Chúng ta

Một chút công bằng cho các ca sĩ miền Nam

Thứ hai, 20/11/2017 | 09:16 GMT+7

Gần đây, ca sĩ Thanh Lam có phát ngôn gây sốc: "Nhưng trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông".

Tôi không nằm trong số những người phê phán hay ném đá Thanh Lam một cách không thương tiếc. Chúng ta sống trong một thời đại, mà mọi người không nhất thiết phải suy nghĩ giống nhau và ai cũng có quyền bảo vệ quan điểm riêng của mình. Hơn nữa, Thanh Lam đã dám nói ra một điều, mà người khác chỉ dám nghĩ nhưng không dám nói. Tôi tôn trọng cô vì điều này!

Tuy nhiên, tôi không chia sẻ quan điểm của cô. Tôi nói ra suy nghĩ của mình, chỉ vì muốn lấy lại một chút công bằng cho các ca sĩ miền Nam.

Thứ nhất, tôi không tin, không học hành mà hát được như Cẩm Vân, Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng... Ai muốn hát để kiếm sống được, cũng đều phải học. Có lẽ "nhiều ca sĩ" chỉ không có may mắn được học trong Nhạc viện như Thanh Lam mà thôi. Không có môi trường âm nhạc tốt như Nhạc viện, chắc chắn họ đã phải học hành vất vả hơn rất nhiều, mới hát được như thế.

Nhưng Nhạc viện cũng không phải là tất cả. Mỗi lần về miền Tây, tôi đều vô cùng ngưỡng mộ các nghệ sĩ đàn ca tài tử. Họ là các nghệ sĩ dân gian, không qua trường qua lớp. Và tôi tự hỏi, liệu Nhạc viện của chúng ta có khả năng đào tạo ra những nghệ sỹ như thế hay không?

Thứ hai, không chỉ những người không học hành mới cần truyền thông để nổi tiếng, mà những người có học hành, muốn nổi tiếng cũng phải cần truyền thông.

Dù sao cũng cám ơn ca sĩ Thanh Lam đã thẳng thắn nói ra một định kiến có thật trong xã hội về các ca sĩ miền Nam, giúp chúng ta có dịp tranh luận để thay đổi định kiến không công bằng này.

>> Bán hàng bằng câu chuyện

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()