Vào ngày 13/2/2016, thông tin về vụ sát hại Kim Jong Nam (anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un) tại một sân bay Malaysia nhanh chóng được đưa tới công chúng Nhật Bản. Tuy nhiên, những dòng tin đầu tiên không được phát đi từ các tập đoàn truyền thông hàng đầu, mà thông qua một start-up nhỏ có tên JX Press Corp - công ty chuyên sử dụng công nghệ để đưa tin, Bloomberg tiết lộ.
Khởi nghiệp tin tức được thành lập bởi Katsuhiro Yoneshige ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất đại học. Theo một điều tra, thông tin về cái chết của Kim Jong Nam đã được JX Press Corp đăng tải nhanh hơn nửa giờ so với các hãng thông tấn lớn. Điều đặc biệt là start-up này không có bất kỳ nhà báo hay văn phòng đại diện quốc tế nào.
Thành công của JX Press của nhà sáng lập Yoneshige là sử dụng thông tin từ mạng xã hội và áp dụng trí thông minh nhân tạo để chọn lọc thông tin rồi viết. Ảnh: Japan Times. |
"NewsDigest đăng tin vào lúc 19h52 trong khi các đài truyền hình phải đến 20h30 mới có tin tức đầu tiên. Trong tình huống này, truyền hình dường như trở thành một kênh truyền thông chậm chạp", nhà xã hội học Noritoshi Furuichi phân tích.
Chìa khóa cho sự thành công trong cuộc chạy đua của JX Press là sự kết hợp giữa mạng xã hội và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Yoneshige và các cộng sự đã phát triển một công cụ, sử dụng công nghệ học máy để tìm kiếm thông tin mới nhất thông qua các bài viết được đăng tải trên các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram của những tài khoản có uy tín, đáng tin cậy. Sau đó, ứng dụng phân tích từ nội dung đến biểu tượng cảm xúc, dấu chấm, phẩy, các bức ảnh... để tìm ra tin tức nóng nhất, vừa đăng tải hoặc đang xảy ra ở các nơi trên đất Nhật và toàn thế giới.
Sau đó, nền tảng này sử dụng thuật toán, tự động xử lý dữ liệu thành tin đăng báo. Về cơ bản, bộ phận làm ra tin bài là các kỹ sư máy tính. Fast Alert còn có khả năng so sánh, đối chiếu thông tin, từ đó tìm nội dung tin cậy và chuyển thành các bản tin.
Theo nhà sáng lập Yoneshige, công nghệ này lọc ra tin tức giả đúng tới 99%. Ví dụ điển hình nhất là ngay sau trận động đất xảy ra ở Kumamoto phía Tây Nam Nhật Bản vào tháng 4/2016, một bức ảnh được lưu truyền trên mạng xã hội về một con sư tử xổng chuồng từ vườn thú địa phương đang chạy vào thành phố. Tuy nhiên, Fast Alert đã nhận ra nguồn gốc thực sự của bức ảnh là từ Nam Phi.
Hiện nay, doanh thu mà JX Press nhận được từ NewsDigest gấp đôi doanh thu từ Fast Alert dưới dạng quảng cáo. NewsDigest xếp thứ 8 trong số các ứng dụng được tải về nhiều nhất tại Nhật Bản trên App Store. Doanh thu từ hai mảng dịch vụ này đã tăng trưởng 613% so với năm trước đó.
Yoneshige, hiện 29 tuổi, nhận ra vấn đề của truyền thông Nhật Bản khi viết tin bài cho website của một hãng hàng không từ thời trung học. Theo nhà sáng lập của JX Press Corp, các hãng tin tức thường sở hữu một đội ngũ nhân viên cồng kềnh và không kiếm được đủ lợi nhuận.
Trụ sở của JX Press tại Tokyo có 24 nhân viên với độ tuổi trung bình là 29. Hai phần ba trong số đó là các kỹ sư. Công ty có hai sản phẩm chính là dịch vụ đăng ký nhận tin nóng Fast Alert và ứng dụng tin tức trên điện thoại di động miễn phí có tên gọi NewsDigest.
Cách đây gần 2 năm, các nhà khoa học Trung Quốc cùng khiến giới truyền thông rúng động khi công bố họ đã sáng tạo ra một loại robot tên là Xiao Nan, có thể viết được một bài báo với 300 chữ chỉ trong 1 giây. Chú robot đã viết bài báo đầu tiên với nội dung về dòng người về quê ăn Tết âm lịch tại Trung Quốc. Bài báo sau đó đã được đăng tải trên tờ Southern Metropolis Daily.
Tờ Medium hình dung viễn cảnh các tòa soạn trống trơn bóng người khi ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo vào nghiệp vụ báo chí. |
Theo các nhà khoa học, robot này có khả năng phân tích dữ liệu và chuyển chúng thành tác phẩm báo chí nhanh hơn phóng viên, ngoài ra nó còn có thể viết truyện ngắn hay các bài báo dài hơn. Tuy nhiên, robot này mới chỉ dừng ở việc phân tích dữ liệu và chuyển nó thành nội dung bài báo chứ chưa có khả năng phỏng vấn trực tiếp và một số kỹ năng báo chí khác.
SethC Lewis, Chủ tịch khoa Truyền thông của Đại học Oregon (Mỹ), cho hay, hiện tại lĩnh vực tài chính và thể thao là hai mảng tiềm năng nhất đối với báo chí tự động bởi đằng sau nó là nhiều dữ liệu, cần phải được phân tích, đánh giá và dự đoán dễ dàng hơn. “Đây là hai lĩnh vực mà đằng sau các con số là cả một câu chuyện. Việc sử dụng những phóng viên robot hoàn toàn khả thi. Người đọc thậm chí sẽ không thể phân biệt được đâu là bài báo do robot tạo ra và đâu là bài mà con người viết ra”, SethC Lewis nhận định.
JX Press nhận được đầu tư tài chính từ rất nhiều công ty lớn như Nikkei, Mitsubishi… Nhiều hãng thông tấn lớn nhất Nhật Bản như NHK, TV Asahi và Fuji Telivision cũng đăng ký sử dụng dịch vụ cung cấp tin nóng của hãng.
Phó Tổng biên tập đài Asahi - ông Koichiro Nishi nhận định Fast Alert đã trở thành một công cụ không thể thiếu kể từ khi phòng tin của hãng bắt đầu sử dụng dịch vụ này vào tháng 11/2016. Nó cho phép các nhà báo phát hiện tin tức nóng trước cả cảnh sát hay lính cứu hỏa, thay vì phải đợi để nghe tin tức từ các cơ quan này như trước. "Về cơ bản, nó giống như một thế giới với 100 triệu máy quay phim", Nishi ví von.
Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo và robot đang dần lấy đi vô số công ăn việc làm của con người, trong đó có cả những công việc tưởng chừng như khó có robot nào có thể đảm nhiệm được như nghề báo, tờ Econimic Times viết.
>> FPT Software mang công nghệ ‘hot’ nhất đến cộng đồng
Chi Vy
Ý kiến
()