Chúng ta

Lãng mạn cách mạng

Thứ hai, 17/4/2017 | 08:38 GMT+7

Chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0” đang được bàn khắp mọi nơi. Tôi thú thực là mình cũng chưa biết rằng “cách mạng 4.0” thì chúng ta phải chuẩn bị gì. Tôi chỉ nghĩ, cuộc cách mạng nào cũng thế, muốn làm phải có chút lãng mạn.

Cách đây tầm chục năm, có một bạn nhân viên còn rất trẻ, độ 24-25 tuổi, đang quản trị một dự án lớn với Mỹ, xin gặp. “Em xin phép anh được nghỉ việc”, cậu nói.

Tôi hỏi cậu có điều gì không hài lòng. Cậu trả lời mọi việc vẫn ổn, nhưng cậu muốn thực hiện giấc mơ từ thuở bé của mình. Đó là được tham gia làm vệ tinh. Thời đấy, bên Viện khoa học Việt Nam đang có dự án làm vệ tinh Pico do Nhật Bản tài trợ, cậu muốn sang bên đó.

Đó một chàng trai thật lãng mạn. Tôi cũng rất hay thích ngắm sao và đọc về vũ trụ, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ làm tham gia làm một cái gì đó như vệ tinh.

Tôi trả lời, anh ủng hộ em, nhưng hơi áy náy về cơ chế Nhà nước. Bất cứ lúc nào cậu muốn quay về, đều được công ty chào đón. 6 tháng sau, chàng trai ấy quay lại, buồn thiu: “Anh nói đúng, cơ chế Nhà nước, chẳng ai có động lực làm thật”.

Thấy bạn trẻ buồn, tôi mới hỏi, khá bâng quơ: “Thế làm cái con Pico đó hết bao nhiêu tiền?”. Tầm 60 ngàn đô. Tôi sửng sốt, chưa bao giờ nghĩ là làm vệ tinh lại rẻ thế. Bạn ấy giải thích là con này rất bé, nó chỉ kêu bíp bíp được như Sputnik đời đầu của Liên Xô thôi. Muốn nó chụp ảnh thì phải to hơn một chút, gọi là con Nano. Có thể đắt hơn, tầm 100.000 USD.

“Em làm đi, anh sẽ kêu gọi tài trợ” - tôi nói với chàng trai. Và đó là khởi đầu một dự án lãng mạn nhất mà tôi có vinh dự được tham dự.

Ngày 21/7/2012, vệ tinh F1, mang theo lá cờ Việt Nam và bao nhiêu khát vọng của tuổi trẻ, được đưa vào không gian.

Quá trình làm vệ tinh là một quá trình vất vả nhưng đầy sáng tạo, đam mê. Trong một căn phòng nhỏ trên tầng 14 tòa nhà FPT, các kỹ sư nhét vệ tinh vào lò vi sóng, rồi mang sang tủ lạnh để kiểm chứng sự thay đổi nhiệt độ, dùng búa để test sốc, hay phi xe máy lên Tam Đảo để thử kết nối radio với trạm mặt đất giả tưởng tại phố Duy Tân. Hàng chục lập trình viên trực chiến được huy động để mua đồ mang về Việt Nam.

Có khi là một chi tiết điện tử nhỏ, cũng có khi là cả một ăng ten bắt sóng vô tuyến dài hàng chục mét được gấp gọn trong va li. Hàng trăm người góp tiền, hàng ngàn người gửi lời động viên. Các nhà nghiên cứu nghiệp dư trên thế giới sẵn sàng giúp để theo dõi vệ tinh trên quỹ đạo, vì thời gian vệ tinh bay qua lãnh thổ Việt Nam chỉ tính bằng phút, nên muốn giữ liên lạc, cần phải có mạng lưới toàn cầu.

Quá trình chuẩn bị ấy rất dài và nhiều điều thú vị lẫn cam go, mà bây giờ tôi không thể kể hết ở đây.

Rất tiếc là F1 không mở được pin mặt trời, đã không thể liên lạc được về trái đất trước khi tan vào không gian bao la.

Nhưng sự chinh phục nào mà không phải chịu những mất mát? F1 mất đi, nhưng giấc mơ của chàng trai trẻ không chết. Đầu năm 2016, anh được một trường Đại học tại UAE mời sang làm Trưởng phòng nghiên cứu vũ trụ. Gọi điện cho tôi, anh đã cảm động gần như khóc: anh đã được cấp một ngân sách hàng triệu đô để tiếp tục dấn bước, đưa những giấc mơ của mình được tung bay nơi không gian xa xôi.

Muốn làm cách mạng, tôi tin người ta cần biết lãng mạn.

>> Bão 4.0 là cuộc cách mạng lớn nhất

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()