Năm 26 tuổi, tôi sinh Kiến. Nhưng tôi đã nghĩ về Kiến từ năm 24 tuổi, bắt đầu bằng việc nghĩ ra cái tên Hoài An cho em ấy, khi đó còn chưa cưới. Đó là dự án có thời gian khởi động dài nhất cuộc đời tôi, với bao dự định, ấp ủ và yêu thương gửi gắm.
Kiến ra đời, thật kỳ lạ là mang gần hết những điều tôi tưởng tượng ra và kỳ vọng về em ấy. Như hầu hết những người lần đầu làm mẹ khác, tôi khởi công dự án của mình với tất cả tình yêu, nhiệt huyết và nỗ lực. Nhưng trước hết, làm mẹ là một bản năng. Khác với quản trị dự án thông thường, kỹ năng quan trọng nhất để vận hành dự án này là khả năng ứng biến chứ không phải đáp ứng các deadline. Và kỹ năng là quan trọng, chứ không phải kiến thức chuyên môn.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, tức nuôi dạy con, tôi đều “lắng nghe” bằng mọi giác quan trước mọi biểu hiện và biểu đạt từ con mà tôi có thể cảm nhận. Cùng với cộng sự không thể thiếu là ba Kiến, chúng tôi đã vận hành dự án của mình với rất nhiều hạnh phúc nhưng cũng không thiếu nỗi buồn và nước mắt.
Mẹ chồng tôi rất hay vận dụng những thành ngữ dân gian vào những tình huống đời sống để hiểu thêm ý nghĩa, tôi rất thích điều này, và nhớ mãi mẹ đã giúp tôi hiểu vì sao lại “sinh con rồi mới sinh cha/sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông”. Có con, có cháu rồi chúng ta mới bắt đầu được làm cha mẹ, làm ông bà và cũng phải học mọi thứ để bắt đầu giống như đứa trẻ đang học vậy.
Vậy nên “lắng nghe” là điều cần thiết bắt buộc trong mọi tình huống. Tôi luôn tâm niệm một điều lớn trong việc nuôi dạy con, đó là cố gắng tối đa để: (1) mình không phải ân hận vì những lời nói quyết định đưa ra và (2) con không bao giờ phải giữ ấm ức trong lòng trước ứng xử của mình.
Kiến được 5,5 tuổi, vợ chồng tôi triển khai dự án thứ hai mang tên “Kẹo”. Tôi không bao giờ quên cảm giác xúc động vào buổi chiều đón Kiến về, tôi nói: “Mẹ có chuyện quan trọng muốn nói với con”, với nụ cười và ánh mắt hấp háy đủ cho em ấy biết đó hẳn là điều thú vị. Em hớn hở ra mặt và liên tục nhìn vào mắt tôi hồi hộp hỏi: “Chuyện gì hả mẹ?”. Tôi đặt em ấy lên giường, ngồi xuống trước mặt, hai tay đặt lên vai và nhìn vào mắt em cười nói: “Mẹ đã có em bé rồi”.
Khuôn mặt lanh lợi trắng hồng tròn trĩnh của em ấy rạng rỡ lên, đôi mắt có cái đuôi như con nòng nọc tít lại. Rồi em ấy nhảy cẫng lên, phi từ giường bố mẹ sang giường nhỏ của mình mà hét lên sung sướng và vỗ tay đen đét. Tôi nhìn em ấy hạnh phúc muốn chảy nước mắt và thầm cảm ơn em rất nhiều. Sau này, mỗi khi Kiến nổi điên vì Kẹo chọc phá, tôi lại kể lại khoảnh khắc này để em ấy nhớ mình đã từng mong đợi kẻ phá bĩnh kia đến nhường nào.
Kẹo là một dự án độc lập với dự án Kiến nhưng cùng chia sẻ một nguồn lực và có rất nhiều mối tương tác, quan hệ mật thiết giữa hai dự án này. Cùng trên một nguyên tắc hoạt động và môi trường giống nhau nhưng bao giờ cũng vậy, các dự án kiểu này sẽ cho ra những sản phẩm cực kỳ khác biệt, phụ thuộc vào hàng ngàn yếu tố khác nhau mà đôi khi quản trị viên sẽ thấy hoặc rất thú vị hoặc rất đau khổ tại sao lại khác nhau đến thế. Các gia đình có càng nhiều dự án thì đương nhiên quản trị sẽ càng phức tạp khó khăn, đó vừa là thách thức nhưng cũng là vinh quang hạnh phúc của các quản trị viên.
