Vở nhạc kịch "Hòa hay không Hòa" được trình diễn tại Sum-up FPT Japan chiều ngày 26/1 tại Tokyo, Nhật Bản như một món quà dành tặng anh Trần Đăng Hòa sau khi chuyển vị trí công tác.
Chị Lê Như Anh (FPT Software) bình luận: "Xuất sắc! Vở kịch cuốn hút từ đầu tới cuối, âm nhạc tuyệt vời". Trong khi đó chị Nguyễn Thị Mỹ Chi (FPT Japan) cho hay: "Xem lại vẫn thấy hay. Vở nhạc kịch đầu tiên của FPT Japan, cả nội dung và diễn viên đều xuất sắc".
Video trích đoạn vở kịch "Hòa hay không Hòa":
Theo đạo diễn Vũ Đình Thắng, “Hoà hay không Hoà” là một vở nhạc kịch đúng nghĩa, tức các nhân vật không cần thoại như kịch truyền thống mà tất cả được chuyển tải bằng giai điệu và ngôn từ trong các ca khúc. Anh cho rằng, khi nói đến nhạc kịch mọi người hay hình dung đó là nhạc và kịch, nhưng thực tế nhạc kịch lại là âm nhạc được biến chuyển thành một vở kịch truyền tải đầy đủ những ý nghĩ của biên kịch. Với vở nhạc kịch này, biên kịch đã vô cùng khéo léo và thâm nhập được vào đời sống tinh thần của các nhân vật chính. Hơn thế nữa, vở nhạc kịch cũng “khai quật” những điều yêu thương nhỏ bé ẩn đằng sau mỗi lời tưởng chừng châm chọc, cười cợt. Đây chính là cái hay của STCo sau bao nhiêu thế hệ chắt lọc mới có được.
Một cảnh nằm ở chương 1 của "Hòa hay không Hòa". Người FPT Japan lưu luyến nguyên CEO. |
Ví dụ như: “Chẳng còn Hòa thì vẫn còn Vương/ Nên vẫn ngon nhưng lại vui như thường” là những lời hát đầy tếu táo đúng văn hóa FPT, lấy tiếng cười của khán giả.
Anh cho biết, việc lựa chọn diễn viên cho vở nhạc kịch lần này không quá khó, vì ngay kịch bản đã được biên soạn cho người FPT. Chất STCo của FPT chờ dịp được kích tự dưng sẽ xích lại gần với kịch bản. “Văn hóa FPT vẫn còn y nguyên tại FPT Japan nên công việc dàn dựng của tôi rất thuận lợi. Mặc dù có những bạn sinh năm 1998 cách rất xa với thế hệ FPT thời kỳ đầu”.
Một điểm mà đạo diễn ấn tượng nữa với dàn diễn viên cây nhà lá vườn chính là sự chân thực và chất phác. Anh cho rằng, có những điều hoành tráng nhưng thiếu sự chất phác sẽ trở nên giả, hời hợt thiếu chiều sâu. Đối với trường hợp vở kịch “Hòa hay không Hòa”, các diễn viên luôn tự nhiên sáng tạo, đôi lúc chủ động hỏi cả đạo diễn: “Em diễn thế này được chưa? Em diễn thế kia được không?”. Đánh giá cao tính tự nhiên và sáng tạo, nhưng anh Thắng cũng luôn tiết chế những ý nghĩ cầu kỳ hình thức, sa đà vào diễn mà quên đi mục đính chính là cảm xúc chân thực của vở kịch.
Do đó, trong tác phẩm này, từ vũ đạo, biểu cảm, lời nhạc cứ tự nhiên đi vào diễn viên như cách các bạn đi lại, trò chuyện, vui chơi và đến với khán giả không gượng ép, gồng mình.
Đạo diễn vở kịch Vũ Đình Thắng đang dàn dựng tiết mục. |
Để làm nên thành công của vở kịch có một phần rất lớn từ âm nhạc. Âm nhạc được sử dụng mộc mạc, giản dị và theo dòng cảm xúc của từng chương. Đôi lúc nhẹ nhàng, tự sự lúc tiễn đưa Hòa, có khi sâu lắng khi nhớ về Hòa nhưng lại hào hùng, đầy khí thế với những mục tiêu Leng keng, OKR.
“Tôi nghĩ rằng vở kịch lần này là một thành quả ghi dấu của FPT Japan với bàn tay của Tổng đạo diễn Bùi Lê Tuấn và Giám đốc sản xuất Phạm Thu Huyền. Tất cả đều chung lưng gánh vác để đem tới những giọt cảm xúc đáng quý nhất với CBNV FPT Software xa nhà”, anh Thắng trải lòng.
"Hòa hay không Hòa" là vở nhạc kịch do anh Đinh Tiến Dũng biên kịch, phần âm nhạc được sản xuất bởi anh Nguyễn Văn Toản. Tiết mục được đạo diễn bởi anh Vũ Đình Thắng và biên đạo Phạm Ngọc Toàn. Hòa hay không Hòa" kể câu chuyện chuyển giao hai đời CEO FPT Japan - Trần Đăng Hòa và Nguyễn Việt Vương, gồm 4 chương. Chương 1 - Chia tay hòa : Nội dung xoay quanh việc “Chia tay Hòa” với nền nhạc buồn, tự sự, người FPT Japan tiễn đưa Hòa về quê, gửi gắm bao nhớ thương. Chương 2 - Cuộc vui bắt đầu: Không khí vui vẻ ở FPT Japan khi Hòa đã về nước. Chương 3 - Đôi lúc cũng nhớ Hòa: Người FPT Japan nhớ về những kỷ niệm với Hòa. Chương 4 - Nhưng không sao, Hòa cứ đi: Thời kỳ mới với sự dẫn dắt của anh Nguyễn Việt Vương, người FPT Japan tràn đầy niềm tin vào những thành công phía trước. |
Xuân Phương
Ý kiến
()