Chúng ta

FPT Japan thành lập mới 2 trung tâm phát triển tại Nagoya

Thứ bảy, 27/10/2018 | 09:25 GMT+7

Việc mở văn phòng tại thủ phủ của Toyota thể hiện chiến lược của FPT khi làm việc với khách hàng lớn. 

Từ tháng 10, bên cạnh 10 văn phòng đại diện chính thức trải từ Bắc tới Nam trên lãnh thổ Nhật Bản, FPT Japan còn mở thêm hai văn phòng mới là Toyota-shi DC và Kariya DC, trực thuộc Trung tâm phát triển (Development Center – DC) do Văn phòng đại diện FPT Japan tại Nagoya quản lý. 

Chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện này, Trưởng đại diện FPT Japan tại Nagoya Nguyễn Quý Quỳnh cho biết: “TMC và Denso/Aisin cùng các công ty trong hệ sinh thái của họ là một trong những khách hàng chiến lược quan trọng nhất của đơn vị trong thời gian tới. Việc mở 2 trung tâm phát triển ở thành phố Toyota và Kariya như là sự đánh dấu chính thức lá cờ chủ quyền của FPT trong hệ sinh thái này sau 5 năm văn phòng Nagoya đi vào hoạt động”.

Anh Quỳnh tin tưởng, với đội ngũ cán bộ trẻ chuyên nghiệp, đầy nhiệt huyết và sáng tạo hiện nay, FPT sẽ nhanh chóng trở thành “platinum partner” (đối tác bạch kim) của TMC trong 5 năm tới, là cơ sở giúp FPT Japan tại Nagoya đuổi kịp Văn phòng FJP tại Tokyo trong tương lai.

2018-10-27-092140-4684-1540607061.png

Nhà F hiện diện tại thành phố Toyota. Ảnh chụp màn hình.

Giám đốc đơn vị FJP.NGO-D - anh Hoàng Xuân Thắng, người chịu trách nhiệm quản lý Trung tâm phát triển của FPT tại Kariya, cũng nhấn mạnh FPT có rất nhiều văn phòng tại Nhật Bản, nhưng ngoại trừ văn phòng tại Okinawa, nơi có chức năng nghiên cứu và phát triển, còn lại các văn phòng khác đều chỉ chuyên bán hàng (sales office). Tại Kariya có tới 4 ông lớn của nền công nghiệp Nhật Bản là Denso, Aisin, Toyota Industry và Mitsubishi. Hiện tại FPT là đối tác của cả 4 ông lớn này.

Ông Nakagai Kenichiro (WJP.NGO), một kỹ sư người Nhật Bản được giao trách nhiệm quản lý Trung tâm phát triển của FPT tại thành phố Toyota, cũng chia sẻ: "Việc mở văn phòng tại thành phố của Toyota thể hiện sự nghiêm túc của FPT khi làm việc với khách hàng tầm cỡ ‘cá voi’ như TMC (Tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu thế giới)". Do đó, đây là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa 2 tập đoàn. Với khoảng cách quá xa, phải mất hơn một giờ ô tô để đi từ thành phố Nagoya đến các nhà máy của khách hàng TMC, các công ty hợp tác kinh doanh với TMC đều có xu hướng thành lập văn phòng ngay tại thành phố Toyota.

Ngoài ý nghĩa đánh dấu bước ngoặt của sự phát triển giữa tập đoàn FPT và TMC, việc mở 2 văn phòng này còn là cơ sở để FPT phát triển quan hệ với khách hàng tốt hơn, mở rộng các mảng việc khác trong xu thế CASE (Connected, Autonomous, Sharing, Electric) của ngành công nghiệp này.

“Đặc thù của Nagoya là các vùng chế tạo và sản xuất (manufacturing) đều nằm rất xa văn phòng FPT Japan tại Nagoya. Có thể nói các trung tâm chế tạo nằm rải rác khắp miền Trung nước Nhật. Việc mở 2 văn phòng này là cơ sở để FPT thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với khách hàng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại khu vực Nagoya tốt hơn, theo đúng chiến lược “nắm thắt lưng khách hàng mà tiến” của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình”, Trưởng đại diện Văn phòng FPT tại Nagoya - anh Nguyễn Quý Quỳnh cho biết.

“Tôi tin rằng chúng ta sẽ không dừng ở đây mà còn mở nhiều văn phòng khác tại Okazaki, Gifu… hay các vùng lân cận”, người phụ trách thủ phủ của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản tin vào tương lai tươi sáng của FPT Japan tại Nagoya.

FPT Japan sẽ tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 13 vào ngày 13/11 tới, khẳng định vị thế công ty CNTT nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại Nhật Bản với hơn 1.200 nhân sự làm việc trực tiếp tại 9 văn phòng, chi nhánh ở khắp Nhật Bản, trải rộng từ Bắc xuống Nam: Hokkaido, Tokyo, Yokohama, Shizuoka, Nagoya, Osaka, Hiroshima, Fukuoka và Okinawa.

Bên cạnh đó, FPT có 8.000 nhân sự tại Việt Nam làm việc trong các dự án với thị trường Nhật Bản. FPT Japan kỳ vọng trong vòng 2-3 năm tới sẽ trở thành một trong 20 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Nhật Bản với doanh số từ thị trường này đạt 500 triệu USD và 3.000 nhân sự làm việc trực tiếp tại Nhật. 

>> FPT tổ chức tọa đàm giữa Thủ tướng Việt Nam và 26 tập đoàn Nhật Bản

Hoàng Sơn

Ý kiến

()