Chúng ta

Chuyện tình 20 năm trước

Thứ tư, 13/12/2017 | 18:16 GMT+7

“Lý do nào khiến em rời khỏi anh Trương Gia Bình khi đang làm thư ký riêng để đi theo anh Trương Đình Anh sang lập Trung tâm FPT Internet với chỉ vỏn vẹn có 4 người?”, MC Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng FUNiX, đã hỏi tôi như vậy trong buổi Open talk “20 năm Internet FPT - Chuyện nhà Cáo”.

Tôi muốn hỏi các chị em: "Nếu bạn vừa mới ra trường được một năm, bạn có cơ hội được lựa chọn giữa anh Trương Đình Anh - một Giám đốc trẻ mới được bổ nhiệm đầy tiềm năng, thông minh, đẹp trai, chưa có cô nào vây quanh và anh Trương Gia Bình, một TGĐ đầy quyền lực, đã có gia đình và có cả tổ thư ký bên cạnh, bạn sẽ chọn ai?".

Nhìn lại quãng thời gian đã qua ở FPT, tôi thực sự cảm ơn số phận đã "xui" tôi thi tuyển vào FPT, được làm việc với những người sếp tuyệt vời. 

25319651-1555800987869353-9884-4874-1204

Chị Nguyễn Thị Huệ (ngoài cùng bên trái), là một trong 4 người đầu tiên của FPT Telecom.

Đầu tiên là 3 sếp nữ: Chị Lại Hương Huyền, sếp đầu tiên của tôi và là Chánh VP FPT trong suốt gần 30 năm. Tiếp theo là chị Trịnh Thu Hồng, Trưởng ban Nhân sự FPT, khi đó là Tổ trưởng tổ thư ký, người phụ nữ có giọng nói ngọt ngào và thuyết phục nhất tôi từng được nghe. Khi tôi chuyển qua làm truyền thông thì lại được làm cùng chị Vũ Thanh Hải, một PR woman cực kỳ “quyền lực”, tay chơi nổi tiếng có thể khiến các thế hệ đàn ông ở FPT, từ già đến trẻ, đều yêu quý và vây quanh. 

Một may mắn lớn hơn nữa là tôi được “gần gũi” với cả 3 người đàn ông họ Trương nổi tiếng: anh Trương Gia Bình, anh Trương Đình Anh và sau này là anh Trương Quý Hải. Ba người là 3 tính cách quản trị rất khác nhau. Nếu anh Bình là một thủ lĩnh vô cùng giỏi trong tập hợp lực lượng, động viên, khen thưởng và tầm nhìn xa thì anh Đình Anh lại là một tướng cực kỳ hiệu quả, mọi thứ đều quy về số một cách rõ ràng. Anh là người đầu tiên trong FPT đề xuất chính sách lương khoán, tự tay viết ra phần mềm tính lương. Nhân viên kinh doanh hay thu ngân của FOX hồi đó, chỉ cần nhập hợp đồng vào hệ thống là biết luôn lương tháng của mình.

DSC-5509-6750-1513051182.jpg

Chị Nguyễn Thị Huệ (ngồi giữa), trong buổi Open talk "20 năm Internet Việt Nam - Chuyện nhà Cáo". Chị chia sẻ về câu chuyện vui những ngày đầu của Internet FPT. Ảnh: Ngọc Thắng.

Còn với anh Trương Quý Hải, khi tôi nhận vị trí Phó ban Văn hoá - Đoàn thể thì với cương vị Trưởng ban, anh đã gọi tôi vào phòng và dặn: “Nếu em không thể khiến cho người khác nể phục thì hãy cố gắng sống sao cho mọi người thương”. Và tôi đã trở nên nền nã hơn rất nhiều khi làm cùng với anh Trương Quý Hải. Với cả 3 anh, tôi đều luôn rất nể phục và thực sự yêu quý.

Còn một người cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp của tôi, đó chính là Tổng Biên tập báo VnExpress Thang Đức Thắng. Tôi là lứa biên tập viên đầu tiên của VnExpress cùng hơn 20 bạn khác, được anh Thắng trực tiếp đào tạo. Anh đã dạy chúng tôi rất cẩn thận về cách viết tin cho báo chí, cách làm title, viết lead, cấu trúc bài báo, chọn góc khai thác vấn đề… Tôi ấn tượng nhất với những bài học về đạo đức người làm báo của anh.

Với mỗi thông tin mang tính “nhạy cảm”, anh luôn yêu cầu chúng tôi xác định thông tin đó sẽ có ích gì cho độc giả, ai là người sẽ bị chịu hậu quả khi tin này được đăng tải, họ có đáng bị đối xử như thế không? Nếu không, cần làm thế nào để họ ít bị ảnh hưởng nhất… 

Vị trí khởi điểm của tôi ở FPT là Nhân viên Đối ngoại. Nghe tên thì oai nhưng thực chất là tôi toàn lang thang ở các sứ quán để làm visa hộ chiếu, thỉnh thoảng lại đón đoàn ra đoàn vào. Niềm vui lớn nhất là được nhận quà khi các anh chị đi công tác về. Tôi không bao giờ nghĩ rằng, mình có thể được chọn vào vị trí thư ký.

