Chúng ta

Giá trị thương hiệu FPT

Thứ hai, 19/9/2016 | 14:28 GMT+7

Thứ Bảy tuần trước tôi được vinh dự mời tham gia lễ tri ân “Mùa thu năm ấy”, tri ân những người đã hỗ trợ ĐH FPT ra đời 10 năm trước. Ra về, bâng khuâng, thế mà đã 10 năm. Và những ký ức của 2006 lại ùa về trong tôi.

Năm 2002 FPT tiến hành cổ phần hóa. Năm 2004 nâng vốn, Nhà nước chỉ còn giữ 10%. Sau những bước đi mạnh dạn và kiên quyết như hợp nhất Bắc - Nam, thành lập các công ty theo chuyên ngành kinh doanh và quản lý ngành dọc toàn quốc, nhiều sếp mảng kinh doanh đại chúng chuyển vào sống và làm việc tại TP HCM, FPT Software đã mở thị trường tại Nhật Bản, FPT đã có những bước phát triển mạnh mẽ... Liên tiếp các sự kiện đến với FPT trong năm 2006 ấy.

Trước tiên, đầu năm 2006, giới truyền thông xôn xao việc FPT có được bản quyền truyền hình Cúp bóng đá thế giới 2006 diễn ra tại Đức. Với sự kết nối và tham mưu sáng suốt, nhanh nhạy của chị Nguyên Hạnh, FPT đã mua được bản quyền truyền hình này. Thế giới bản quyền cũng lạ, chẳng có kênh nào, đài nào mà FPT vẫn mua được cái bản quyền vốn được quan tâm bậc nhất mỗi mùa WC 4 năm một lần. Sau khi công bố đã có bản quyền trong tay, các đài truyền hình tới tấp liên hệ với FPT để xin mua lại hoặc chia sẻ. Đài báo đưa tin tới tấp, thậm chí có phần giật gân. Cuối cùng thì FPT cũng bán lại bản quyền cho VTV và HTV, nhưng thương vụ này đã đẩy thương hiệu FPT lên một tầm cao mới. Đó cũng là một sự kiện đã đưa đẩy FPT mở rộng kinh doanh ra những hướng không là cốt lõi vào năm tiếp theo.

Sự kiện mua bản quyền truyền hình đã "đưa đẩy" FPT

Sự kiện mua bản quyền truyền hình đã "đưa đẩy" FPT mở rộng kinh doanh ra những hướng không là cốt lõi vào năm tiếp theo.

Cũng năm 2006, FPT xin mở trường đại học. Đến lúc đó chưa có doanh nghiêp nào mở đại học cả nên việc xin mở này cũng gây xôn xao trong dư luận. Sự việc cũng sẽ không ồn ào nếu như không có việc FPT xin cho trường đại học của mình những quyền tự chủ, những quyền mà ở các nước khác là đương nhiên có, và ở Việt Nam ngày hôm nay thì cơ bản cũng đã có. Đó là sự tự chủ về tuyển sinh, về tài chính và về chương trình.

Ngày ấy, các nhà quản lý giáo dục còn e ngại những tự chủ này, càng e ngại hơn khi được một trường tư thục do doanh nghiệp chủ sở hữu yêu cầu. Thế là cuộc chiến giữa một bên xin (FPT và các Giáo sư cách tân như Nguyễn Văn Đạo, Hồ Ngọc Đại hay Hoàng Tụy, ..), và một bên cho (các nhà quản lý) đã diễn ra dai dẳng suốt nhiều tháng của năm 2006. Ngoài chuyện muốn đổi mới, nhân dân luôn có tâm lý bênh vực kẻ yếu, kẻ bị “áp bức”. Thế là bao nhiêu bực tức khó chịu với giáo dục đại học được dồn sang thương mến, đồng cảm và ủng hộ FPT. Thương hiệu FPT lại tăng ầm ầm vì cuộc chiến tự chủ đại học. Và ngày 8/9/2006, ĐH FPT đã chính thức ra đời. 

Thương hiệu FPT lại tăng ầm ầm vì cuộc chiến tự chủ đại học

Thương hiệu FPT đã tăng ầm ầm vì cuộc chiến tự chủ đại học.

