Chúng ta

SMAC Challenge là cơ hội đem kiến thức đã học vào thực tiễn

Thứ hai, 17/8/2015 | 18:47 GMT+7

Nguyễn Hoàng Long, đội trưởng đội FU-Agile vô địch SMAC Challenge 2014, cho hay, cuộc thi viết ứng dụng của FPT hấp dẫn ở sự mới mẻ, hiện đại và thực tiễn.

Tháng 11/2014, trận chung kết cuộc thi viết ứng dụng trên thiết bị Android điều khiển robot đã diễn ra gay cấn với những bất ngờ đến phút cuối giữa bốn đội thi đến từ Đại học FPT, Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự và Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuối cùng. FU-Agile của Đại học FPT giành ngôi vô địch mùa thứ hai SMAC Challenge (chức vô địch năm đầu thuộc về Học viện Bưu chính Viễn thông).

Hiện nay, giới trẻ không khó để đăng ký và tham gia các cuộc thi viết ứng dụng di động. Trong số này, SMAC Challenge nổi bật chính bởi yếu tố công bằng và thu hút đến phút chót. Ở đa số cuộc thi khác, Ban giám khảo sẽ trực tiếp lựa chọn những ứng dụng họ đánh giá là tốt nhất để trao giải. Còn với SMAC Challenge, các đội thi sẽ được đào tạo trực tuyến, trình diễn sản phẩm, dựng video clip và thi đối kháng để giành chiến thắng.

robot-4399-1439799516-8257-1439800877.jp

Các đội tham gia SMAC Challenge sẽ phải lập trình và điều khiển robot thi đấu đối kháng với đội bạn.

"Lý do đầu tiên thúc đẩy em và cả nhóm tham gia SMAC Challenge chính là yếu tố về công nghệ. Em vốn yêu thích công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới và hiện đại, nên khi nghe về lập trình phần mềm cho robot là em rất thích. Khi đó, em đã biết một chút về lập trình Android nên cũng tin đây chính là cơ hội để đưa những gì mình đã học vào thực tiễn", Nguyễn Hoàng Long, đội trưởng đội FU-Agile - vô địch SMAC Challenge 2014, chia sẻ. "Bên cạnh đó, em chưa từng tham gia một cuộc thi nào liên quan đến công nghệ, mà người ta vẫn nói sinh viên đang ở trong độ tuổi đẹp nhất để khám phá, trải nghiệm điều mới, nên em quyết định: Hãy thử tham gia một cuộc thi nào đó xem sao".

FU-Agile đăng ký dự thi với giải pháp bán vé tàu thông minh. Thời điểm đó, một số thành viên trong nhóm thường xuyên đi về quê bằng tàu nhưng việc mua vé tàu Tết vẫn luôn là một trở ngại rất lớn cho mọi người. Cùng lúc đó, FPT bắt đầu ký hợp đồng với nhà ga Hà Nội để triển khai hệ thống bán vé online. Do đó, cả đội nghĩ rằng nếu làm tốt, việc bán vé có thể được thực hiện tự động thông qua giọng nói, gợi ý cho mọi người nên đi tàu nào, chọn loại chỗ nào phù hợp nhất với chuyến đi.

"SMAC Challenge là sân chơi tuyệt vời cho các bạn trẻ yêu công nghệ, muốn sáng tạo, muốn cải thiện cuộc sống của con người và xã hội. Sau một năm, cuộc thi đem lại cho cả nhóm nhiều cơ hội. Đầu tiên là cơ hội làm việc tại ban công nghệ FPT. Một bạn trong đội FU-Agile đã thực tập ở đó kỳ vừa qua", Long cho biết. "Em cũng gặt hái được nhiều về công nghệ và kỹ thuât, khả năng sử dụng các công cụ hỗ trợ làm sản phẩm tăng lên đáng kể, cảm thấy tự tin hơn để làm được cả hệ thống web và mobile vừa và nhỏ".

Long-1-5103-1439800877.jpg

Nguyễn Hoàng Long, đội trưởng đội FU-Agile.

Theo đội trưởng FU-Agile, cuộc thi không chỉ hay ở phần kỹ thuật, mà còn buộc thí sinh phải thoát ra khỏi "vùng thoải mái" của bản thân  nhiều lần, rèn thêm các kỹ năng mềm như: nói trước đám đông, thuyết trình, làm video clip quảng cáo cho sản phẩm - vốn là những kỹ năng rất lớn sau khi ra trường và cả cho việc khởi nghiệp, nhưng lại thường thiếu sót nhất ở những người học ngành kỹ thuật.

"Với các thí sinh tham gia SMAC Challenge 2015, các bạn hãy luôn cháy hết mình khi còn có thể. Thời gian sinh viên là thời gian tuyệt vời nhất để chúng ta thi đấu trải nghiệm. Về kỹ thuật: các bạn hãy tạo những sản phẩm ổn định nhất có thể và càng sát đến giờ thi đấu thì hãy càng ít sửa đổi càng tốt", nhà vô địch SMAC Challenge 2014 chia sẻ kinh nghiệm.

Đây là năm thứ ba Tập đoàn FPT tổ chức thi viết ứng dụng di động SMAC Challenge. Với chủ đề Số hóa giọng nói, SMAC Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu VND (bao gồm tiền mặt và nhiều giải thưởng bằng hiện vật). Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cho các thí sinh nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới cũng như được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư.

Để dự thi, các bạn trẻ cần có kỹ năng lập trình cho di động và dịch vụ web. Mỗi đội thi cần có từ 3- 5 thành viên. Đặc biệt, SMAC Challenge 2015 cho phép thí sinh lập trình trên mọi nền tảng công nghệ. Mỗi đội sẽ được cung cấp một tài khoản Cloud từ ban tổ chức để viết các ứng dụng của mình. Từ nay đến hết ngày 31/8/2015, những người yêu thích công nghệ từ 18-30 tuổi trên toàn quốc có thể gửi đăng ký và gửi bản mô tả ý tưởng tại smac.fpt.com.vn.

>> Người FPT khốn khổ khi bị hack và đổi tên Facebook

Theo VnExpress

Ý kiến

()