Chúng ta

Nhớ Bố

Thứ sáu, 19/11/2021 | 11:33 GMT+7

Bố đã trải qua một cuộc rời đi về miền miên viễn im lìm, nguội lặng, không kèn, không trống, không một người thân đưa tiễn lần cuối.

Những ngày tháng kỳ lạ

Ngày Trung thu đoàn viên, cũng là Thất thứ 6 của Bố. Từ lúc Bố không còn, con chưa lần nào thắp một nén nhang, hay rớt một giọt nước cho sự ra đi miên viễn này. 

Con cũng chưa bao giờ tin, có một ngày, ngủ dậy con không còn Bố bên cạnh.  Sự hiện diện này, lúc trước, hiển nhiên quá đỗi, đến con vô tâm tưởng chừng chỉ cần con quay về nhà, là sẽ thấy có người ngồi đó chờ đón con. 

Con người là giống loài vô tâm quá phải không, thức gì hiển nhiên hiện hữu trước mắt sẽ không biết quý trọng. Con người ta chỉ nhớ về những gì mình đánh mất, chứ mảy may không nhớ về những gì kề bên, kế cạnh.

Những ngày lạ lùng này, cố vùi đầu vào công việc và những cuộc họp. Thời gian rảnh rỗi, dành cho mẹ và em trai, hay ngồi tập hít – thở, hay vắt kiệt mình trong những bài tập chỉ để tay chân và sức lực phục hồi như cũ. 

Không một thời khắc nào để con nhớ về Bố, hay thật sự chỉ dành để nhớ về Bố. Bố chỉ thoáng qua, trong những câu chuyện của ba mẹ con, trong những bữa ăn. 

Nhắc đến vừa đủ là dừng. 

Làm sao mà con có thể để nỗi buồn xen lẫn vào những bữa ăn vốn đã thiếu đi một người. Bữa cơm đủ đầy mà sao vẫn cồn cào thiếu thốn. 

Làm sao để con bướm đen bay vào trong giấc mơ, đủ biết Bố đã quay về nhìn vợ con lần cuối.

Những ngày tháng kỳ lạ, nỗi nhớ và dằn dai cứ loãng tan hoài trong tâm tưởng và giấc ngủ.

Xé nát tờ thư

“Gửi Bố,

Lúc viết những dòng này, con không biết hiện giờ thân xác Bố đang trôi dạt phương nào hay đi đâu về đâu. 

Một cuộc rời đi về miền miên viễn im lìm, nguội lặng, không kèn, không trống, không một người thân đưa tiễn lần cuối. Một chuyến rời đi cuối cùng của cuộc đời đầy lẻ loi và bất lực. 

Lúc mà con và mẹ đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt của những bệnh nhân tiên liệu xấu, em trai đang cách ly ở căn phòng nơi sân thượng, chỉ biết dóng mắt nhìn theo bố từ trên cao. Ở lưng chừng nhìn xuống mà bất lực không cách gì kề cạnh và tiễn biệt. 

Con nhắn em nhớ cúi lạy đưa tiễn Bố giùm Mẹ và anh. Cả cái lần cuối để bên cạnh chăm sóc Bố hay chỉ để nhìn mặt người lần cuối con cũng không có dịp. Sự chia lìa này, sao mà đành đoạn tận cùng.

Lúc hay tin, Bố đã nôn ói và tiêu chảy, con và Mẹ đang cách ly ở bên chung cư. 

Con đã mơ hồ dự liệu, và mong cầu đừng có lan nhiễm. Mà dự liệu đó cuối cùng cũng phụ lòng. Sự lan nhiễm đã đánh gục người đàn ông trụ cột rắn rỏi của gia đình mấy chục năm qua. Cột trụ đã gồng gánh, gầy dựng ngôi nhà vốn đã mục ruỗng từ lâu từ những cơn bệnh, không còn sức chống chọi với loài virus không hình không dạng này.

Em trai kiệt cùng chở Bố đến gõ cửa từng bệnh viện trong vô vọng, rồi Bố lịm đi trên chiếc xe em chở. Lúc em nhắn cho con, em xin lỗi vì không cứu được Bố. 

Ngôn ngữ bất lực, không lời nào nói được. Làm sao để nói cho em biết, hay cho bản thân con biết, làm sao định danh tội lỗi hay kết tội gì ở đây, mà sao hai đứa thấy ngập tràn hối tiếc và day dứt.

Chưa đầy một ngày sau, con và Mẹ trở nặng rồi đi vào viện. Con còn “may mắn hơn Bố”. Cái ý nghĩ mình “may mắn hơn Bố”, dù là thoáng qua trong đầu, phút chốc, trước khi lịm đi trên giường, cũng đủ làm con thấy mình kiệt cùng và day dứt chừng nào. Đến lúc đó, con vẫn không rơi một giọt nước mắt nào cho sự ra đi của người. Không còn nhận thức nào đủ tỉnh táo để biết mình còn sống và biết đau buồn cho sự ra đi của người.

Ba lần con tuyệt vọng trong 24 giờ đồng hồ.

Khi mà tất cả các dịch vụ tang lễ đều từ chối không nhận mai táng cho Bố, vì Phường lúc đấy không xuống để cấp giấy xác nhận dương tính với Covid-19 cho Bố. 

Bố nằm trơ lạnh dưới nhà một đêm dài mà không có ai bên cạnh, không có nhang đèn hay lửa nóng. 

Làm sao để kể hết về sự cô đơn khi xác thân nguội lạnh, nằm chờ người đến đưa mình đi thiêu rụi thành cát bụi.

Khi mà em trai, xét nghiệm cũng phát hiện ra mình dương tính – phòng tuyến cuối cùng của cả nhà cũng đã thủng lưới. 

