Theo cuốn sách "Cách 50 doanh nghiệp lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo và học máy" của Bernard Marr - tác giả kinh doanh bán chạy nhất thế giới, diễn giả và cố vấn chiến lược về chuyển đổi số và hiệu quả kinh doanh, Starbucks đã mở khoảng 30.000 cửa hàng trên toàn thế giới và phục vụ khoảng 4 tỉ ly cà phê mỗi năm.
Với nhiều cửa hàng cung cấp nhiều loại sản phẩm ở nhiều nơi trên thế giới, cần phải tính toán rất chính xác để đảm bảo hàng ngàn cửa hàng dự trữ đầy đủ và sẵn sàng phục vụ khách hàng. Một tính toán sai lầm nhỏ có thể tạo ra bội chi lớn cho hậu cần như vận chuyển và lưu trữ.
Starbucks bán hàng triệu ly cà phê mỗi ngày. Ảnh: PYMNTS. |
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Starbucks thu thập dữ liệu về hành vi của khách hàng với sự cho phép của họ thông qua các chương trình khách hàng thân thiết và ứng dụng trên điện thoại di động. Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng điện thoại để trả tiền trước cho đồ ăn và thức uống trước khi lấy đồ tại quầy. Tính đến năm 2017, hơn 17 triệu người đã sử dụng tiện ích này.
Thông tin thu thập có mối tương quan với các dữ liệu nội bộ và bên ngoài khác, bao gồm dữ liệu khí tượng, dữ liệu địa phương và dữ liệu công ty, như mức tồn kho, để giúp Starbucks hiểu được những gì đang tác động đến doanh số. Từ đó, họ có thể đưa ra các chương trình khuyến mãi cá nhân hóa. Hãng đề xuất cho từng người dùng các chương trình khuyễn mãi khác nhau, dựa vào sự quan tâm của từng khách hàng tới những sản phẩm nhất định.
Hệ thống hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) mà hãng sử dụng để thực hiện tất cả điều này được gọi là “Chương trình Bánh đà kỹ thuật số” (Digital Flywheel Program). Nó có thể tính toán mọi yếu tố từ vị trí, thời điểm trong ngày, tới thời tiết, để dự đoán sản phẩm khách hàng sẽ đặt khi đi vào cửa hoặc khi tải ứng dụng trên điện thoại của họ.
Starbucks còn hợp tác với Alibaba để sử dụng dịch vụ giao thức ăn được xây dựng dựa trên công nghệ thông minh. Năm 2017, Ele.me - công ty thuộc Alibaba - đã giới thiệu robot tự động giao hàng thực phẩm sử dụng máy học để điều hướng khi phân phối đồ uống và đồ ăn, được thiết kế để hoạt động tự chủ trong các tòa văn phòng lớn. Có lẽ không còn lâu nữa chúng ta có thể có cà phê được giao đến tận bàn của mình bằng robot.
Starbucks cũng ứng dụng các trợ lý ảo, sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên để hiểu cách nói chuyện của con người. Nó được đào tạo đặc biệt để hiểu được các ngôn ngữ phức tạp và hiện đại mà người ta sử dụng khi gọi đồ uống tại các chuỗi cà phê.
Thông qua việc hiểu rõ hơn về thói quen của khách hàng, Starbucks có thể xây dựng lòng trung thành thương hiệu bằng cách cung cấp đúng sản phẩm vào đúng thời điểm và đề xuất các khuyến mãi được cá nhân hóa. Họ còn có thể điều chỉnh phạm vi sản phẩm và chiến lược tiếp thị theo từng thị trường riêng lẻ, sử dụng các bộ dữ liệu địa phương có thể liên quan.
>> CTO FPT: 'Đổi mới sáng tạo công nghệ đem lại giá trị cạnh tranh lớn'
Hà An
Ý kiến
()