Chúng ta

Sinh viên nhà F làm website hỗ trợ cứu nạn tại vùng lũ

Thứ năm, 13/5/2021 | 11:01 GMT+7

Nhận thấy các đoàn tình nguyện gặp nhiều khó khăn trong xác định vị trí cứu hộ tại những khu vực thiên tai, nhóm sinh viên thuộc Đại học FPT Hà Nội đã phát triển một ứng dụng thông minh góp phần giải quyết vấn đề này.

Năm 2020, miền Trung đã phải gồng mình chiến đấu với những trận mưa bão liên tiếp, hứng chịu vô vàn những thiệt hại về người và của. Chứng kiến những gian nan vất vả của người dân nơi đây, nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn cả nước đã không quản ngại khó khăn, quyên góp tiền và nhu yếu phẩm, tới tận nơi và trao tận tay cho những người cần giúp đỡ.

Tuy nhiên, trong quá trình cứu trợ, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu sót khi chia quà cho nhiều hộ dân do thông tin không đầy đủ hoặc thiếu chính xác về địa điểm. Ngoài ra, việc tổ chức đi trao quà tự phát cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn như lạc đường, bị thương... trong quá trình di chuyển.

Picture2-6191-1620785791.jpg

Ứng dụng web cứu hộ người dân vùng thiên tai là đồ án tốt nghiệp của nhóm sinh viên Trường Đại học FPT Hà Nội.

Nhóm 5 sinh viên Đại học FPT Hà Nội gồm: Nguyễn Ngọc Hiển, Nguyễn Tuấn Anh, Đinh Thế Hiệp, Nguyễn Tiến Thành, Trần Đức Nam đã quyết định nghiên cứu và phát triển đồ án mang tên "Ứng dụng hỗ trợ cứu nạn người dân vùng thiên tai". Mong muốn sử dụng công nghệ để khắc phục những vấn đề nêu trên, ứng dụng của sinh viên nhà F mang đến  nhiều tính năng thiết thực và tiện lợi.

Ứng dụng hiện đang được xây dựng trên nền tảng website, hướng đến 3 nhóm đối tượng sử dụng chính, đó là: Staff - nhóm quản lý thông tin thuộc đơn vị chủ quản ứng dụng, Rescuer - nhóm cứu trợ và Guest - người cần cứu trợ. Các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng tham gia cứu nạn người dân vùng thiên tai chỉ cần đăng ký tài khoản Rescuer trên hệ thống và Staff sẽ có trách nhiệm kiểm tra thông tin xem cá nhân, tổ chức đó có phù hợp với công việc hay không.

Picture3-4647-1620785791.jpg

Ứng dụng web tích hợp bản đồ thông minh, giúp các đoàn tình nguyện dễ dàng xác định vị trí.

Về phía Guest, họ có thể gửi yêu cầu hỗ trợ tới hệ thống thông qua mẫu có sẵn trên website, hoặc gọi điện, nhắn tin thông qua số hotline. Ngay sau đó, thông tin của họ sẽ được cập nhật trên bản đồ và các đoàn cứu trợ có thể nhìn thấy những yêu cầu chi tiết của người dân. Khi một cá nhân/tổ chức đã chọn vị trí cứu hộ thì những cá nhân, tổ chức khác không thể cùng chọn, điều này đảm bảo công tác cứu hộ được triển khai trên diện rộng và phân bổ hợp lý.

“Ngay trên bản đồ của website, người dân cũng có thể theo dõi vị trí phát tín hiệu cứu hộ của mình đã được ghi nhận chưa. Bản đồ còn tích hợp tính năng chỉ đường, hướng dẫn phương tiện và phương thức di chuyển phù hợp để công tác cứu hộ được diễn ra thuận lợi và an toàn nhất" - sinh viên Ngọc Hiển cho biết.

Điểm đặc biệt của ứng dụng so với những sản phẩm đã có mặt trên thị trường đó là cung cấp bản đồ định vị và tính năng quản lý nhóm, quản lý kho hàng (nếu có) cho các đoàn cứu trợ. Cụ thể, hệ thống sẽ cung cấp cho các cá nhân, tổ chức tình nguyện một trang để quản lý thông tin thành viên, thảo luận nhóm cũng như kiểm kê kho hàng hóa cứu trợ. Việc quản lý thông tin số thay vì làm theo phương pháp thủ công sẽ giúp đoàn tiết kiệm được tối đa công sức, thời gian.

Picture4-1504-1620785791.jpg

Sinh viên Đức Nam thuyết trình về ứng dụng trong buổi bảo vệ đồ án.

Hơn 4 tháng ăn, ngủ cùng đồ án, nhóm sinh viên nhà F không chỉ tìm tòi, sáng tạo về công nghệ mà còn đi thực tế, trực tiếp liên hệ với những đoàn cứu trợ, tình nguyện tự phát. Qua đó, nhóm khảo sát những vấn đề gặp phải cũng như những kỳ vọng về tính năng cho một ứng dụng hỗ trợ cứu nạn thiên tai. Hiện tại, nhóm vẫn đang nghiên cứu phát triển thêm một số tính năng mới cho website như: mở rộng đối tượng cần hỗ trợ tới người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. "Cả nhóm hy vọng ứng dụng sẽ nhận được đầu tư để có thể hoàn thiện và sớm được ứng dụng thực tế trong tương lai để góp phần giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn” - nhóm nam sinh chia sẻ.

Trước đó, từ 4 đến 7/5, sinh viên Đại học FPT Hà Nội đã tham gia kỳ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp học kỳ Spring 2021 tại campus Hòa Lạc. Đợt bảo vệ có sự góp mặt của gần 300 sinh viên với 74 đề tài khóa luận thuộc 8 ngành/chuyên ngành. Các đề tài hướng tới đa dạng các lĩnh vực trong đời sống như y tế, giáo dục, đặt chỗ, tìm kiếm - quản lý thông tin, kết nối. Đặc biệt, nhiều đề tài hướng tới giải quyết các vấn đề cấp thiết trong xã hội như an toàn giao thông, hỗ trợ cứu nạn,…

Hà Nhung

Ảnh: ĐVCC

Ý kiến

()