Chúng ta

Những cái chết vì rượu bia

Thứ hai, 26/9/2016 | 15:54 GMT+7

Trong vòng hai tháng, hai Trưởng phòng Kinh doanh ở FPT tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.

Cuối tuần qua, một Trưởng phòng Kinh doanh của FPT Telecom Sài Gòn tử nạn khi đang được một người bạn chở về sau cuộc nhậu dài. Anh bị cuốn dưới gầm xe bồn. Thi thể anh được bảo quản tại bệnh viện An Bình chờ bố bay từ Đà Nẵng vào làm các thủ tục trước khi đưa về với đất mẹ. Với tôi, đọng lại sau tất cả là cảnh bố anh ôm cậu em trai khóc ngay cửa nhà xác. Nhà anh có điều kiện với một công ty riêng tại Đà Nẵng. Nhiều lần ông gọi nhưng anh không về bởi thích cái chất Sài Gòn. Giờ đây, có lẽ điều ông nuối tiếc nhất là đã không quyết liệt bắt con về.

Cách đấy hai tháng, Ngô Thanh Hưng, Trưởng phòng Kinh doanh 2, FPT Telecom Đồng Nai, cũng tử vong do tai nạn. Trước đó cậu cũng đã có hơi men trong người. Hưng đã có vợ và con nên khoảnh trống cậu để lại cho những người phía sau quá lớn. Người vợ trẻ - cũng là đồng nghiệp của anh - phải gồng gánh gia đình với con lớn gửi bên nội, bố chồng bị tai biến và bé thứ hai mắc chứng động kinh kèm bệnh ngắn lưỡi. 

Với tôi, gần 4 năm rồi chưa xỉn. Không phải tôi lên đô, chỉ đơn giản là tôi không biết uống rượu, bia. 

Cách nay hơn 10 năm, mới ra trường, tôi tham gia một Dự án tình nguyện của Tỉnh đoàn Bình Phước. Dự án tăng cường cán bộ về cơ sở xã phường. Xã tôi làm việc xa nhất, với nhiều đồng bào dân tộc. Thanh niên trai tráng ở đó uống rượu bằng tô. Mỗi lần xuống cơ sở, tôi đều bị xỉn ngay trong khoảng 1/3 chặng nhậu. Tôi thường nằm ngủ đại ở nền nào đó, chờ đồng nghiệp về thì gọi dậy. Đôi khi, về đến nhà tập thể mới xỉn, và mỗi lần như thế, tôi đều phải chạy vào nhà vệ sinh để ói hết những thứ đã tống vào người. Khi ấy, cảm giác thật tồi tệ.

Sau hai năm dự án, tôi về làm chuyên viên một cơ quan thuộc Tỉnh ủy. Khu tập thể có ba người: Bí thư, Phó Bí thư và tôi. Mỗi người một phòng. Cơ quan cấp tỉnh nên mức độ nhậu cũng ở… cấp cao. Gần như ngày nào cũng có độ. Nhiều ngày trưa nhậu xong tối lại ra quán tiếp. Sợ tôi ở nhà một mình buồn nên các chú thường rủ đi. Ban đầu tôi còn hào hứng, sau tránh dần. Các sếp cũng biết tôi tửu lượng kém nên những khi bắt buộc phải đi, ai mời hay ép đều lên tiếng đỡ: “Nó không biết uống đâu. Kệ nó”.

Về FPT hơn 4 năm, tôi mới xỉn đúng một lần. Cuối năm 2012, tôi đi dự chung kết giải bóng đá ở FPT Software dưới quận 9. Sau giải, Ban tổ chức mời nhậu ở một nhà hàng gần F-Town. Bữa đó ham vui nên tôi cũng uống nhiều bia. Dù xỉn nhưng tôi vẫn rất tỉnh và chạy xe máy về lại Sài Gòn. Càng đi càng ngấm nên tôi quên béng rằng hầm Thủ Thiêm sẽ đóng cửa làn xe máy sau 21h. Lần đầu tôi tưởng mình nhầm làn nên chạy vòng lại. Lần này mới biết hầm cấm xe máy cách đây... ba tiếng. Đêm khuya, thời tiết cuối năm lạnh, tôi biết nếu cố chạy xe về quận 7 thì không ổn. Tới Hàng Xanh, tôi gọi điện báo cho bạn gái biết là mình xỉn rồi và sẽ ghé một khách sạn gần đây ngủ. Sáng hôm sau tỉnh tôi mới về nhà.

Sau lần ấy, tôi gần như không uống. Mỗi khi đi sự kiện mà có tiệc, tôi toàn dùng ‘bùa’: “Em còn phải làm bài gấp”, để từ chối những lời mời cụng ly từ đồng nghiệp, và đôi khi là sếp to. Thấy lý do chính đáng nên chả ai ép thêm. Đôi khi vui tôi vẫn uống, nhưng thường không quá một ly bia. 

Từ chối đồng nghiệp luôn dễ bởi công việc phóng viên khá đặc thù. Với bên ngoài, những lần từ chối tôi thường nghe kèm: không nhiệt tình, thiếu bản lĩnh hay nam vô tửu như kỳ vô phong... Nhưng rồi nghe mãi cũng quen. Với tôi, bản lĩnh là dám từ chối rượu bia chứ không phải là say xỉn. Trong cuộc sống, có nhiều bài học con người chỉ có cơ hội học một lần duy nhất nhưng phải trả giá đắt, nhiều trường hợp bằng chính mạng sống của mình và dẫn theo hậu quả cho người thân. 

Nhiều người cho rằng, nếu không nhậu sẽ rất khó cho công việc trôi chảy. Trong bữa cơm trưa nay, nữ đồng nghiệp kể câu chuyện về một trong những nhân viên kinh doanh xuất sắc của Oracle - hãng chuyên bán phần mềm quản lý - chưa bao giờ phải tiếp khách/đối tác tại nhà hàng. Thay vào đó, họ chọn quán café để tư vấn. Và trong câu chuyện của hai đồng nghiệp xấu số trên, cũng không ai tử nạn vì đi tiếp khách hàng hay đối tác.

Đầu năm nay, báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với 2010. Trong khi đó, mức tiêu thụ rượu cũng tăng trưởng đáng kể với 75 triệu lít. Con số này đã đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” tiêu thụ rượu, bia. Và, số người chết vì tai nạn giao thông có nguyên nhân từ bia, rượu luôn là con số kinh khủng nhất. 

Nhiều cán bộ quản lý của FPT Telecom Sài Gòn đã nhìn thấy hình ảnh thương tâm tại hiện trường sau vụ tai nạn và hàng trăm lượt đồng nghiệp đều nghe, chứng kiến câu chuyện ở nhà tang lễ bệnh viện An Bình. Sự việc ám ảnh đến mức nhóm quản lý của FPT Telecom Sài Gòn hứa sẽ bỏ nhậu một thời gian. Mong rằng các anh không đưa ra lời hứa bằng sự sợ hãi. Thay vào đó, hãy điều chỉnh thói quen để không phải tự mình hối tiếc hay gieo nỗi buồn cho người ở lại.

>> Trưởng phòng Kinh doanh FPT Telecom Sài Gòn tử vong do tai nạn 

Nguyên Văn

Ý kiến

()