Chúng ta

Giáo dục và tư duy kiểu sa mạc

Thứ ba, 15/5/2018 | 10:22 GMT+7

Tư duy kiểu hoang mạc - nên giáo dục cũng cằn cỗi như sa mạc.

Đi vào sa mạc hoang vu nơi chỉ có cát và nắng gió, lữ khách cần chuẩn bị trước đầy đủ đồ ăn, thức uống cho toàn bộ cuộc hành trình. Còn thời buổi hiện đại, như đi nước ngoài chỉ cần thẻ tín dụng và ít đồng tiền lẻ, thiếu gì mua nấy.

Theo quy định của Nhà nước, làm giáo dục đại học Việt Nam cũng như đi vào sa mạc hoang vu.

Để xác định chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến sẽ tuyển và nhập học vào tháng 9, toàn bộ cơ sở vật chất và giảng viên cơ hữu (hợp đồng 3 năm trở lên, trả lương, đóng bảo hiểm) đều phải sẵn sàng vào ngày 31/12 năm trước, dù cũng không biết là thực tế có tuyển được sinh viên như dự kiến hay không. Với ngành cũ và với chỉ tiêu không tăng còn đỡ, vì tận dụng nguồn lực dôi ra khi sinh viên tốt nghiệp. Với ngành mới, hoặc dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh, thì mất 8 tháng chạy không bóng.

Với trường như Đại học FPT, thêm một năm học tiếng Anh cho sinh viên mới - xem như là mất 20 tháng chạy không bóng, và may mà còn có các công việc bên FPT đẩy giảng viên vào làm, chứ như các trường khác thì mua đồ ôm đồ đi trong thành phố như kiểu ôm đồ đi trong sa mạc mệt nghỉ... Mà chắc gì trong 20 tháng giảng viên không bỏ việc đi mất.

Mở một ngành mới cũng vậy, phải có đủ giảng viên cơ hữu cho từng môn sẽ dạy, có sẵn ít nhất một tiến sĩ, ít nhất 10 thạc sĩ đúng ngành, đủ giảng viên cho các môn khác, kể cả các môn tới năm thứ tư sinh viên mới học.

Tư duy kiểu hoang mạc - nên giáo dục cũng cằn cỗi như sa mạc. Nên tư duy theo cơ chế văn minh, dự trữ ít thôi, còn cần thì mua theo quy định của hành lang chất lượng.

>> Học cái gì, dạy cái gì?

Lê Trường Tùng

Ý kiến

()