Chúng ta

'Sở thích' dùng phần mềm 'lậu': Lợi bất cập hại!

Thứ hai, 2/10/2023 | 13:30 GMT+7

Chi phí thấp, giá thành rẻ hay dễ dàng “lách luật” trong các quy định sử dụng là một trong những “miếng mồi” hấp dẫn khiến người dùng gắn bó với các phần mềm “lậu”. Theo thống kê của BSA (Business Software Alliance), năm 2018, tỷ lệ sử dụng phần mềm không có giấy phép ở Việt Nam là 75% và có xu hướng cải thiện chậm hoặc rất chậm.

Thói quen khó bỏ hay trở ngại về chi phí cao?

Hơn 2 năm gần đây, làn sóng chuyển đổi số cùng xu hướng phủ “xanh” số hóa trên diện rộng đang trở thành hướng đi mới, buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình để thích ứng và thay đổi. Công nghệ được thực tế hóa gắn liền với nhu cầu chung, giờ đây, người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) hoặc một thiết bị kết nối mạng (internet) là có thể thỏa mãn sở thích khám phá thế giới ảo. Đối mặt với mọi tiện ích tối đa do 4.0 mang lại, người dùng cũng rất có thể dễ dàng bị rò rỉ thông tin cá nhân.

Để hạn chế, người dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi tiếp cận và sử dụng. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa và tiến tới tuyệt đối (nếu có thể) hãy sử dụng các phần mềm bản quyền (được mua) và không truy cập các đường dẫn “nguy hiểm”. Theo anh Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc CNTT Tập đoàn FPT: “Lách luật sử dụng phần mềm lậu để tiết kiệm chi phí là một hành động liều lĩnh, tiềm ẩn rủi ro cao”. Anh Việt cho biết thêm, mặc dù các doanh nghiệp đã có động thái tích cực trong việc khuyến cáo nhân viên không dùng phần mềm “chùa” song song với việc số hóa diện rộng bằng cách tối ưu chi phí trong việc đầu tư mua bản quyền các phần mềm/ứng dụng/hệ thống nhưng tỉ lệ dùng hàng chính hãng vẫn rất thấp.

-7036-1696228175.png

Anh Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc CNTT tập đoàn FPT: “Lách luật sử dụng phần mềm lậu để tiết kiệm chi phí là một hành động liều lĩnh, tiềm ẩn rủi ro cao”

Đối diện với nguy cơ mất dữ liệu, hầu hết người dùng vẫn ưa thích thói quen dùng bản “crack” (đã bẻ khóa) hơn cả. Chúng ta sẵn sàng bỏ qua những phần mềm có mã nguồn mở, được gắn tem chính hãng, thay vào đó ưa thích với mục hàng “rẻ - tiện” này tràn lan trên internet. Từ phần mềm diệt virus đến chỉnh sửa ảnh, dựng video đã crack luôn là “miếng bánh” hấp dẫn. Mỗi thao tác truy cập đường dẫn, tải về và cài đặt, chúng ta đang tự biến thông tin cá nhân dễ dàng bị “lột trần” trước những “kẻ săn mồi” chuyên nghiệp. 

Phát tán các phần mềm bẻ khoá có gắn mã độc để lấy cắp thông tin người dùng, có sẵn trong tay nội dung về khách hàng, liệu những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đang ẩn núp sau chiếc bàn phím ở một nơi nào đó sẽ làm gì? Nhẹ thì mời chào mua hàng, tham gia hội nhóm đa cấp. Nặng hơn là những cuộc gọi làm phiền hoặc giả dạng cơ quan tư pháp để lừa đảo tài chính. 

Nói không với phần mềm bẻ khóa

“Bitdefender total security miễn phí”, “Key 12 tháng Antidetect” hay “Full bộ Adobe Photoshop version xxx” là một trong những nội dung tràn lan trên các công cụ tìm kiếm. Và, nếu đã từng truy cập một trong số các phần mềm có đường dẫn trên, thông tin cá nhân của bạn rất có thể đã được gửi tới hacker và thậm chí đang được… “rao bán”. Không lâu trước đây một loạt các ngân hàng, chứng khoán xảy ra sự cố “thất thoát” thông tin khách hàng. Hệ quả, kẻ lừa đảo đã dùng phần mềm bẻ khóa tự động để lưu tài khoản khách hàng trong trình duyệt trên máy tính cá nhân. Nhìn ở góc độ thực tế, sai lầm sử dụng phần mềm không bản quyền từ một cá nhân dẫn đến thiệt hại mang tính quy mô nhỏ thì sự bất cẩn ở quy mô doanh nghiệp đem đến những “niềm đau” khác nhau. Thiệt hại về vật chất là một kịch bản trong tương lai nếu tổ chức đó tiếp tục sử dụng phương pháp tiết kiệm kiểu này.

“Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số, FPT đã sớm thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng phần mềm bản quyền. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã có những nỗ lực lớn trong việc thúc đẩy thay đổi nhận thức chung về việc sử dụng phần mềm theo hướng hợp pháp và chính hãng. Đặc biệt, chúng ta nên chủ động trong việc tìm kiếm và gắn bó với các sản phẩm mang thương hiệu Việt với giá thành hợp lý", Giám đốc CNTT Tập đoàn FPT kết luận.

Thu Hiền

Ý kiến

()