Lễ ký diễn ra tại Slovakia nơi FPT có đơn vị toàn cầu hóa đầu tiên sau thương vụ M&A năm 2014. Đây là văn bản hợp tác đầu tiên giữa Đại sứ quán tại Slovakia và một đối tác doanh nghiệp, đồng thời là MoU đầu tiên giữa FPT với một cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt và Tổng Giám đốc điều hành Olaf Wilhelm Baumann cùng đại diện cán bộ Đại sứ quán và FPT Slovakia tại Lễ ký. Ảnh: FPT Slovakia. |
Phát biểu trong lễ ký, Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt nhấn mạnh sứ quán Việt Nam luôn quan tâm hỗ trợ FPT Slovakia nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đầu tư, kinh doanh tại Slovakia, góp phần nâng cao nội hàm kinh tế cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Đại sứ cho rằng, ý nghĩa quan trọng của Bản ghi nhớ là tạo khuôn khổ hợp tác dài hạn giữa Đại sứ quán và FPT Slovakia. Trên cơ sở văn bản này, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho FPT nhanh chóng tiếp cận sâu thị trường Slovakia và tăng cường gắn kết với xã hội sở tại, cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia, góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp Việt năng động, sáng tạo, làm tròn trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Trước đó, hồi tháng 6, Đại sứ Minh Nguyệt và đoàn cán bộ sứ quán đã có chuyến thăm FPT Slovakia. Trong buổi gặp, Giám đốc FPT Slovakia Olaf Baumann cùng Đại sứ đã thảo luận về sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam trong việc xúc tiến thương mại cho FPT Slovakia ở tầm các Bộ, bao gồm: Bộ Kinh tế - lĩnh vực năng lượng, Bộ Tài chính - hệ thống thuế, Bộ Ngoại giao - vấn đề chung.
Tháng 6/2014, FPT hoàn tất việc mua lại Công ty RWE IT Slovakia, thuộc tập đoàn RWE (Đức). Kể từ ngày 1/7, RWE IT Slovakia được đổi tên thành FPT Slovakia, chính thức ghi dấu bước chân của FPT trên nấc thang toàn cầu hóa.
Với thương vụ RWE IT Slovakia, FPT đã mua năng lực công nghệ khi sở hữu 300 chuyên gia. Thương vụ này cũng cho FPT một khách hàng lớn (doanh thu của RWE là 70 tỷ USD, chi tiêu cho IT hằng năm gần 1 tỷ USD) và có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực mới là Utility (hạ tầng gồm điện, nước, gas…) không chỉ tại thị trường châu Âu mà còn ở thị trường khác trên toàn cầu như Mỹ, Nhật.
Mua RWE IT Slovakia giúp FPT nâng cao một cách đáng kể năng lực tư vấn những giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP cho các công ty hạ tầng. Đồng thời, đem lại loại hợp đồng mà FPT đang vươn tới - hợp đồng cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể dài hạn (tức là cung cấp dịch vụ từ khâu tư vấn, triển khai đến bảo trì, bảo dưỡng) với khoản doanh thu kỳ vọng 80 triệu USD và đặt mục tiêu nằm trong Top 20 công ty CNTT lớn nhất châu Âu trong 5 năm tới.
FPT mua lại RWE IT Slovakia là thương vụ M&A đầu tiên của FPT nói riêng và trong lịch sử của ngành Công nghệ thông tin Việt Nam nói chung.
>> ‘Tham gia dự án M&A là bước tiến có một không hai trong đời’
Nguyên Văn
Ý kiến
()