Một hôm, khi tôi vừa từ sứ quán Singapore về, chị Lại Hương Huyền bảo: "Em lên phòng anh Bình, anh ấy gọi đấy". Tôi giật thót mình. Sợ, rón rén bước vào, anh đóng cửa lại rồi hỏi dồn dập đủ thứ. Chiều hôm sau tôi lại bị gọi lên tiếp. Cứ như vậy, khoảng 3-4 buổi thì anh chốt: "Giờ em được lựa chọn: hoặc làm thư ký cho anh hoặc làm thư ký cho Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB, Đại học Quốc gia, do anh là Chủ nhiệm khoa). Tôi không biết công việc cụ thể của hai vị trí thế nào, chỉ biết là mình đang ngồi trước anh nên đành lí nhí: "Dạ, em xin được làm thư ký cho anh".

DSC-5499-8399-1513051182.jpg

Hiện chị Huệ là Trưởng phòng Truyền thông; Giảng viên, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị truyền thông doanh nghiệp, Viện Quản trị Kinh doanh FPT. Ảnh: Ngọc Thắng.

Thấy tôi chưa chồng, anh đã dạy tôi các bước kén chồng. Nào là em phải ra chợ đông, chẳng hạn như các trung tâm ngoại ngữ, các CLB. Rồi phải xây dựng hệ thống tiêu chí, đặt mức ưu tiên cho từng tiêu chí. Khi đã quen được một cơ số bạn trai rồi, em hãy chấm điểm từng người theo các tiêu chí và cho hết lên trên một cái sàng, quay thật mạnh. Anh nào còn nằm sót trên mặt sàng (có tổng điểm cao) thì em hãy bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn.

Chính vì bài học này mà tôi vẫn đùa với mọi người rằng, tôi đi theo anh Đình Anh vì anh đã mang đến cho tôi một cơ hội tuyệt vời để áp dụng bài học trên của anh Bình. Mạng Trí tuệ Việt Nam lúc đó đúng là cái chợ rất đông người (10.000 thành viên), tôi có lợi thế (vì thành viên đa số là nam).

Khách của anh Bình có rất nhiều quan chức cấp cao, rất nhiều khách quốc tế tên tuổi, tôi thực sự chưa đủ tự tin để tiếp xúc thoải mái với họ. Có lần tôi bị cử đi phiên dịch cho một đoàn khách Nhật Bản trong dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), tôi lo vô cùng. Rất may đến nơi, đoàn Nhật cũng có một phiên dịch nữa nên tôi được thoải mái hơn. Sau đó, tôi lại gây ra một tội lớn, đó là quên báo hoãn lịch họp với HSB cho anh Bình khiến anh phải đi giữa trời nắng, leo bộ 5 tầng cầu thang, để rồi trở về nhễ nhại mồ hôi. Thế mà anh chỉ trách tôi đúng một câu: "HSB hôm nay không họp, sao em không báo với anh?". Tôi thực sự xẩu hổ và ân hận. Vì thế, khi được Đình Anh rủ sang làm mạng Trí Tuệ Việt Nam, tôi thấy mình như là được giải thoát và xin theo luôn.

Vị trí của tôi ở FPT Internet là Trưởng phòng Biên tập. Thời đó, tôi khá nổi tiếng với nickname HueNT@ đến nỗi có hôm đi ăn sáng còn có người chỉ trỏ: Huệ "nờ tê" đấy. Vì mạng ít nữ, Ban biên tập cũng ít người nên chúng tôi phải tạo thêm nhiều nick khác nhau và là nick nữ. Có một ngày, tự nhiên thấy hai chàng trai cao to, mặc áo phông đỏ, quần bò yếm, đầu cạo trọc, xách một lẵng hoa quả to và lọ nước hoa Chanel đến trước phòng tôi gửi quà tặng sinh nhật cho Thuý Hạnh. Cả lũ chúng tôi ngồi im không biết nói gì, chỉ có Đình Anh kịp phản ứng: "Thuý Hạnh đi vắng rồi, để tôi chuyển cho cô ấy". Và thế là tôi được dùng lọ Chanel ấy.

Khi Việt Nam kết nối với Internet, kỷ niệm với chúng tôi còn dào dạt hơn nhiều. Việt Kiều khắp nơi trên thế giới vào đọc tin của chúng tôi hằng ngày. Họ xa nhà bao nhiêu năm và đến khi đó mới đọc được những thông tin, hình ảnh về Tổ quốc mình hằng ngày. Họ đã gửi cho tôi những bức thư đầy tình cảm: "Việc đầu tiên tôi làm mỗi sáng ngủ dậy là login vào mạng Internet, vào trang của các bạn để đọc tin về Việt Nam. Cảm ơn các bạn nhiều". Rồi họ hỏi han chúng tôi đủ thứ. Thậm chí, có một bác giáo sư, sau khi hỏi chuyện cứ rủ tôi sang làm việc. Có bác còn lãng mạn, mang hoa Lavender từ Pháp về, đến tận 75 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để tặng tôi mà tôi vẫn không dám xuống nhận.

Nhắc lại những chuyện ngày xưa, tôi thấy mình thật may mắn vì được “Đời gọi em về giữa yêu thương”.

Nguyễn Thị Huệ

Ý kiến

()