Em trai cũng phải đi cách ly. 

Trong một tuần, nhà bốn người lại chia nhau thành ba ngả, ở ba nơi, một người đi mãi không về.

Khi mà con không biết con có thể sống đến ngày mai hay không, khi mỗi hơi thở là một tràng ho, mỗi lần hô hấp là một lần bóp nghẹn buồng phổi. 

Con đã nghĩ quẩn, con kể lại những nhắn gửi sau cùng cho chị T. – người mà luôn bên cạnh nhà mình, người viết lại nhật ký cho Bố, cho con, cho tang lễ của Bố, cho ngày con nhập viện vì sợ sau này không biết đến nữa; con nhắn cho em trai những lời nhắn gửi đầy ích kỷ: dúi lại trách nhiệm và gánh nặng gia đình chăm mẹ vào em trai; con nói chia tay với người con yêu dấu, chỉ vì con sợ tự dưng ngày mai em thành ra yêu một người không còn sống…

Sự tuyệt vọng đó khốn nạn đến cùn nhụt và trơ cạn.

Dãy phòng cấp cứu sáng choang đèn, ánh đèn neon trắng bạch lạnh lùng, soi rọi bất kể ngày đêm. Những giường bệnh san sát nhau, tiếng máy móc ồn ào và khẩn thiết, những thân thể trần truồng nằm thở thoi thóp, những tiếng chân chạy rầm rập đến giường bệnh nhân trở nặng chỉ để kịp cứu thêm một người. 

Con vẫn nằm thiêm thiếp đeo mặt nạ hít lấy từng hơi oxy. Cảm thấy bản thân giống con cá vô tình mắc cạn, há mũi miệng đớp từng hơi thở trong đau đớn và kiệt cùng. Mỗi lần đớp hơi là một lần chua xót và tuyệt vọng.

Giữa sát na đó, con mơ thấy Bố đang ngồi cuối chân giường con. Không nhìn rõ mặt người, chỉ thấy bóng lưng còm cõi quen như in trong trí não ngồi đó, buồn rầu và hư hao như bao lâu. 

Bố con mình cùng xem một thước phim cuộc đời. Từ lúc con sinh ra, từ lúc con lớn lên, từ lúc con biết cãi lại Bố, từ lúc con giận Bố ra ngoài ở riêng Bố khóc ràn rụa trong điện thoại nói con ơi về nhà đi Bố không muốn Tết nhất mà nhà thiếu đi một người, từ lúc con biết thương Bố khi người nằm trên giường bệnh mổ khối u, từ lúc người bắt đầu thấy mình già và mục ruỗng đi.

Ký ức tua lại rõ rệt không thiếu một phân cảnh nào, lúc kết thúc hình như trời cũng gần sáng. Bố quay lại nói nhỏ xí, Bố phải đi rồi!

Những chuyện này, con chỉ kể cho Mẹ và em trai.”

70 năm bao lần vui?

Bố, làm sao để khỏi nhớ những đoạn thời không chỉ có riêng Bố và con. Từ nhỏ con chỉ được dạy để nhớ rõ từng chữ, từng việc, chứ chưa từng ai dạy con phải quên đi. Đêm Nguyễn Huệ, hai Bố con ra The Long ngồi uống bia Đức. Bố xa lạ trên chính thành phố đang sống. Đã từ lâu Bố không đi đâu chỉ quẩn quanh trong vòng an toàn của mình. Hay đêm gần đây nhất, dịp lễ Thống nhất vừa rồi, hai Bố con đi uống rượu vang, Bố liu xiu con liu xiu, hai Bố con quàng vai nhau lên taxi về mà vui sướng khôn nguôi. 

Kỷ niệm nào cũng đẹp, mà như xương gai hễ chạm lại thì nhói từng hồi.

Bố, gần bảy mươi năm cuộc sống này, có bao nhiêu lần Bố thấy vui? 

Từ bao giờ con đã gạt bỏ niềm vui của Bố ra khỏi con? 

Những mong ước đưa Bố đi đây đi đó, bước ra khỏi cái vùng Bố cho là an toàn, để đến những nơi con cho là tươi đẹp và đáng cho Bố hơn? 

Con không biết hay cố tình không biết, những chuyến đi đường dài là cơn ám ảnh với Bố. Sau khi đại phẫu thuật, thận suy giảm chức năng, thời gian Bố cần phải bài tiết ngắn hơn tất thảy. Con muốn đưa Bố đi đến nơi xa, theo trào lưu, và thật phù phiếm. Bố chỉ muốn ra quán nhậu lụp xụp nơi mé sông, có Bố, có Mẹ, có hai đứa con ngồi uống một trận thật say. 

Làm sao con coi thường niềm vui bé mọn của Bố như vậy?

Bốn hay ba người vẫn là gia đình

Sáu tuần rồi, Bố đi đâu mất.

Di ảnh và hũ cốt Bố gửi vào Chùa.

Ba mẹ con cách ly tại nhà.

Chùa nằm đối diện nhà, nhưng không cách gì qua để thắp cho Bố nén nhang.

Sáu tuần rồi, hôm nay là Trung Thu.

Con tìm khắp nơi, sợ không có bánh để cúng Bố.

Con đặt chè trôi nước, con dặn em mua bưởi và hoa để bày.

Con biết xưa giờ Bố không thích chè hay bánh.

Nhưng con biết, thức gì con mua về Bố đều thích.

Nay cho con vọng bàn thờ không di ảnh, thương tưởng Bố và biết rằng người đã đi mất.

Once, Always

Cho đêm này, con nhớ và khóc Bố lần sót cùng.

Nếu có kiếp sau, cho con vẫn được làm con Bố.

Phạm Vũ Tuân

Ý kiến

()