Suốt mấy ngày qua, tôi đã rất ngạc nhiên, tự hỏi: Tại sao một tập đoàn doanh thu hàng đầu thế giới như Volkswagen, hoạt động tại một đất nước giàu có và văn minh thuộc loại nhất thế giới như Đức, lại có thể trắng trợn lừa người tiêu dùng và các cơ quan quản lý khí thải Mỹ, châu Âu và thế giới trong suốt 10 năm bằng một phần mềm thô thiển, chẳng khác gì phần mềm ăn cắp xăng của những chủ cây xăng đểu của Việt Nam. Chỉ có điều quy mô ở đây là toàn thế giới?
Khi bắt tay làm ăn vụ này, chắc chắn lãnh đạo Volkswagen thừa biết, nếu lộ ra sẽ mất rất nhiều danh dự của ngành công nghiệp, của hãng, và có thể của cả nước Đức; sẽ mất rất nhiều tiền vì thưa kiện, phạt.
Vậy tại sao họ vẫn làm?
Có lẽ đơn giản là cũng vì tiền, vì nhiều tiền hơn.
Lại nhớ hồi xưa còn sinh viên ở Nga, đi xe buýt. Vì sinh viên nước ngoài không được mua vé tháng giảm, nên chúng tôi tính: Đi mỗi chuyến 5 xu, bị bắt thì nộp 1 rub (100 xu). Ngày bét phải đi 2 chuyến. Xác suất bị gặp soát vé khoảng một lần/tháng. Cho nên trốn vé chắc chắn là lợi hơn về mặt kinh tế. Khi bị bắt thì cứ móc 1 rub ra trả là xong. Không phải xin lỗi, xin liếc gì.
Lãnh đạo Volkswagen chắc cũng từng trốn vé xe buýt nên đã chuẩn bị sẵn phương án bị bắt. Bằng chứng là ngay khi bị cơ quan điều tra hỏi, họ nhận tội ngay. Sau đó lập tức lập quỹ dự phòng gần 7 tỷ USD để thanh toán cho các khoản kiện cáo (con số này chắc đã tính trước rồi). Các ngân hàng Đức còn lớn tiếng nhận định, Volkswagen thừa sức thoát khỏi vụ này, các cổ đông cứ yên tâm.
Chỉ có một điều khác với chúng tôi hồi xưa. Là thời đó chưa có Facebook, Twiter… nên chỉ có người soát vé và tôi biết việc lừa đảo.
Còn bây giờ, chắc Volkswagen khó thoát khỏi vụ này êm thấm. Financial Times đã đánh giá vụ này còn tệ hơn Enron rất nhiều. Hình ảnh ngành công nghiệp xe hơi Đức, hình ảnh nước Đức và châu Âu đang lớn tiếng đòi bảo vệ môi trường đã và sẽ bị hoen ố. Thật đáng tiếc!
Nguyễn Thành Nam
Ý kiến
()