứ hai tại trung tâm vì quá chán ngán cảnh kẹt xe, đường sá vắng vẻ... Metro là giải pháp có thể tốt nhất để giảm tải sức nóng của nhà đất Sài Gòn. Bạn có thể mua nhà ở Bình Dương, Đồng Nai hay xa hơn nữa, và vẫn đi làm ở Sài Gòn hằng ngày.
Tàu điện ngầm là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia đang phát triển. Khoan nói đến chuyện phải hy sinh những giá trị truyền thống, vì thật sự chúng ta vẫn chưa hiểu tường tận sự việc. Mà chưa hiểu thì chắc cũng không cần cần đạp đổ công sức của những người ít-ra-cũng-muốn-làm-gì-đó-cho-đất-nước, vẫn tốt hơn những người chỉ thích lên Facebook chửi đời, chửi những người giỏi hơn mình. Cũng tương tự như chuyện nhiều bạn trẻ hoàn toàn không giao tiếp được bằng tiếng Anh, nhưng vô cùng tự tin lên án Lý Nhã Kỳ phát âm tiếng Anh dở vậy đó. Bi hài hết sức.
Tôi ghét phải tranh luận với những người không cùng quan điểm, vì luôn chẳng đi đến đâu cả. Quan điểm ở đây là môi trường, quan điểm sống và mục tiêu tranh luận. Ở tòa soạn nơi tôi làm việc, phóng viên tranh luận với trưởng ban là chuyện bình thường. Hồi mới vào làm, tôi cũng đôi lần hoảng sợ khi thấy các ‘lính’ cãi tay đôi với sếp, sếp giận đến mức mặt đỏ bừng. Nhưng sau đó, cả hai vẫn kề vai nhau đi ăn trưa, uống cafe vui vẻ. Vì ai cũng biết, tranh luận là để công việc chung được tốt hơn, nếu trên tinh thần xây dựng. Nền giáo dục phương Tây phát triển vì học sinh được tranh luận với thầy cô, chứ không phải thầy đọc trò chép và học thuộc lòng.
Vì vậy, khi một đứa trẻ Pháp được hỏi: "Con thấy cái đầm này thế nào" (dù cái đầm vô cùng quái dị), nó sẽ trả lời: "Con thấy nó lạ quá, con không hiểu". Còn một người Việt Nam được xem là trưởng thành sẽ trả lời: "Nó xấu banh, con quỷ nào thiết kế vậy để tao viết status chửi nó".
Vân An
Ý kiến
()