Chúng ta

Học cái gì, dạy cái gì?

Thứ ba, 10/4/2018 | 16:01 GMT+7

Giá trị sai lệch sẽ dẫn con người hay cả xã hội sai lệch.

Vẫn câu hỏi quen thuộc, vẫn không có câu trả lời rõ ràng, đơn giản là vì nó không có. Từ đứa trẻ 1 tuổi, đến cụ già 80 thì vẫn luôn có câu hỏi đó. Vậy rốt cuộc là học cái gì?

Học kiếm ăn. Rõ là thế rồi. Thở rất quan trọng nhưng con người tự nhiên biết thở. Kiếm ăn thì khác, không học là toi. Mỗi tuổi đều phải học, dù điều kiện sống thay đổi. Bé thì còn dựa vào bố mẹ. Nhưng nếu 18-20 tuổi mà không có khả năng kiếm sống ở mức trung bình thì có vấn đề. 25-27 tuổi vẫn thế thì khả năng lớn bạn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Học phòng chống rủi ro. Cuộc sống khá mong manh và rủi ro luôn rình rập: giao thông, cháy nổ, ngã, điện, người xấu... Trước hết là nhận biết. Đứa trẻ cũng phải biết điện, bếp lửa, sông hồ, phạm luật giao thông,... là nguy hiểm. Sau đó là các kỹ năng và thói quen cần thiết để đề phòng rủi ro. Tránh đặt mình vào tình thế nguy hiểm quan trọng hơn việc thoát khỏi nó như thế nào. Cuối cùng mới là kỹ năng thoát hiểm.

Học giao tiếp. Con người không thể sống đơn độc. Trong hầu hết các tình huống cần đến kỹ năng giao tiếp. Việc học ngoại ngữ cũng chỉ là một phần của quá trình này. Giao tiếp không đơn giản là nghe, nói hay truyền/nhận thông tin. Giao tiếp trước hết là hiểu. Hiểu người khác, hiểu bối cảnh, hiểu bản thân.

Học cách thiết lập giá trị. Ai cũng hướng hành động và tâm trí của mình đến những thứ đối với họ là quan trọng. Cái này khác nhau với mỗi người nhưng luôn có những giá trị chung của xã hội.

Giá trị sai lệch sẽ dẫn con người hay cả xã hội sai lệch. Ví dụ, ai cũng có lúc không trung thực, nhưng khi sự dối trá, việc nói một đằng làm một nẻo, việc bắt chẹt người khác,... là bình thường thì sẽ có một xã hội thảm hại.

Tóm lại, có mấy thứ đó là quan trọng nhất. Còn học cái gì, dạy cái gì thì tuỳ! Nói chung thôi, không tính các nhân tài và các thiên tài.

>> Chuyện trồng cái cây

Khúc Trung Kiên

Ý kiến

()