Chúng ta

Dữ liệu - món ngon khó gắp

Thứ ba, 7/5/2019 | 18:21 GMT+7

Dữ liệu là con dao hai lưỡi, làm thế nào để thu thập, sử dụng đúng và hài hoà với vai trò con người? Món này khó chịu lắm. Người biết dùng xem là tri kỷ, kẻ mù mờ cho chẳng đáng 3 xu.

Trong khuôn khổ sự kiện DX Global Submit 2019 do FPT tổ chức tại Hạ Long vào ngày 26/4, các lãnh đạo cấp cao của các tổ chức, doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới, trao đổi học hỏi và cùng đúc kết những kinh nghiệm quý báu về công cuộc chuyển đổi số.

Nổi bật trong các câu chuyện trên là đề tài về dữ liệu. Không khó để chứng minh tầm quan trọng của dữ liệu trong việc chuyển đổi số doanh nghiệp cũng như vai trò của dữ liệu trong từng nền tảng công nghệ lõi dùng để chuyển đổi số.

1-3494-1556876390.jpg

Dữ liệu có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi số doanh nghiệp cũng như trong từng nền tảng công nghệ lõi dùng để chuyển đổi số.

Nếu dữ liệu quan trọng đến vậy, tại sao không nói đến dữ liệu nhiều như nói về chiến lược, về các công nghệ lõi, về các bài học thành công hay thất bại? Và nếu nói về dữ liệu chúng ta nói về cái gì của dữ liệu?

Trong bài nói của đại diện hãng Palantir, dữ liệu hiện lên rất thần thánh qua những bài toán tưởng chừng như vô vọng trong việc giải quyết nó bằng các thuật toán máy tính, cũng như thiếu đi bóng dáng của con người ở vai trò chủ đạo. Làm thế nào để tìm kiếm và ngăn chặn khủng bố? Chúng ta thường thấy con người là cứu tinh của tất cả những thảm hoạ. Còn máy tính xê qua một bên, đóng vai trò là trợ thủ trong phim ảnh. Cũng có một vài dạng máy móc thông minh, trí tuệ nhân tạo trong Avengers, Her, Star Trek, Star War, Black Mirror, nhưng chung lại vẫn theo mô tuýp đó. Và chưa bao giờ chúng ta biết được họ đã làm điều ấy như thế nào. Chúng ta có hình dung nhưng vẫn mơ hồ lắm.

Chuyển đổi số, nếu tìm một định nghĩa chuẩn chỉnh, thì lúc nào cũng có thể gây tranh cãi. Lĩnh vực này còn khá mới, góc nhìn còn đa chiều và phương pháp tiếp cận còn đang được tinh chỉnh từng ngày từng giờ. Nhưng nếu nói đến các thành tố chính, chuyển đổi số cũng bao gồm công cụ, con người, quy trình như bao cuộc chuyển đổi khác. Dĩ nhiên là ở một tầm cao hơn vì giờ đây công cụ - công nghệ, đã tinh vi hơn rất nhiều. Mà công nghệ là do con người tạo ra, nhóm này hay nhóm khác sẽ bị ảnh hưởng bởi hợp lực của tất cả công nghệ hiện hữu, ở mức độ cá nhân hay tổ chức.

Vậy trong câu chuyện đó, chúng ta muốn gì? Cuối cùng, mọi sự chuyển đổi là phá vỡ giới hạn. Việc tôi chưa làm được hôm nay, ngày mai, ngày kia và tương lai sẽ có thể làm được.

Những giới hạn là điều chưa thể - một dạng thức của dữ liệu, quy định những hạn chế, những điều kiện ràng buộc, những ranh giới được - không, quyền và nghĩa vụ của những ai đang trong “cuộc chơi” ấy. Nếu muốn chuyển đổi, chúng ta buộc phải hiểu tất cả dữ liệu của cảnh giới ấy, và từ đó phân huỷ và cấu trúc nó lại để cùng một gốc mà muôn hình vạn trạng.

Palantir trình bày về Ontology, về sự tích hợp các dữ liệu với nhau và đưa chuyên môn của con người vào dữ liệu, từ đó tạo nên ý nghĩa cho dữ liệu và để giúp những người khác có thể “hấp thụ” được dữ liệu đó và dùng cho công việc của họ.

Chuyển đổi số là một dạng công cụ, một dạng nền tảng giúp dung hoà những sự khác biệt, cấu trúc nó và sản sinh ra sức mạnh hợp lực.

Nhìn theo chiều kích của công nghệ thông tin thì mọi thứ trên đời đều là dữ liệu. Nhưng dạng thức của dữ liệu là khác nhau. Cũng như các nguyên liệu món ăn, muốn nấu phải có công thức (thuật toán), quá trình chuyển đổi dung nạp (nấu) và tiêu thụ để từ đó sản sinh ra dòng tuần hoàn mới.

Ngay lúc Palantir đưa ra một hình ảnh thể hiện sự kết nối của các dữ liệu đã được mã hoá, nó như một cộng đồng, một hình thù được định hình nhưng cũng bất định và năng động. Tôi cảm động quá chừng.

Trở lại với câu chuyện dữ liệu, nói dữ liệu thì quá trừu tượng và quá rộng, nhưng nếu nói chi tiết loại dữ liệu nào và một công ty thì lại quá đi vào chi tiết.

Chúng ta thích thông tin nhưng chúng ta thường thiếu dữ liệu và cơ chế hấp thụ dữ liệu cần thiết để có thể có những thông tin thích hợp cho “thuật toán” quyết định. Kinh doanh là cuộc chơi khắc nghiệt vì mỗi thời khắc, mỗi quyết định là câu chuyện sống còn. Do đó, tăng cường quyết định đúng, phù hợp với hoàn cảnh và thời gian là ước mơ cháy bỏng.

Nhưng dữ liệu là con dao hai lưỡi, làm thế nào để thu thập, sử dụng đúng và hài hoà với vai trò con người? Ai là người chưởng quản dữ liệu trong doanh nghiệp? Đến khi nào là đủ, là được, là có thể giúp quyết định tốt hơn? Nên bỏ thời gian để thu thập, chuẩn hoá rồi dùng hay sao? Nếu ít hơn cái này một tí nhiều hơn cái kia một tí thì có ổn không?

Khi có dữ liệu rồi, bạn có tinh chỉnh thuật toán của mình không? Có thay đổi thuật toán hay chỉ nấu đồ ăn thường với nguyên liệu ngon? Dữ liệu khó chịu lắm. Người biết dùng xem là tri kỷ, kẻ mù mờ cho chẳng đáng 3 xu.

Con người là một kho dữ liệu, một siêu máy tính với thuật toán rất động. Nên chả trách vì sao khi khuyên về thành tố quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, con người là biến số quan trọng, là ẩn số của tương lai. Và chính con người sẽ là thuật toán để thông qua mọi thứ, thuận duyên tuỳ biến.

Tôi nói tôi yêu dữ liệu, thật ra mình chỉ yêu vẻ đẹp của ý nghĩa tụi nó. Tôi chưa đủ yêu để tự tay mày mò, khai quật và chiêm ngưỡng tuyệt tác từ tay mình.

Hèn ghê.

Uy Vũ

Ý kiến

()