Câu chuyện thứ nhất: Trong lĩnh vực giáo dục, tại một lớp thuộc bậc học trung học có kết quả học tập quá... siêu đẳng với 49 học sinh giỏi, 1 học sinh khá, không có học sinh trung bình hoặc yếu kém. Lớp này ở một trường đạt "chuẩn quốc gia" và nghe đâu chuẩn bị đón nhận "giấy chứng nhận kiểm định chất lượng".
Câu chuyện thứ hai: Trong lĩnh vực nông nghiệp, số hộ nông dân nghèo còn chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng trong báo cáo thành tích xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương thì toàn là những con số “đáng nể”. Thế mới có chuyện buồn cười là để đối phó với đoàn thanh tra của cấp trên, chính quyền xã đã bắt các hộ nghèo phải đi “mượn” trâu bò, vật dụng của những nhà khá giả để chứng minh là mình đã thoát nghèo. Cơ sở vật chất thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở nông thôn nhiều nơi cũng chỉ có ở trong… báo cáo.
Chuyện thứ ba: Trong môi trường bóng đá Việt Nam, gian lận tuổi từng như “bóng ma” ám ảnh giải đấu ở các lứa trẻ, đến mức từng có huấn luyện viên phải thốt lên: “Tốt nhất nên đổi tên giải Nhi đồng thành Thanh niên nhi đồng”.
Câu chuyện thứ tư: ...
Câu chuyện thứ năm: …
Câu chuyện thứ n-1: Trong các giải bóng đá của tập đoàn nọ, có những đơn vị “tự dưng” lại thấy xuất hiện trên sân nhiều nhân viên đã rời công ty 2-3 năm. Có đơn vị có những bạn chưa kịp là nhân viên đã đàng hoàng sở hữu một bản HĐ CTV chân chính.
Câu chuyện thứ n: Cũng không biết vì mục đích gì mà có đơn vị trong tập đoàn nọ cử hẳn một bạn được đào tạo chuyên ngành ca hát, từng thi thố giải quốc gia, đi biểu diễn kiếm tiền thường xuyên lên thi đấu tranh giải với những nhân viên lập trình, những bạn kế toán, những bạn nhân viên kinh doanh ngày đêm bươi bải vì doanh số cho tập đoàn…
Tất cả mẫu số chung của những việc này là gì? Phải chăng chỉ vì thành tích. Không có thành tích thì đơn vị buồn, không có thành tích thì lãnh đạo không vui, nhưng những thành tích “ảo” đó liệu có giúp gì cho sự phát triển của đất nước, của tỉnh thành nói chung hay của một tập đoàn nói riêng. Và với những thành tích “ảo” đó liệu rằng chúng ta có đang bị đánh lừa bởi một cuộc sống “đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần” hay không?
Buồn cười. Cười buồn...
Bùi Đăng Quỳnh
Ý kiến
()