Chúng ta

Nhân văn không phải vào đại học mới học

Thứ ba, 22/9/2015 | 11:12 GMT+7

Cái gốc của nhân văn là sự tôn trọng con người, tôn trọng sự sống, tôn trọng tự nhiên, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng... là những phẩm chất có ở đứa trẻ nhiều hơn và thuần khiết hơn nhiều so với ở người lớn.

Có vụ tranh cãi lớn trong ngành giáo dục Nhật, khi Bộ Giáo dục nước này muốn đóng cửa các khoa về KHXH & NV trong các trường đại học. Nghe thì có vẻ sốc thật, chả lẽ người Nhật không cần phải nhân văn nữa? Nhưng nghĩ kỹ, thấy cũng có cái lý họ.

Về mặt phát triển con người. Tính nhân văn phải được giáo dục từ nhỏ. Nó phải trở thành ý thức tự nhiên của con người. Chứ vào đến đại học rồi mà vẫn chưa nhân văn thì có dạy cũng chẳng được.

Theo nghĩa nào đó, về tính nhân văn, người lớn phải học ở trẻ nhỏ nhiều hơn là chúng học ở người lớn. Cái gốc của nhân văn là sự tôn trọng con người, tôn trọng sự sống, tôn trọng tự nhiên, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng... là những phẩm chất có ở đứa trẻ nhiều hơn và thuần khiết hơn nhiều so với ở người lớn.

Hồi gái nhỏ khoảng 3-4 tuổi, về quê chơi đến nhà bà cô có con chó rất to và dữ. Mình cứ rón rén từ xa để gọi bà cô ra giữ chó. Loáng cái không thấy nó sủa nữa, quay lại đã thấy gái nhỏ chạy đến ôm cổ và chơi với con chó rất thân thiết. Sợ gần chết! Nhưng chả làm sao. Chúng chơi với nhau rất vui vẻ.

Nhà có hai con mèo. Với người lớn thì để bắt chuột. Với hai con gái là hai người bạn!

Đầu năm có một con nữa, bạn của gái lớn xin về nuôi. Đợt rồi thấy kể con mèo ấy bị ốm, hai bạn rất lo lắng, mang đến bác sĩ chạy chữa, hết 1/2 tháng lương.

Mình hỏi: “Sao phải vất vả thế? Số tiền đó có thể mua được 10 con mèo đẹp”. Gái lớn bảo: “Sao ba lại nói thế, mình nuôi nó mà”. Tự thấy hơi xấu hổ, chẳng ai có thể dùng lương để mua được bạn!

Đấy có phải là nhân văn? Cũng không thể đợi vào đại học rồi mới học!

Khúc Trung Kiên

Ý kiến

()