Cách đây 5 năm, YouTube đã mở chương trình đối tác (YouTube Partner Program - YPP), cho phép mọi đối tượng tham gia. Điều này đồng nghĩa, bất kỳ ai cũng có thể đăng ký dịch vụ, tải video lên trang và ngay lập tức bắt đầu kiếm tiền từ quảng cáo.
Tờ The Verge cho rằng, mô hình trên đã giúp YouTube phát triển thành nền tảng chia sẻ video lớn nhất trên mạng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời làm nảy sinh một số vấn đề. Nhiều người lập các tài khoản để đăng tải những nội dung lấy lại của những nhà sản xuất khác, ví dụ như các hãng thu âm/hãng phim lớn và đôi khi cả những chủ tài khoản video ăn khách khác trên YouTube.
Hiện mỗi ngày có 1 tỷ giờ xem Youtube. Trong thông báo hồi cuối tháng 2, Cristos Goodrow, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật của YouTube, đã thực hiện một phép quy đổi thú vị: "Nếu bạn ngồi và xem 1 tỷ giờ các video trên Youtube, bạn sẽ phải mất tới hơn 100.000 năm". Ảnh: Reuters. |
Nhằm chống lại các hành động sai trái, ngày 6/4, YouTube công bố thay đổi đối với chương trình đối tác của mình. Theo đó, từ thời điểm này, các chủ video sẽ không thể bật tính năng kiếm tiền từ quảng cáo cho đến khi họ đạt được 10.000 lượt người xem trên kênh YouTube của họ.
Trong thông cáo, YouTube cho rằng, định mức này sẽ giúp ban quản trị có cơ hội thu thập đủ thông tin về bất kỳ kênh chia sẻ video nào trên trang, nhằm xác định liệu kênh đó có hợp pháp hay không. YouTube chỉ ra, ngưỡng 10.000 lượt người xem cũng không phải là quá cao hay dễ làm nản lòng những nhà sáng tạo độc lập muốn đăng ký dịch vụ.
“Trong một vài tuần, chúng tôi cũng sẽ bổ sung quá trình xem xét dành cho những nhà sáng lập nội dung mới, những người đăng ký vào chương trình đối tác của YouTube. Sau khi nhà sáng tạo nội dung chạm mốc 10.000 lượt xem trên kênh, chúng tôi sẽ xem xét hoạt động của họ có phù hợp với các chính sách của chúng tôi không”, Ariel Bardin, Phó Chủ tịch quản lý sản phẩm của YouTube, viết trong một blog vừa công bố. “Nếu mọi thứ ổn, chúng tôi sẽ đưa kênh này vào chương trình đối tác YPP và bắt đầu phục vụ quảng cáo trên nội dung của họ. Những biện pháp mới này sẽ giúp đảm bảo doanh thu chỉ đến với những nhà sáng tạo nội dung nào chơi đúng luật”.
Theo Phó Chủ tịch quản lý sản phẩm của YouTube, ngoài việc bảo vệ bản quyền tác giả cho những nhà sản xuất video chân chính trên trang, các quy định mới sẽ giúp YouTube ngăn chặn được tình trạng các thương hiệu chi tiền marketing trên nền tảng của họ bị gắn tên tuổi với các video có nội dung độc hại.
Động thái trên xảy ra đúng vào lúc YouTube và Google đang chật vật tìm cách ngăn chặn làn sóng tẩy chay của các đối tác quảng cáo ở Anh, Mỹ và Australia.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, Google đã công bố một số điều chỉnh mới về chính sách quảng cáo, nhằm cho phép các đối tác kiểm soát tốt hơn vị trí hiển thị quảng cáo của mình trên YouTube. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, sự lạnh nhạt của nhiều nhãn hiệu toàn cầu như McDonalds, Pepsi, Starbucks, Vodafone, Johnson & Johnson, Wal-Mart, Audi, Jaguar, GSK hay AT&T ... ám chỉ, động thái này của đại gia công nghệ Mỹ là chưa đủ thuyết phục và họ cần hành động tích cực hơn nữa.
Giới quan sát vẫn đang chờ xem liệu những nỗ lực mới nhằm siết chặt chính sách quảng cáo của YouTube có tạo ra phản ứng tích cực từ các đối tác hay không.
>> Mỹ hoãn chương trình cấp nhanh visa H-1B cho lao động công nghệ
Chi Vy
Ý kiến
()