Chúng ta

Cái chết của ước mơ

Thứ hai, 2/2/2015 | 15:08 GMT+7

Người ta hay tôn vinh những người sống lâu, đặt ra từng mức tuổi để mừng thọ như: tuổi vàng, tuổi ngọc… cho các cụ. Hẳn là các cụ sẽ vui mừng vì điều đó? Kể ra thì sống lâu cũng là một thành tựu đó chứ, phải không? Nhưng nhiều khi, người ta phấn đấu sống thật lâu không phải để được ghi lại thành tích, mà người ta sợ phải chết. Người ta sợ đi khỏi cõi đời sẽ không bao giờ quay trở lại được nữa, sợ lạnh lẽo quanh nấm mồ chôn, sợ xa gia đình, con cái. Tôi cũng sợ. 

Nhưng sợ là một chuyện, sợ cũng không cứu nổi mình khỏi cái chết. Ai rồi cũng chết. Đó là quy luật tự nhiên cho vạn vật. Đầu tiên, người ta sẽ thấy mái tóc đen láy chuyển dần sang màu bạc, vết chân chim mờ rồi rõ dần nơi khóe mắt theo năm tháng. Tiếp đến là những cơn đau nhức ở khớp xương, kêu lọc cọc trên từng bước đi, răng lung lay từng chiếc. Người ta chỉ muốn nằm yên một chỗ, ngắm nhìn thế giới thay vì lang thang khắp đây đó tiêu xài số tiền mình kiếm được. Đó là bước chuẩn bị cho cái chết của họ. Họ học dần cách chấp nhận nó qua từng ngày và bằng cảm nhận cơ thể. Rệu rã và già nua, mệt mỏi…

Thế nhưng đôi khi, cái chết chẳng diễn ra êm đềm như vậy. Nó đến khi người ta chẳng kịp chuẩn bị gì, thậm chí cả trong suy nghĩ. Rất nhiều người chết trong các vụ tai nạn, khủng bố hay bệnh tật… khi còn khá trẻ, để lại bao tiếc nuối cho gia đình, bè bạn. Họ có ước mơ không? Có hy vọng và ham muốn không? Tất nhiên là có. Nhưng ai sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ, hy vọng dang dở đó cho họ? Ai? Chẳng có ai. Chẳng ai sống thay cho cuộc đời ai được. Vậy đấy! Ai muốn làm gì thì đi mà làm. Người ta chẳng nhọc sức mà ra làm thay cho được, họ còn cuộc sống của họ, họ còn lo cho bản thân mình.

Có nhiều người trong số họ, kể cả trong những người đang sống, coi ước mơ là thứ chỉ để ngắm nhìn, để tưởng tượng, hay để tếu táo tán phét với nhau trong những cuộc đàn đúm. Họ không thực hiện nó, hoặc cố chôn vùi nó đi vì sợ. Họ sợ thất bại, họ sợ ước mơ của họ cao quá, sợ bất trắc phải gặp trên đường. Mà nói đúng hơn là họ sợ phải thay đổi bản thân, họ không đủ tự tin và chuẩn bị để thực hiện nó. Phải rồi, ở đó có quá nhiều thứ cần vượt qua cơ mà. Ai mà biết trước được chứ. Thôi tốt nhất là không làm, làm rồi có khi chẳng được gì lại thấy mọi thứ tồi tệ hơn thì sao, không làm thì mình vẫn sống được cơ mà. Là vậy đấy!

Bạn đừng đổ lỗi cho tạo hóa đã sinh ra mình thiệt thòi thế này hay thế khác. Hay lấy những lý do nào đó để lấp liếm, che đậy nó lại. Trừ khi bạn không có ước mơ cho chính mình, hay cái ước mơ của bạn nó thuộc diện có cũng đành, không có cũng xong. Một khi đã dám thừa nhận nó, dám hy sinh vì nó thì bạn sẽ tìm ra cách để thực hiện nó thay vì đi tìm những lý do. Mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai cả. Nhưng lựa chọn sống theo cách thế nào là quyền của bạn, là lựa chọn của bạn. Bởi đó là cuộc sống của bạn, nếu ngay cả bạn còn không có trách nhiệm với bản thân mình thì người khác sao có thể.

Căn bệnh “sợ” nó tồn tại trong mỗi người. Vấn đề ta cần làm là chiến thắng nó để kiểm soát được bản thân, đừng để nó ăn dần, ăn mòn vào suy nghĩ. Nó luôn nhen nhóm lên trong mỗi dự định, mỗi kế hoạch… Nhưng làm gì để chiến thắng nó? Vấn đề thực sự nan giải. Tôi thường nghĩ đến cái chết khi sợ hãi làm điều gì. Bởi cái chết là điều tôi sợ nhất. Trước cái chết mọi thứ đều vô nghĩa. Người ta không mặc cả được, không dàn xếp hay thương lượng được bất kỳ điều gì, người ta chỉ biết chấp nhận nó mà thôi. Tôi luôn tự hỏi mình rằng tôi muốn mình sẽ chết như thế nào? Tôi phải làm gì để được chết như thế?

Và cái chết đã chỉ cho tôi biết mình phải làm gì, phải vứt bỏ điều gì để đi đến cái đích không sợ hãi nó nữa. Khi đến với nó, tôi muốn mình được cởi bỏ hết tất cả những nuối tiếc, những ân hận còn vương vấn, chẳng giữ lại đeo đẳng mãi làm gì. Tôi sẽ mỉm cười trong quan tài nhìn mọi người, nhìn người ta khóc vì hạnh phúc cho tôi ở kiếp sống này, vì một cuộc đời trọn vẹn. Cái chết sẽ thật thê thảm khi nó mang theo tất cả những thứ nặng nề ấy. 

Cái chết gắn với ước mơ sống của mỗi người. Nó đi song hành và giám sát. Nó trả công cho ta bằng nụ cười hạnh phúc, nhưng cũng phạt ta bằng những thứ dai dẳng, dằn vặt. Bạn có đang sống không? Bạn mong muốn điều gì nhất? Bạn đang làm gì vào lúc này?...

Đỗ Văn Điệp

Ý kiến

()