“Kinh doanh nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì sớm muộn cũng sẽ thất bại”. Tadashi Yanai - ông chủ của Uniqlo - hãng thời trang bình dân đang dần soán ngôi số 1 của loại hình thời trang SPA (Specialty retailer of Private label Apparel), đã dùng triết lý này trong cuộc tranh luận với cha của ông, người có quan điểm coi lợi nhuận là hàng đầu trong kinh doanh. Để rồi ngay sau đó, cha ông đã quyết định trao lại toàn bộ sản nghiệp cho con mình kế tục không một chút do dự. Dự án con cái cũng đúng y như vậy, vợ chồng tôi thống nhất quan điểm không bao giờ kỳ vọng con cái sẽ phụng dưỡng báo hiếu chăm bẵm mình khi về già.
Điều đó không có nghĩa chúng tôi không mong chờ điều đó, giống như khi bạn kinh doanh thì ắt bạn sẽ có tiền, nhưng đó là thứ bạn sẽ thu được khi thực hiện việc kinh doanh chứ không phải là mục tiêu kinh doanh. Trong dự án của đời mình, chúng tôi hướng con cái đến sự tự chủ, độc lập và chuẩn bị cho tương lai bay cao bay xa chừng nào con có thể. Ngược lại, chúng tôi sẽ không dành dụm gây dựng cơ đồ gì để dành sẵn cho con cả, chúng tôi chỉ bỏ vào ba lô hành trang cuộc đời con những công cụ cần thiết cho đến khi học xong nghề mình chọn để các con sống cuộc đời của chính mình.
Trước khi quyết định di cư ra nước ngoài, tôi suy nghĩ rất rất nhiều: “Điều này có thực sự tốt cho con hay không?”. Những cái được ai cũng dễ dàng nhìn thấy, và hiển nhiên là nó rất lớn. Nhưng những cái mất, phải ngẫm kỹ và ngẫm xa thì mới thấy càng nhiều. Văn hoá luôn là gốc rễ của sự phát triển. Các con sẽ phát triển như thế nào khi xa quê hương từ khi còn quá nhỏ, đặc biệt là Kẹo, khi những khái niệm về văn hoá quê hương đều đang vừa mới chớm hình thành. Các con sẽ sống như thế nào trong tương lai khi thiếu đi cộng đồng cùng chung tiếng nói và nguồn cội? Tuổi thơ của các con sẽ ra sao khi không có bọn trẻ láng giềng thoả chí thử nghiệm bao trò chơi con trẻ?
Hàng trăm câu hỏi cứ nối dài ra như thế. Nhưng chồng tôi thì rất vững lòng. Sau nhiều năm lang bạt với công việc phải đi lại nhiều của mình, anh tin chắc con cái mình cần hướng tới một môi trường sống như thế nào trong tương lai và tất nhiên sẽ phải trả giá để có được môi trường ấy. Tôi tin rằng những khái niệm sẽ luôn biến đổi và biến đổi ngày càng nhanh theo xu hướng phát triển của xã hội văn minh, sẽ có những khái niệm hoàn toàn mới được hình thành mà có thể bây giờ chúng ta còn thấy xa lạ. Bọn trẻ sẽ có những trải nghiệm khác biệt, tuổi thơ sẽ khác thời của chúng tôi, chắc chắn nó rộng mở hơn rất nhiều. Và rồi chúng tôi lên đường. Tôi chỉ biết mang theo thật nhiều sách truyện tiếng Việt, cả một vali đầy, và mỗi lần về lại tha tiếp như thế, những mong bù đắp phần nào cho các con qua những quyển sách viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Cùng với việc di cư này, tôi cũng chính thức kết thúc mọi dự án khác của mình để tập trung vào hai dự án Kiến và Kẹo. Nhiều người bất ngờ và tiếc nuối trước quyết định này của tôi, có người nói tôi dở hơi vì đang độc lập tự chủ thành “ăn bám”. Đó là một loại quan điểm khác, tôi chỉ đang dồn tâm sức của mình cho hai dự án dài hơi, phức tạp nhất, công phu nhất của cuộc đời tôi mà thôi. Không phải là tôi không bao giờ làm thêm dự án phụ nào khác, nhưng trong điều kiện và thời gian này, tôi sẽ dành trọn cho 2 dự án ấy. Biết bao người, cả đời lăn lộn kiếm tiền dành dụm cho con, rồi cuối đời, họ mắc kẹt trong nỗi khổ và thất bại khi dự án lớn nhất, quan trọng nhất của mình không mang lại cho họ một sản phẩm tốt đẹp và có ý nghĩa. Tất nhiên có nhiều người rất vĩ đại, họ làm được rất nhiều dự án lớn cùng nhau. Đặc biệt có những người mẹ vĩ đại, vừa hoàn thành xuất sắc dự án cuộc đời mình, vừa vươn tới vinh quang sự nghiệp như người bạn yêu quý của tôi.
Trần Việt Linh
Ý kiến
()