Hiệu ứng của thương hiệu FPT lên mạnh, lại thêm tình hình kinh doanh ổn định của giai đoạn sau hợp nhất Bắc Nam, cùng với sức nóng của thị trường chứng khoán sau vài năm ra đời, sự khan hiếm hàng hóa trên thị trường này khiến cổ phiếu FPT bỗng nhiên có giá cao ngất, dù chưa lên sàn giao dịch mà chỉ là ở dạng mua bán trên thị trường tự do. 10 chấm, rồi 12 chấm, thậm chí 15 chấm. Cán bộ FPT đã bắt đầu bán ra ào ào. Các quỹ đầu tư cử người thường trực ở sảnh 89 Láng Hạ để chờ cán bộ FPT bán cổ phiếu. Có nhiều tay săn cổ phiếu mang cả mấy bao tải tiền mặt đến ngồi ở sảnh tầng 1. Biết bao nhiêu cán bộ FPT biết đến thế nào là đổi đời.

Và lãnh đạo FPT cũng đã tính đến việc lên sàn. Theo giải thuật chung, trước khi lên sàn bao giờ cũng phải mời được một vài nhà đầu tư chiến lược tham gia. Nhà đầu tư thì đúng rồi, còn chiến lược hay không thì sau 6 tháng lên sàn, chúng tôi đã hiểu chữ “chiến lược” đó thấu đáo hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam khi đó đang nóng nên việc tìm nhà đầu tư không khó. Tháng 8/2006, cuối cùng hai quỹ đầu tư TPG và quỹ Intel Capital (đều của Mỹ) đã liên danh vào thương thuyết với các cổ đông lớn của FPT. FPT đã hủy cả hợp đồng tư vấn với một ngân hàng nổi tiếng, cũng chẳng mời Big Four vào đánh giá giá trị công ty. FPT vẫn là thế, luôn có một cách đi độc đáo chẳng giống ai. 

Tháng 8/2006, cuối cùng hai quỹ đầu tư (đều của Mỹ) đã liên danh vào thương thuyết với các cổ đông lớn cùa FPT, đó là quỹ TPG và quỹ Intel Capital.

Tháng 8/2006, cuối cùng hai quỹ đầu tư (đều của Mỹ) đã liên danh vào thương thuyết với các cổ đông lớn cùa FPT, đó là quỹ TPG và quỹ Intel Capital.

Trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, có lúc tưởng chừng cuộc thương thuyết đã đổ vỡ, có lúc đã phải thay đội hình thương thuyết, 4h sáng ngày 13/10/2006 hợp đồng mua bán 10% cổ phần FPT đã được ký kết. Hai quỹ đầu tư đã mua được 10% cổ phần của FPT bằng cách phát hành thêm cổ phiếu mới. Sau này, khi hết hạn ràng buộc không được bán, họ đã bán số cổ phiếu này trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM với giá gấp 4 lần giá mua trước khi lên sàn. Họ đã có chiến lược đầu tư rất rõ ràng và khéo léo với một thương vụ đầu tư lãi lớn. Chứ họ chẳng phải là nhà đầu tư chiến lược gì.

Với tôi, tôi hiểu hơn về việc bán hàng. Bán công ty khó hơn bán hàng hóa và dịch vụ.

ĐHĐCĐ bất thường đầu tiên của FPT cho đến tận bây giờ để bàn về việc lên sàn.

ĐHĐCĐ bất thường đầu tiên của FPT cho đến tận bây giờ để bàn về việc đưa cổ phiếu FPT lên sàn.

Để kịp lên sàn trong 2006, ngày 14/10/2006 FPT tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường. Lần đầu và duy nhất đến hôm nay, đại hội được tổ chức trực tuyến ở cả Hà Nội và TP HCM để thông qua nội dung phát hành 10% cổ phần cho 2 nhà đầu tư. 

Ngày 13/12, cổ phiếu FPT chính thức được niêm yết.

Ngày 13/12, cổ phiếu FPT chính thức được niêm yết.

Hai tháng sau, ngày 13/12/2006, FPT chính thức lên sàn, bước sang một giai đoạn phát triển mới và khép lại cái năm 2006 nhiều sự kiện ấy. Và tôi cho rằng, năm 2006 ấy, thương hiệu FPT là có giá trị nhất.

Bùi Quang Ngọc

Ý kiến

()