Chúng ta

Thị trường Myanmar - khó nhưng nhiều cơ hội

Thứ tư, 29/11/2017 | 14:04 GMT+7

Myanmar đang là nền kinh tế mới nổi hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường không hề dễ dàng cho các nhà đầu tư bởi những chính sách liên quan đến thủ tục hành chính, luật pháp, chi phí đắt đỏ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế gấp 4 lần, lên 200 tỷ USD vào năm 2030. Sau hàng loạt bước đi cải cách, Myanmar cũng cùng lúc mở toang cửa đón nguồn đầu tư dồi dào trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, cùng với tài chính - ngân hàng và năng lượng, viễn thông và công nghệ thông tin (IT) được đánh giá là miền đất hứa mới cho doanh nghiệp các nước, cả về tiềm năng thị trường lẫn nguồn nhân lực.

Chính sức hấp dẫn rất lớn từ thị trường mới mở cửa này, các tập đoàn và công ty nước ngoài như Diebold, Hitachi đang đổ xô vào Myanmar để đầu tư, phát triển hạ tầng cho ngành tài chính, ngân hàng, những giải pháp về tài chính, kế toán... Không nằm ngoài cuộc chơi này, trong vòng 5 năm qua, các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ của Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, FPT, BIDV, VNPT, Viettel... cũng đã nhanh chóng hiện diện tại đây.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận và phát triển thị trường màu mỡ này. 

Myanmar-12-2323-1511930120.jpg

Chia sẻ với báo Thanh Niên, Giám đốc FPT Myanmar Đoàn Nhật Minh nhấn mạnh, Myanmar là thị trường tiềm năng nhưng có mức độ cạnh tranh cao. Do đó, FPT đã phải kiên trì bám thị trường, tôn trọng văn hóa sở tại và tăng cường hợp tác với các đối tác bản địa. FPT từng phải mất 3 năm mới ký được hợp đồng vì quá trình trao đổi, cân nhắc kéo dài và nhiều phát sinh. 

"Hơn nữa, đầu năm 2015, công ty con của FPT là FPT IS cũng trúng thầu dự án triển khai giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Tập đoàn United Paints Group (UPG) - tập đoàn sơn hàng đầu Myanmar. Việc một tập đoàn lớn như UPG đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào hệ thống quản trị sẽ là câu chuyện điển hình, khuyến khích các doanh nghiệp khác đi theo. Đây là cơ hội để FPT nói riêng và doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam nói chung mở rộng thị trường tại quốc gia này", Giám đốc FPT Myanmar cho hay.

Chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, anh Phạm Lê Hào, Phó Giám đốc FPT Myanmar, cho rằng, thị trường Myanmar có cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp y tế, giao thông thông minh, công nghệ thông tin… Mặc dù vậy, Myanmar đang trong quá trình hội nhập nên luật của họ liên tục được cập nhật, thay đổi. Do đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu luật, bởi có khi ngay cả cán bộ thi hành luật cũng không am hiểu luật của họ dẫn đến vận dụng không sát với các quy định. 

Đồng quan điểm, ông Đặng Hải Nhã, Giám đốc chi nhánh Yangon của BIDV, cho biết, tình trạng cùng một văn bản nhưng cách hiểu của cơ quan quản lý nhà nước các địa phương của Myanmar khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều luật quy định rất chung và ngắn ngủi trong vài trang, rất khó hiểu. Doanh nghiệp phải có nhiều thời gian tìm hiểu để biết cách áp dụng. 

Ông Nhã dẫn ví dụ đạo luật quy định về người có liên quan của Myanmar sử dụng từ “officer” nhưng lại không định nghĩa “officer” là gì. Trước nay, doanh nghiệp Việt thường nghĩ officer là để chỉ chuyên viên hay cán bộ, nhưng ở Myanmar thì họ quy định là giám đốc điều hành, lãnh đạo công nghệ thông tin, thành viên của ban điều hành. 

