Chúng ta

Hạnh phúc khi chia sẻ

Thứ tư, 20/11/2019 | 09:32 GMT+7

Tham gia đứng lớp đào tạo với tôi vừa là đam mê vừa là niềm hạnh phúc. Thỉnh thoảng tình cờ gặp lại, các học viên vẫn gọi tôi là thầy.

Ban đầu, khi đến với FPT IS ở vị trí Giám đốc Công nghệ, bên cạnh mảng chuyên môn về công nghệ, tôi còn được đặt hàng đào tạo tổng quát về các chủ đề như Chuyển đổi số, Thành phố thông minh… Và cái duyên làm giảng viên nội bộ tại nhà Hệ thống cũng bắt đầu từ đó.

Đầu tiên, tôi nhận làm vì trách nhiệm. Nhưng trong quá trình đào tạo, thấy đồng nghiệp, thậm chí cả các lãnh đạo FPT IS đều tham gia, tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi, vì chương trình nhận được sự quan tâm của mọi người. Tôi nhớ nhất là hôm đào tạo Chuyển đổi số có PTGĐ phụ trách Tài chính anh Đỗ Sơn Giang dự từ đầu đến cuối. Sau này được biết anh còn tham khảo sách để đọc thêm.

Tham gia đào tạo một thời gian, tôi nhận thấy người nhà mình còn chưa được đào tạo về kỹ năng mềm một cách bài bản, nên tôi thuyết phục Ban điều hành và Ban đào tạo FPT IS đầu tư mua bản quyền khóa kỹ năng trình bày của hãng Simitri Group. Tôi cũng nhận “trách nhiệm” đứng lớp đào tạo này. Bằng tất cả đam mê, kinh nghiệm bản thân đúc kết được khi tham gia hơn 300 khóa học dài ngắn trước đó, tôi cố gắng đưa đến cho người FPT IS tất cả những kiến thức, kỹ năng mà mình có.

Khác với những người thầy trong trường học chính quy, theo tôi giảng viên nội bộ bên cạnh kiến thức, còn cần có nhiều kinh nghiệm, sự trải nghiệm trong chuyên môn, công việc và cuộc sống. Tiếp đến phải có niềm đam mê công việc đào tạo và các kỹ năng sư phạm cần thiết cho vai trò giảng viên. Từ trải nghiệm công việc, giảng viên nội bộ có thể chia sẻ lại, đưa đến những kiến thức mà đồng nghiệp thực sự cần, nên học viên tiếp thu dễ dàng hơn. Việc đào tạo nội bộ cũng sẽ tối ưu hơn về kinh phí và giữ được bí mật kinh doanh. Điều đó vô cùng cần thiết.

Tham gia đứng lớp đào tạo với tôi là đam mê và là niềm hạnh phúc. Thỉnh thoảng tình cờ gặp lại, các bạn học viên vẫn gọi tôi là "thầy". Dù tôi hơi chưa quen nhưng không giấu được một niềm vui nho nhỏ.

Một lần, có bạn quản lý cấp cao của FPT IS gửi cho tôi tin nhắn từ một nhân viên vừa hoàn thành khóa học. Xin phép được trích lược lại: “Đây là khoá học thực sự hữu ích cho em, các PM (quản tri dự án) và cán bộ kinh doanh, tư vấn, với rất nhiều kiến thức mới mẻ chưa từng biết đến, được tổ chức thành giáo trình bài bản và khoa học. Do vậy, bọn em tiếp thu rất dễ dàng. Anh Sơn rất tâm huyết với việc truyền đạt kiến thức cho anh em. Em thực sự cảm kích vì thành phần tham gia lớp học không hẳn tất cả là đối tượng anh ấy mong muốn truyền đạt nhưng sau 2 ngày em cảm nhận tất cả mọi người đều tiến bộ rõ rệt”. Nghe được điều này tôi vui vì nỗ lực của mình đã mang lại giá trị nào đó và càng có thêm động lực để truyền cảm hứng cho nhiều cán bộ FPT IS khác.

Nhìn vậy chứ cũng không hẳn là chỉ “đi dạy” không đâu, bản thân tôi khi đứng lớp tại FPT IS cũng đã học hỏi thêm nhiều điều, từ chính kiến thức và kinh nghiệm sống của mỗi bạn học viên. Đúng là trong việc dạy có cả việc học.

Rất nhiều người thầy của tôi là những cựu CxO trong các tập đoàn toàn cầu lớn và họ xem việc truyền đạt lại kinh nghiệm, đào tạo kỹ năng cho thế hệ sau là sứ mệnh và niềm hạnh phúc của họ. Từ khi mới hơn 30 tuổi tôi đã có suy nghĩ là sau này mình cũng sẽ làm như vậy.

Năm 2015, ngay sau khi rời Cisco, tôi đã bắt đầu nghề giảng viên đào tạo kỹ năng mềm cho Simitri và Miller Heiman cho đến khi gia nhập FPT IS vào đầu 2017. 

Thống kê lại số lớp và số giờ tôi tham gia đào tạo tại FPT IS trong 2 năm đâu đó khoảng 90 giờ với 8 lớp. Trong đó, chương trình Business Etiquette for AM, Presentation Skills trên Workplace với gần 200 thành viên đã tham gia.

Được làm điều mình theo đuổi ngay tại FPT IS là một điều thú vị. Và hạnh phúc nhất của tôi khi theo “nghề tay trái” này là được chứng kiến sự phát triển của mỗi học viên sau những khóa học do mình đứng lớp.

Phan Thanh Sơn

Ý kiến

()