Chúng ta

Đếch biết gì cũng tiến

Thứ bảy, 13/1/2018 | 14:58 GMT+7

Đi đâu cũng chép cũng ghi/Không biết thì hỏi, copy tức thì.

Hồi mới thành lập FPT Software, anh Bình cứ dặn đi dặn lại quan trọng nhất chỉ có vấn đề quy trình và đào tạo đội ngũ. Chuyến đi đầu tiên sang Ấn Độ, gặp ai cũng hỏi: "Chúng mày có quy trình không?". Hùng Râu còn suy luận, quy trình thế nào cũng phải in ra, mà ít thằng đọc nên sẽ vứt vào thùng rác, nên hay lén lút ra nhặt rác đút vào cặp. Tất nhiên toàn là rác thật.

Có tối đi ăn, gặp cậu rất đẹp giai, công ty 600 người, nói về quy trình thao thao bất tuyệt. Bỗng dưng cậu ấy dừng lại hỏi độp anh Bình: "Cậu có phải đảng viên cộng sản không?:". Anh Bình hoảng sợ, ấp úng… Cậu ấy cười to: "Bố tao là chủ tịch Đảng Cộng sản bang này đấy, tao cũng học Đại học hữu nghị Matxcova (trường chuyên đào tạo con em lãnh đạo các nước cộng sản)". Anh em tiếc hùi hụi, biết thế anh Bình khai thật, biết đâu nó lại cho bửu bối “quy trình”.

Để thấy copy được cũng đâu phải dễ. Phải có cao thủ. Cỡ như Phan Phương Đạt. Thi Toán quốc tế. Tốt nghiệp tiến sĩ Toán từ nước ngoài về. Anh nhận làm công tác nhân sự và đào tạo cho FPT Software, lúc đó mới có 13 nhân viên.

Đầu năm 2000, tôi với Đạt lại đi Ấn Độ tìm “quy trình”. Lúc đó chính phủ Ấn Độ cho Việt Nam vay 5 triệu USD, chẳng biết dùng làm gì. Không hiểu anh Bình dỗ ngon ngọt thế nào chính phủ Việt Nam quyết định sử dụng vào việc mua công nghệ đào tạo nhân viên của Ấn Độ. Một công ty lớn của Ấn độ biết vậy nên lobby tích cực FPT. Tôi với Đạt lên đường đến trung tâm đào tạo của họ tại Trivandrum, thủ phủ bang Kerala.

Trung tâm nằm trên một quả đồi rất đẹp, cây cối, nhà cửa… túm lại là thơ mộng. Chúng tôi sướng mê khi thấy phòng học quy củ, thư viện, bảng tin, sân chơi... lại còn được dự giờ của một vị sếp lớn với nhân viên mới, gọi là “encounter”, đại khái là nghe lãnh đạo tẩy não. Cũng như bây giờ, Đạt lăm lăm máy ảnh, chúng tôi chụp liên tục, cả bàn học, cách lắp đèn trên trần, các mẩu giấy dán trên bảng tin để về dò lại nội dung trên đó. Tuy nhiên, hai cái quan trọng nhất curiculum đào tạo nhân viên mới và nhất là bài giảng về quy trình, vẫn chẳng biết hỏi ai. Lại có một chú Ấn Độ được cử chăm sóc (take care) nên cứ theo sát, cũng mất tự do.

Đạt đoán mò, hay mình vào thư viện hỏi mượn giáo trình giảng dạy cho bọn nhân viên mới, thế nào chẳng phải dạy quy trình. Y rằng có thật. Chúng tôi mừng húm, mỗi đứa một quyển đọc say sưa. Đạt có trí nhớ Toán học đọc đâu nhớ đấy vậy mà được một lúc, cũng đơ luôn. Đạt đưa sáng kiến, bảo hay anh ra canh cổng, để em chụp ảnh. Được 4-5 trang, một chú Ấn Độ thình lình xuất hiện. Chúng mày làm gì ở đây? Tao thấy mấy hôm nay đi đâu cũng chụp ảnh, nghĩa là thế nào?

Chúng tôi bị bắt quả tang cũng hoảng, lúng búng: "Thế chúng mày muốn xử thế nào?". Ngoan thế, tao cũng nể mà tha. Nhưng bọn mày phải viết ngay một cái mail về nhà, nói rằng trung tâm chúng tao là tuyệt vời, rất xứng đáng đồng tiền bát gạo, nghe chưa.

Tưởng gì chứ thế thì quá dễ, tôi viết ngay một cái mail cho anh Bình, kể rằng thế này, thế này, tóm lại là mình rất nên mua công nghệ này, đưa cho họ xem, duyệt rồi gửi đi. Ra phố, tôi lập tức tìm ngay một kiosk điện thoại để gọi về cho anh Bình để anh đỡ ngạc nhiên về cái mail hiển nhiên như thế, tiện thể biết luôn ở nhà đang đàm phán thuận lợi với HarveyNash. Nhẹ cả người.

Không cam chịu thất bại, chúng tôi chuyển đối tượng tìm hiểu sang các giáo viên. Đoán là giáo viên (thường là cấp lãnh đạo từ các nơi về dạy) phải ăn uống sang trọng, chúng tôi cắn răng vào ăn ở khách sạn 5 sao để rình. May quá, bắt được một chú, giám đốc trung tâm cỡ 800 người, cực mau mồm, mau miệng, hỏi gì cũng trả lời đầy đủ.

Cuối buổi, thấy chúng tôi ghi chép không kịp, chú bảo: "Thôi chúng mày qua Trung tâm của tao, tao bảo bọn đàn em trình bày cho". Thế là chúng tôi thay đổi lịch trình, qua Madras. Đúng hẹn, chú lần lượt kêu đàn em demo cho chúng tôi hệ thống quản lý nhân sự, bảo đảm chất lượng, đào tạo nhân viên, thậm chí cả kế toán. Cuối buổi chú còn copy cho chúng tôi một bản chi tiết chương trình IPMS (Integrated Project Management System), tiền thân đầu tiên của Fsoft Insight.

Chúng tôi lên đường về nước, cảm thấy đường đi nước bước đã rõ hơn nhiều. Từ cái IPMS đấy, qua tay Phan Văn Hưng rồi Phạm Minh Tuấn bắt đầu có 2 sản phẩm đầu tiên dùng được là TimeSheet và DashBoard. Đặc biệt, DashBoard có công hạ gục nhiều khách hàng đầu tiên của FPT Software chẳng khác gì những quả lựu đạn đầu tiên chống Pháp của anh hùng Ngô Gia Khảm.

Sau đó, FPT Software đã tự triển khai được CMM4 rồi CMM5, tự chế công cụ Fsoft Insight mặc dù món vay chẳng bao giờ thành sự thật.

>> ‘Tiến lên toàn cầu - Đếch biết gì cũng tiến’ cùng nhà Phần mềm

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()