Hiện nay, nhiều xe hơi đã được trang bị máy ảnh và cảm biến để ghi lại thế giới bên ngoài và kích hoạt các hành vi thông minh, ví dụ phanh hoặc đánh lái tự động để tránh chướng ngại vật. Tuy nhiên, các hệ thống này chưa có khả năng phân biệt đối tượng khác nhau trên đường như thùng rác hay khách bộ hành.
Việc Nvidia giới thiệu sản phẩm này ra thị trường đánh dấu mốc quan trọng của học sâu, một công nghệ hiệu quả để xử lý các thông tin cảm biến. Ảnh: MIT Technology Review. |
Tại Triển lãm Quốc tế về Điện tử tiêu dùng (International Consumer Electronics Show-CES) ở Las Vegas, Mỹ, Nvidia - hãng công nghệ vi xử lý đồ họa máy tính hàng đầu thế giới - đã giới thiệu một máy tính mang tên Drive PX có khả năng giúp xe hơi hiểu và tương tác được với thế giới xung quanh.
Thực ra, Nvidia đã cung cấp các vi xử lý cho nhiều hãng chế tạo xe hơi, nhưng kỹ sư của các hãng này thường phải viết phần mềm để thu thập và xử lý dữ liệu từ nhiều hệ thống cảm ứng khác nhau. Drive PX mạnh hơn các thiết bị phần cứng đã có và nhờ nó, việc tích hợp và xử lý dữ liệu cảm ứng sẽ dễ dàng hơn.
Bộ vi xử lý đồ họa mới của Nvidia có tên là Tegra X1. Nó có khả năng xử lý thông tin tới từ 12 máy ảnh một cách đồng thời và còn được tích hợp phần mềm trợ giúp các hệ thống lái tự động. Ấn tượng nhất là bộ xử lý này còn bao gồm một hệ thống phần mềm được huấn luyện để nhận dạng các vật thể khác nhau sử dụng kỹ thuật mạnh là học sâu (học sâu đã được bình chọn là một trong 10 công nghệ đột phá của năm 2013). Hệ thống này cũng được thiết kế để sinh ra các bản đồ 3 chiều và các đồ họa khác hiển thị trên màn hình điều khiển của xe.
John Leonard, một giáo sư về kỹ thuật cơ khí tại MIT, chuyên nghiên cứu về công nghệ xe hơi tự hành, đánh giá cao việc trang bị công nghệ tính toán mạnh như vậy trên xe hơi. Ông nói đó là lần đầu tiên một hệ thống máy tính lái tự động như vậy được thiết kế chỉ để trang bị cho xe hơi.
Phần cứng mới của Nvidia còn có thể được cập nhật tự động từ xa, sao cho các hãng sản xuất xe có thể chữa lỗi hoặc thêm chức năng mới. Điều này ngoài Tesla mới chỉ có một vài hãng xe hơi khác đang thực hiện.
Audi là khách hàng sớm nhất của công nghệ này. Tại CES, hãng đã trình diễn một mẫu xe hơi hạng sang có tên Audi Prologue sử dụng Drive PX.
Việc Nvidia giới thiệu sản phẩm này ra thị trường đánh dấu mốc quan trọng của học sâu, một công nghệ hiệu quả để xử lý các thông tin cảm biến. Học sâu là một kỹ thuật học máy sử dụng mạng nơ-ron nhân tạo, bắt chước cách hoạt động của não người. Tại CES, Nvidia trình diễn khả năng phần mềm của hãng có thể phát hiện các vật thể như xe hơi, người, xe đạp và các biển chỉ đường, ngay cả khi chúng bị ẩn đi một phần.
Yoshua Bengio, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Montreal, một chuyên gia về học sâu, cho biết, bộ xử lý này của Nvidia là một bước đi thương mại quan trọng. "Tôi không coi nó là công nghệ đột phá, mà là một bước tiến liên tục theo hướng đã được thực hiện trong vài năm gần đây", ông nói.
Còn Yann LeCun, một giáo sư khoa học máy tính tại Đại học New York, người đang lãnh đạo nhóm nghiên cứu về học sâu tại Facebook, cũng đánh giá bộ xử lý của Nvidia là một bước tiến quan trọng: “Điều này rất có ý nghĩa, vì các giải pháp hiện tại có xu hướng đóng và có bản quyền, sử dụng phần cứng riêng và không mềm dẻo, lại có xu hướng 'hộp đen', làm cho các nhà sản xuất thiết bị không thể tùy chỉnh được”.
Tại một cuộc họp báo hôm 4/1, Jen-Hsun Huang, Giám đốc Điều hành của Nvidia nói rằng thiết bị này sẽ "cung cấp khả năng tính toán cho xe lớn hơn bất cứ công nghệ nào hiện có".
Trong TGB Seminar on Leadership số 6 diễn ra ngày 25/12/2014, Ban Công nghệ FPT cũng đã thảo luận chủ đề phân tích và xử lý dữ liệu lớn, trong đó có công nghệ học sâu.
Lê Vầng (theo MIT Technology Review)
Ý kiến
()