“Thực tế luật của Myanmar dùng từ tiếng Anh khá phổ biến, nhưng cần phải hiểu nội hàm của nó ra sao để vận dụng”, ông Nhã nói.

FPT chính thức mở văn phòng tại Myanmar từ tháng 7/2013 và đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm tại quốc gia Phật giáo này.

FPT chính thức mở văn phòng tại Myanmar từ tháng 7/2013 và đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm tại quốc gia Phật giáo này.

Myanmar có những quy định rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài như không được đứng tên nhập khẩu hàng vào nước này, mà phải thông qua một đại lý phân phối là doanh nghiệp bản địa. Cũng đã có một số doanh nghiệp Việt sang mở doanh nghiệp ở Myanmar nhưng do người bản địa đứng tên. Đây là cách làm mà nếu có tranh chấp thì người Việt sẽ thua thiệt.

Một số doanh nghiệp còn cho biết có những dự án đã được Chính phủ cấp phép, được đánh giá tác động môi trường... nhưng trong quá trình triển khai mà bị khiếu kiện thì cũng sẽ bị dừng. Đây cũng là một rủi ro đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài cũng phải đối mặt với chi phí đắt đỏ và nguồn lực chất lượng cao ở Myanmar. 

Bà Luận Thùy Dương, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, lưu ý, để dễ dàng nhận được giấy phép đầu tư kinh doanh ở Myanmar, doanh nghiệp Việt cần quan tâm các vấn đề lợi ích kinh tế - xã hội, công ăn việc làm cho người địa phương; cần có đối tác địa phương vì việc “tự vật lộn” sẽ rất khó khăn. Điển hình là sự hợp tác của Viettel với đối tác địa phương trong liên doanh Mytel. Để vào được thị trường Myanmar, Viettel đã cam kết hỗ trợ xã hội, đảm bảo công ăn việc làm cho người địa phương, cam kết lắp mạng cáp quang trên cả nước.

Bà Dương cũng cho rằng doanh nghiệp Việt muốn trụ được ở thị trường Myanmar, ngoài việc phải có sản phẩm được chấp nhận còn phải có chiến lược chăm sóc khách hàng. “Muốn thành công ở Myanmar, vấn đề không hẳn là doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà là cần có sự đầu tư dài hơi, có chiến lược dài hạn và cần phải kiên nhẫn với thị trường này bởi việc cấp phép, các thủ tục giấy tờ là khá chậm”, bà Dương nói.

Còn theo ông Nguyễn Bá Khoát, Phó giám đốc điều hành của Viettranimex Group, doanh nghiệp nào muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Myanmar thì nên đến Hội Hữu nghị Việt Nam - Myanmar để đuợc tư vấn. Hội có thể trả lời khoảng 90% các câu hỏi của doanh nghiệp và đưa ra những lời khuyên hữu ích. 

FPT chính thức mở văn phòng tại Myanmar từ tháng 7/2013. Trong năm 2015, FPT IS đã khởi động dự án triển khai giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Tập đoàn United Paints Group (UPG) của Myanmar. Dự án được triển khai cho trụ sở chính, nhà máy, 5 chi nhánh ở Myanmar và một công ty con tại Singapore của UPG. 

Năm 2015, FPT cũng là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông. Giấy phép có thời hạn 15 năm, cho phép FPT triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia tại Myanmar, tạo cơ sở cho việc phát triển dịch vụ Internet tại đây. 

Bên cạnh đó, FPT còn thực hiện nhiều dự án quan trọng như: Cổng thông tin quốc gia Myanmar, Hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia Myanmar, Triển khai hạ tầng mạng tại trung tâm dữ liệu Ooredoo; Hệ thống quản lý phân phối, bán hàng (DMS) cho MMI… Đặc biệt là gói thầu 11,3 triệu USD với Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar. Đây là dự án CNTT có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong khối Chính phủ Myanmar và cũng là gói thầu lớn nhất về CNTT do World Bank tài trợ cho quốc gia này. 

>> Cánh cổng kết nối Chính phủ và người dân Myanmar

Thiên Bình tổng hợp

Ý kiến

()